Đôi bàn tay nhuộm chàm giữ nghề truyền thống

04/06/2023
Chỉ thoáng nhìn cũng dễ dàng nhận thấy đôi bàn tay của chị Lý Thị Ninh có màu chàm bám ở từng nếp da và trên cả móng tay. Chị Ninh bảo bắt đầu tỉ mẩn vẽ từng nét sáp ong trên vải lanh và biết nhuộm chàm từ khi mới 10 tuổi…
Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha

Đôi bàn tay nhuộm chàm

Chị Lý Thị Ninh là người con của bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Mông hoa. Lúc miệt mài bên khung cửi hay khi gò lưng ngồi vẽ sáp ong, gương mặt chị Lý Thị Ninh vẫn ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc bởi được làm công việc mình yêu thích.

Trong lúc chờ sáp ong nóng chảy, chị Ninh dùng một đoạn thân cây mảnh để ước lượng kích thước các hình sẽ vẽ trên nền mảnh vải lanh có màu trắng ngà. Vừa làm, chị vừa chia sẻ, hầu hết người dân ở bản Trống Tông nơi chị sống đều mặc trang phục truyền thống được may bằng vải lanh, có hoa văn trang trí bằng cách vẽ sáp ong, nhuộm chàm, kết hợp với ghép vải và thêu. Các mẫu hoa văn đều như ‘găm’ sẵn trong đầu mỗi phụ nữ Mông, chỉ cần bắt đầu là họ có thể vẽ ngay được

Chị Ninh nhiệt tình chia sẻ về quy trình vẽ sáp ong, về mảnh vải lanh đã được làm phẳng đang trải trên bàn. Bên cạnh là bộ bút vẽ đã đồng hành cùng chị mấy chục năm qua, chiếc giỏ đựng màu đen đã bóng lên theo thời gian. Chị chỉ vào bát sáp ong trắng, chàm để trước mặt và giới thiệu, đây đều là sáp được khai thác trong rừng. Màu sáp ong trắng sau khi nhuộm sẽ chuyển sang màu chàm và cần được đun nóng chảy cả hai màu với nhau trước khi vẽ.

Sáp ong và bút dùng để vẽ sáp ong trên vải 

"Sáp ong nóng chảy được vẽ trên mặt vải để che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải. Tấm vải sau khi vẽ sẽ được nhuộm và sau cùng là luộc trong nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra phần hoa văn được che phủ và nổi bật trên nền vải màu chàm. Thường công đoạn vẽ sẽ mất khoảng 1 tuần và nhuộm trong 15 ngày với từ 35 đến 38 lần nhuộm thì hoa văn mới lên màu đẹp"- chị Lý Thị Ninh chia sẻ- "Mỗi lần nhuộm xong, phơi khô lại nhuộm tiếp, nhuộm càng nhiều thì màu chàm càng đậm và không được phơi dưới nắng gắt quá. Bởi nếu nắng quá sẽ khiến sáp ong bị chảy".

Một ngày có thể nhuộm 5 lần, mỗi lần nhúng chàm 15 đến 20 phút, sau đó phơi khô hoặc chỉ cần mặt vải se se là có thể nhúng tiếp. Tất cả các công đoạn này đều phải giặt tay và hạn chế phơi nắng, tốt nhất là phơi ở chỗ râm mát, có gió…

Các triện với mẫu hoa văn đa dạng giúp phụ nữ Mông tiết kiệm được khá nhiều thời gian.

Khi được hỏi về các hoa văn độc đáo trên vải, chị Ninh cười giải thích, hầu hết các mẫu đều có từ thời các cụ. Hiện tại, phụ nữ Mông hoa vẫn vẽ theo các hoa văn truyền thống, chỉ sáng tạo thêm rất ít bởi lẽ hoa văn xưa mới có ý nghĩa.

Tuy nhiên, phụ nữ Mông hoa cũng sáng tạo khi đã đặt làm các triện với hoa văn đa dạng giúp tiết kiệm được khá nhiều thời gian, không phải ngồi vẽ từng nét.

"Có rất nhiều mẫu hoa văn, tất cả đều như ‘găm’ sẵn trong đầu mỗi phụ nữ Mông hoa, chỉ cần bắt đầu đặt miếng vải trắng xuống là họ có thể vẽ ngay được"- chị Ninh vui vẻ cho biết.

Mảnh vải được trang trí bằng sáp ong

Thông thường, để vẽ một mảnh vải có kích thước 20 x 20cm nếu nhanh thì mất nửa ngày. Một sản phẩm vẽ sáp ong từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện cần đến cả tháng, bao gồm cả thời gian vẽ và nhuộm.

Tuy nhiên, sản phẩm trang trí bằng sáp ong dù đã cho thấy kỹ năng điêu luyện của phụ nữ Mông hoa nhưng cũng chưa cầu kỳ bằng các sản phẩm thêu tay. "Sản phẩm trang trí sáp ong gồm váy áo, bao chân có giá thành khoảng 5-6 triệu đồng, còn sản phẩm thêu tay thì đắt hơn rất nhiều, riêng một cái áo đã có giá 6 triệu đồng. Giá thành cao vì có khi một năm, chị em chỉ có thể làm được một sản phẩm"- chị Lý Thị Ninh cho biết.

3 thế hệ giữ nghề truyền thống

Hiện tại, ở nhà chị Ninh có ba thế hệ có thể thêu tay, vẽ sáp ong. Đó là mẹ đẻ chị năm nay 88 tuổi và mẹ chồng 72 tuổi, tiếp đến là con gái chị năm nay 12 tuổi.

Chị Ninh không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những người thân yêu của mình. Mẹ chồng chị ở tuổi U80 vẫn có thể dệt vải, còn con gái mới 12 tuổi đã có thể vẽ sáp ong thành thạo và đẹp như mẹ.

"Phụ nữ Mông trước khi về nhà chồng đều tự tay may cho mình những bộ váy đẹp nhất để mang theo. Những bộ váy áo này phải làm bền bỉ nhiều năm trời mới xong. Tôi mong nét đẹp này sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để nghệ thuật thêu, vẽ sáp ong và những trang phục truyền thống đẹp sẽ còn mãi với thời gian"- chị Ninh chia sẻ.

* Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do chị Lý Thị Ninh, bản Trống Tông làm Tổ trưởng được thành lập năm 2009. Đến năm 2019 đạt doanh thu trên 600 triệu đồng. Đây là một trong số các tổ hợp tác được thành lập từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Hội LHPN tỉnh Yên Bái.

Năm 2020, sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị Lý Thị Ninh là 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được trao Giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững".

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video