Đại biểu Hà Thị Nga: Cần quan tâm phân bổ ngân sách cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ

16/01/2024
Đó là phát biểu của đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, khi thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại Tổ 14 sáng 16/1/2024.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1/2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại tổ 14, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ nhất trí với dự thảo về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, theo đại biểu Hà Thị Nga, trong thời gian qua, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là tỷ lệ giải ngân chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Trong đó, về nội dung phân bổ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm là nội dung hết sức quan trọng, Quốc hội phân bổ dự toán chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục giao dự toán hàng năm cho các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cơ chế này sẽ góp phần rất quan trọng trong việc quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước không chỉ đúng với lĩnh vực mà đã được Quốc hội thông qua, điều quan trọng hơn nữa là góp phần giúp cho các địa phương, các bộ, ngành được Chính phủ giao chủ trì các dự án trong các chương trình mục tiêu quốc gia có sự chủ động linh hoạt hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Để cơ chế này thực sự có ý nghĩa, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung:

Thứ nhất, về việc phân cấp đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát kết quả thực hiện các dự án thành phần mà hiện nay các bộ, cơ quan của Trung ương được giao chủ trì và ảnh hưởng đến việc đảm bảo kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của một số dự án thành phần.

Trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì một dự án thành phần là Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Vấn đề bình đẳng giới khi thực hiện cơ chế phân cấp với Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ có ít nhiều những tác động, nếu cơ quan chủ trì triển khai thực hiện dự án, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, các bộ, ngành Trung ương với địa phương. Vai trò tham mưu của Hội LHPN và các cơ quan có liên quan ở cấp tỉnh mà không có sự phối kết hợp chặt chẽ thì trong quá trình tổ chức triển khai theo dõi, giám sát sẽ gặp phải những khó khăn, đặc biệt là những chỉ số liên quan đến bình đẳng giới.

Thứ hai, việc phân cấp đến địa phương có thể phát sinh tình trạng sau khi được phân cấp thì địa phương sẽ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho một số hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng lại chưa có sự quan tâm thỏa đáng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách theo mục tiêu mà Quốc hội giao. 

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Qua kiểm tra, giám sát thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ở một số địa phương, việc đầu tư nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng gia đình, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập; Công tác cán bộ nữ chưa đạt được tiêu chí về số lượng cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp; Tỷ lệ phụ nữ tham gia một số ban chỉ đạo ở địa phương khá khiêm tốn trong khi lực lượng nữ tham gia rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề lồng ghép giới, đảm bảo bình đẳng giới tại địa phương chưa rõ nét, chưa phản ánh rõ sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ và nam giới...

Theo đó, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, cần có sự quan tâm phân bổ ngân sách cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, đề nghị quan tâm quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, trong chỉ đạo cần quan tâm đảm bảo việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc: Đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, chế độ, chính sách cho các đối tượng hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm tới giới và bình đẳng giới.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng bày tỏ nhất trí với quan điểm phân bổ dự toán giao chi thường xuyên ngân sách Trung ương trung hạn nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện các dự án mang tính chất lâu dài, như hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tránh tập trung vào các dự án có tính ngắn hạn như mua trâu, bò, máy móc, công cụ sản xuất...

Về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, đại biểu Hà Thị Nga bày tỏ sự đồng tình về việc chủ dự án phát triển sản xuất thì tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa để phục vụ cho hoạt động phát triển sản xuất của mình.

Trong trường hợp chủ dự án phát triển sản xuất trực tiếp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi thì cơ quan quản lý dự án sẽ thanh toán trực tiếp với chi phí sản xuất, cung ứng cây trồng, vật nuôi theo giá thị trường tại địa bàn thực hiện dự án; hoặc theo định mức hỗ trợ theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để có cơ chế giám sát, quản lý giá.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 14

Trường hợp chủ dự án ký kết hợp đồng mua sắm hàng hóa với bên cung cấp hàng hóa không phải là thành viên tham gia dự án phát triển sản xuất, thì có văn bản gửi cơ quan quản lý dự án để thực hiện thanh toán cho bên cung cấp hàng hóa - bày tỏ đồng tình với quy định này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, chủ dự án phát triển sản xuất cơ bản là thành phần tư nhân, họ khó có thể thực hiện các quy trình đấu thầu, nhất là đối tượng và người dân không thuộc đối tượng là bên mời thầu.

Đại biểu Hà Thị Nga đánh giá, những quy định nêu trên sát với tình hình thực tiễn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ dự án phát triển sản xuất tự chủ, chủ động hơn, phát huy một cách tốt nhất trong việc triển khai dự án của các địa phương, nhất là ở các địa bàn vùng cao, khu vực miền núi, đồng bào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng bày tỏ đồng tình, nhất trí với quan điểm: Cần nghiên cứu thêm về cơ chế tạm ứng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và cơ chế thủ tục đặc thù, thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là với các trường hợp dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, do cộng đồng tổ chức triển khai thực hiện sử dụng nhiều đầu vào từ cộng đồng địa phương và có quy định về mức giá tạm ứng cho từng các đối tượng khác nhau.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video