Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang của phụ nữ Việt Nam

10/10/2023
Sáng 10/10, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập” theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang và trực tuyến tại các điểm cầu Hội LHPN các tỉnh, thành.
Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam trao tranh chân dung đồng chí Nguyễn Thị Thập bằng lá sen cho Hội LHPN Việt Nam (Ảnh: Báo PNVN)

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Thập, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khoá II - VI (1960 - 1981), nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1956 - 1974); tôn vinh, tri ân công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Hội thảo có sự tham gia của gần 1.200 đại biểu và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học với 23 bài viết, tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, nhà lãnh đạo, quản lý từ nhiều ban, ngành, đơn vị TW và địa phương.

Các đại biểu tham dự trực tuyến tại điểm cầu TW Hội LHPN Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: “Dù ở bất kỳ vị trí nào, bằng tài năng, tâm huyết và ý chí cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong vai trò là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo sâu sắc nhiều phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, đặc biệt phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Với những đóng góp đặc biệt, cho đến nay bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất, được phong tặng danh hiệu " Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và trở thành niềm tự hào, động lực to lớn cho các thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước noi theo”.

Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu đề dẫn khai mạc tại hội thảo (Ảnh: Báo PNVN)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình cho biết, đồng chí Nguyễn Thị Thập - người con ưu tú của quê hương Tiền Giang và vùng đất Nam bộ, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, Người Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến trọn vẹn cả đời mình vì sự nghiệp cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ Việt Nam kiên trung, bất khuất, có chồng và hai con trai hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực to lớn cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ cả nước ra sức thi đua cống hiến xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp... Ông mong rằng, các tham luận, báo cáo khoa học tại hội thảo sẽ góp phần khẳng định những đóng góp to lớn mang giá trị lịch sử, những dấu ấn về chân dung một người lãnh đạo Hội Phụ nữ xuất sắc trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” nói riêng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói chung; là hành trang quý báu để con cháu học tập, noi theo và có thêm sức mạnh, niềm tin để không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hội thảo diễn ra với 2 nội dung chính xoay quanh cuộc đời, thân thế và tấm gương đạo đức cách mạng; vai trò và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Thị Thập đối với phong trào phụ nữ và quê hương Tiền Giang và các giải pháp góp phần đẩy mạnh việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ và thế hệ trẻ. Ngoài ra, hội thảo đã tạo diễn đàn trao đổi các kết quả tài liệu khoa học về đồng chí Nguyễn Thị Thập và thúc đẩy hoạt động giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống phụ nữ Việt Nam hiện nay trong các cấp Hội phụ nữ.

Trong quá trình chuẩn bị tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài viết, tham luận có giá trị lịch sử, khoa học được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết của các nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, sở ngành tỉnh Tiền Giang, Hội LHPN Tiền Giang (Ảnh: Báo PNVN)

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra các hoạt động: Triển lãm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập tại tỉnh Tiền Giang; triển lãm trực tuyến “Người con gái sông Tiền” trên trang web của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang và Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, có công với cách mạng và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

 

* Đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho) trong một gia đình nông dân nghèo.

Từ năm 20 tuổi, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương.

Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), lấy bí danh là Mười Thập, sau đó thoát ly hoạt động phong trào, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng ở Sài Gòn và các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre.

Tháng 4 năm 1935, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, cùng năm đó, đồng chí bị Pháp bắt, bị kết án tù, chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù. Điều đó càng tôi rèn thêm ý chí sắt đá của người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập được giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Năm 1946, đồng chí vinh dự được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (là một trong 10 nữ Đại biểu Quốc hội khóa I); là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ (1947-1952), là Hội trưởng (nay là Chủ tịch) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương (1955-1974).

Đồng chí là người giữ kỷ lục về thâm niên người đứng đầu tổ chức phụ nữ Việt Nam với 18 năm liên tục, cũng là người phụ nữ duy nhất có 33 năm liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1988). Là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II (1960-1964) và 17 năm liên tục ở cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1964-1981); là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiều năm (từ khóa II đến khóa IV).

Trong thời gian giữ trọng trách là Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự thấu hiểu về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển của đất nước và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo tài ba, đồng chí đã đóng góp tiếng nói đại diện cho giới nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp (1960) và kiến nghị xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam nữ bình đẳng. Những chủ trương chỉ đạo mang tầm chiến lược của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị thời đại, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mãi lan tỏa đến nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video