Đắk Lắk: Bất bình đẳng về quyền tiếp cận, sở hữu, định đoạt về tài sản đất đai của phụ nữ so với nam giới

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ, trải qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai, những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành về các quan hệ tài sản, đất đai đã tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phụ nữ, thể hiện rõ trong quy định bắt buộc hai vợ chồng cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này trở thành tiền đề quan trọng giúp phụ nữ có cơ hội bình đẳng hơn trong quan hệ sở hữu tài sản về đất đai của gia đình, dòng họ và trong cộng đồng đồng thời cũng là yếu tố quan trọng trong bảo đảm thực hiện bình đẳng giới. Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó, phải kể đến tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như trong giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến; nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận, sở hữu, định đoạt về tài sản đất đai của phụ nữ so với nam giới.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy được sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung về dự thảo Luật thể hiện sự tôn trọng quyền bình đẳng giới, quyền chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học giúp cho phụ nữ và nhân dân nâng cao trách nhiệm, nhận thức đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tại Hội thảo,đã có 3 tham luận và 17 ý kiến tập trung trao đổi, góp ý các nội dung trọng tâm như: (1) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất. Và một số nội dung đặc thù tại địa phương mà hội viên, phụ nữ quan tâm, như: (1) Chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS (2) một số vấn đề giới trong dự thảo Luật Đất đai.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng: những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng sử dụng đất, định giá đất, tranh chấp đất đai, cấp giấy quyền sử dụng đất; bổ sung một số cụm từ tại các điều khoản cho phù hợp, bồi thường tái định cư, phân cấp trong thẩm định giá…. nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Trên cơ sở các thông tin, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Hội LHPN tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu lên Hội cấp trên, góp phần đảm bảo thu hẹp dần khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo các quy định của Luật được rõ nét, phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đất đai.