Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Tổng tư lệnh có trái tim ấm áp và tấm lòng nhân hậu

07/05/2024
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu, cả thế giới phải thán phục trước tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với quân và dân Việt Nam, đó còn là vị Tổng tư lệnh có trái tim ấm áp và tấm lòng nhân hậu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tiếc từng giọt máu của chiến sĩ, đồng đội

Trong hồi ký của mình, khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà viết: "Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở Sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Những điều ấy thì không phải ai cũng biết".

Bất kỳ vị tướng nào, đã cầm quân xông trận ắt hẳn đều mong muốn chiến thắng và chiến thắng vẻ vang. Song, chiến thắng nào không có mất mát hy sinh, không đánh đổi bằng máu xương người chiến sĩ. Để có một "Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngoài những bộ óc kiệt xuất, chiến lược vĩ đại, ý chí quyết thắng, tinh thần đấu tranh anh dũng, đã có nhiều và rất nhiều máu của quân và dân ta đã đổ xuống.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cả thế giới phải thán phục trước tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh chiến công vang dội ấy, vị Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là vị tướng nhân văn. Bởi với ông, chiến thắng không phải là giành lấy bằng mọi giá, mà phải luôn đi liền với việc giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội.

Theo Thượng tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong cuộc đời của mình, Đại tướng luôn thực hiện một trong những quan điểm cốt tử của chiến tranh chính nghĩa: dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ…", Thượng tướng Trần Văn Trà từng chia sẻ.

Có lẽ, chính sự mách bảo của vị Tổng tư lệnh có trái tim ấm áp, dù quyết tâm giành thắng lợi nhưng hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ mà trong những ngày cuối tháng 1/1954, sau nhiều ngày đêm trăn trở, sáng ngày 26/1/1954, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Quyết định táo bạo và sáng suốt này đã tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu nhưng hạn chế tối đa sự mất mát, hy sinh.

Dù bản thân cũng phải chịu những mất mát lớn khi người vợ, người đồng chí của ông - bà Nguyễn Thị Quang Thái - bị địch bắt và hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, cha ông bị giặc Pháp bắt giam rồi thủ tiêu, mãi sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mới tìm thấy phần mộ để đưa về an táng tại quê nhà, thế nhưng trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn hay thuận lợi, Đại tướng luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, như sinh thời ông đã bộc bạch: "sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó".

Luôn đánh giá cao đóng góp của phụ nữ Việt Nam

Sinh thời, cả trong lúc chiến tranh và hoà bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm, động viên và đánh giá cao những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình, năm 1968.

Trong bài "Vì một xã hội công bằng, văn minh, nam nữ thực sự bình đẳng", Đại tướng viết: "Chính Hai Bà Trưng, hai người phụ nữ, là những người đầu tiên đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa giành lại quyền độc lập tự chủ cho non sông gấm vóc Vua Hùng để lại. Từ đó, trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ các nữ anh hùng cho đến đông đảo chị em phụ nữ đã có một vai trò lớn lao, từ các nữ tướng, nữ đô đốc, cho đến các bà công chúa lo liệu quân lương, chị bán hàng vô danh đã chỉ cho Đức Thánh Trần mức lên xuống của nước thủy triều sông Bạch Đằng, bà chúa đã dạy cho dân thêu thùa ở bến đò Tam Cốc, bà chúa dân dã dạy cho dân nghề nuôi tằm ươm tơ ở dốc Tam Điệp.

Đến thời cận đại, hiện đại, nhất là từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thì từ Nam chí Bắc ra ngõ là gặp anh hùng, cả nam và nữ. Từ Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định…, các đội du kích nữ Hoàng Ngân, Trưng Trắc, các đội nữ pháo binh Trung và Nam Bộ cho đến các nữ chiến sĩ đồng bào dân tộc hăng say vót chông diệt địch, các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở miền Bắc và miền Nam, các nữ chiến sĩ đặc công và biệt động chiến đấu thầm lặng và anh dũng…, các bà mẹ anh hùng đáng kính và biết bao người chị, người vợ lao động quên mình với tinh thần tất cả cho mặt trận. Cống hiến của chị em phụ nữ thật là lớn lao đối với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to, mang lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc".

Trong những ngày Nam bộ kháng chiến, Đại tướng đã có bức thư gửi Anh hùng lực lượng vũ trang - "nữ kiệt miền Đông" Hồ Thị Bi, trong thư viết: "Bộ Tổng tư lệnh đã nhận được báo cáo về công tác anh dũng và đảm đang của đồng chí. Tôi gửi lời khen ngợi chị, mong chị cố gắng hơn nữa để giúp bộ đội trong bước tổng tấn công tiêu diệt quân giặc, khôi phục lại hoàn toàn Nam bộ yêu dấu của chúng ta".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi Mẹ Suốt (Anh hùng Nguyễn Thị Suốt) tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ tổ chức ở Hà Nội ngày 28/12/1966

Tại dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong bức thư gửi cho Hội LHPN Việt Nam, Đại tướng đã viết: "Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chị em phụ nữ đã ra trận đảm nhận nhiêm vụ công tác thông tin hoặc quân y. Còn dân công và thanh niên xung phong bảo đảm hậu cần cho chiến dịch thì đại bộ phận là các chị em từ địch hậu, từ khu V, Việt Bắc, Tây Bắc đã ngày đêm lao động quên mình, bảo đảm nhu cầu cho bộ đội, góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch".

Có thể nói, dù trong thời chiến hay thời bình, dù ở cương vị nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò, ghi nhận những đóng góp to lớn của các tầng lớp, thế hệ phụ nữ đối với dân tộc. Đặc biệt, Đại tướng luôn đặt niềm tin rất lớn vào khả năng, sức mạnh của phụ nữ. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông là đại tướng đầu tiên của quân đội ta, cũng là đại tướng thắng nhiều đại tướng nhất. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã được khắc ghi trong lịch sử dân tộc gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Chiến thắng đã đập tan kế hoạch Nava của Pháp, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 04/10/2013, thọ 103 tuổi. Với nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video