Tìm hiểu nhu cầu để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính tốt cho phụ nữ có thu nhập thấp

19/12/2019
Dự án Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam được khởi động từ tháng 3/2019 với mục tiêu phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ có thu nhập thấp, khó tiếp cận các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Ba đối tác được lựa chọn tham gia dự án để đạt mục tiêu xây dựng và cung cấp các sản phẩm thân thiện với phụ nữ gồm Tổ chức Tài chính vi mô MFI Thanh Hóa, Công ty bảo hiểm Dai-Ichi Life Vệt Nam và Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP bank).

Qua hơn 9 tháng triển khai dự án, với những hoạt động được Hội LHPN Việt Nam và các đối tác tổ chức thực hiện, các bên đều đã thu hoạch được những kết quả bước đầu, rút ra được một số bài học kinh nghiệm cũng như đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất cho kế hoạch hoạt động của Dự án thời gian tiếp theo.

Phát biểu tại cuộc họp sơ kết, đánh giá tiến độ thực hiện Dự án diễn ra vào chiều 10/12/2019, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Hội là một tổ chức tích cực trong các hoạt động tài chính vi mô, vay vốn, hỗ trợ các hoạt động sản xuất cho phụ nữ thuộc nhóm yếu thế. 

Đánh giá cao tinh thần nỗ lực, tích cực của các đối tác tham gia Dự án, Phó Chủ tịch Hội khẳng định, Dự án Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam là một cách tiếp cận mới của Hội trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Chính vì vậy, sự chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ các đối tác là rất cần thiết để triển khai dự án hiệu quả nhất, tất cả vì mục đích nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Tình, đại diện Tổ chức Tài chính vi môMFI Thanh Hóa cho biết, triển khai Dự án, MFI Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát xác định nhu cầu của khách hàng để làm cơ sở xây dựng ý tưởng,thiết kế sản phẩm tiết kiệm tự nguyện Cao niên phúc lộc, khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm để có dự phòng, chủ động về tài chính, không bị phụ thuộc vào con cái khi về già. Bên cạnh đó, MFI Thanh Hóa cũng tổ chức thí điểm dịch vụ tin vắn tự động, hướng tới áp dụng mobibanking, internet banking nhằm mang lại sự thuận tiện, tính linh hoạt, giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng; tăng quy mô, thu nhập, giảm chi phí quản lý cho Tổ chức.

 

 Ảnh minh họa

 Bà Hoàng Thị Tình, đại diện Tổ chức Tài chính vi môMFI Thanh Hóa chia sẻ tại cuộc họp

 

 

Bà Tình cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc xây dựng, triển khai các mô hình như: Đối với sản phẩm tiết kiệm vì mô khó quản lý, dễ xảy ra gian lận, chi phí quản lý cao, hạn mức giao dịch tại điểm giao dịch bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đối với dịch vụ nhắn tin vắn tự động, chi phí nâng cấp phần mềm cao, dễ có lỗ hổng hoặc khả năng tích hợp kém, khách hàng hoặc Tổ chức phải chi trả cho nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS...

Đại diện Dai-Ichi Life Việt Nam cũng chia sẻ, khi tiến hành khảo sát khách hàng cho thấy, phụ nữ phần lớn là người chịu trách nhiệm trong chi tiêu của gia đình và là người ra quyết định việc mua các sản phẩm bảo hiểm. Bên cạnh việc đa số khách hàng đã hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo vệ tài chính trước những rủi ro bất ngờ, sẵn sàng chi trả cao hơn để được hưởng quyền lợi tốt hơn, mong muốn tuổi tham gia bảo hiểm được mở rộng để tạo điều kiện cho người lớn tuổi tham gia thì hiện vẫn còn nhiều người vẫn còn cái nhìn tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ.

Đại diện Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP bank) cho biết, tiến hành tìm hiểu nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, kết quả thu được cho thấy, phần lớn họ là những người coi trọng và dành thời gian cho gia đình, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ, có khát vọng được tự lập, tự chủ thu nhập và chi tiêu, bản thân họ có thu nhập thấp, chỉ có thể đủ khả năng kinh doanh nhỏ, đơn giản, thời gian linh hoạt, từ nguồn vốn của người thân hoặc vay Ngân hàng Chính sách xã hội (kinh doanh trực tuyến bán quần áo trẻ em, thực phẩm khô, cửa hàng tạp hóa nhỏ…). Nhìn chung, hầu hết những khách hàng được tìm hiểu đều không am hiểu về công nghệ, họ thường sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá, bán sản phẩm của mình; Họ cũng không quen dùng các giao dịch ngân hàng trực tuyến, mặc dù nhiều người có tài khoản ngân hàng nhưng hầu hết các hoạt động bán hàng là giao dịch phi ngân hàng. Họ cũng không hoặc có rất ít kinh nghiệm trong việc vay từ các tổ chức tài chính.

 

 Ảnh minh họa

 Các đại biểu tham gia cuộc họp

 

Từ những thực tế trong quá trình triển khai dự án, tìm hiểu khách hàng, xây dựng sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm của nước ngoài, các đối tác tham gia Dự án đã đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả, chất lượng Dự án trong thời gian tới như: Ngân hàng Nhà nước có tham mưu chiến lược tài chính tín dụng trong đó phụ nữ là một trong những đối tượng mục tiêu; Bộ Tài chính có giải pháp thúc đẩy cung cấp bảo hiểm vi mô từ các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của người dân và thúc đẩy cầu bảo hiểm vi mô từ đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng dễ bị tổn thương; Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục tài chính thực tiễn, phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, tham mưu xây dựng hệ thống tài khoản tiết kiệm cho hội viên, phụ nữ, hợp tác với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phân phối các sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất cho hội viên, phụ nữ…

Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ có kế hoạch tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp bảo hiểm để bàn gói giải pháp và sản phẩm cung cấp tốt nhất hỗ trợ cho phụ nữ.

 

Một số kinh nghiệm từ Comlombia:

Tháng 9/2019, đoàn các thành viên đối tác tham gia dự án cùng Hội LHPN Việt Nam đã có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Colombia. Sau chuyến đi, các thành viên trong đoàn đã rút ra một số kinh nghiệm:

- Chính phủ Colombia ban hành Chiến lược tài chính toàn diện sớm (từ năm 2006) góp phần đảm bảo không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau và giảm khoảng cách giới. Nhà nước và các tổ chức tài chính của Colombia đã triển khai rất tốt các giải pháp được quy định trong Chiến lược, có chỉ số đánh giá và lưu trữ số liệu liên quan về tài chính tín dụng rất tốt để làm cơ sở cho việc nghiên cứu và đề ra các giải pháp trong mỗi gia đoạn. Vai trò của Nhà nước giữ vị trí dẫn dặt, hỗ trợ, chỉ can thiệp khi có rủi ro hoặc nhận thấy nguy cơ, hạn chế làm trực tiếp các hoạt động mà tập trung ban hàng chính sách, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ; Sẵn sàng thí điểm, đánh giá, điều chỉnh các chương trình thực hiện để có thể đạt được kết quả cao nhất.

- Chiến lược giáo dục tài chính của Colombia cũng rất hiệu quả với việc triển khai giáo dục tài chính cho toàn dân ở tất cả các độ tuổi. Sau khi có chiến lược này (2015), tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tăng từ 39% năm 2014 lên 45,8% năm 2017, đồng thời tỷ lệ phụ nữ có tài khoảng cũng tăng từ 34% lên 42,5%.

- Bên cạnh đó, Colombia cũng áp dụng rất tốt công nghệ số vào công tác quản lý và giao dịch với khách hàng; Thực hiện giáo dục tài chính vi mô cho toàn dân ở tất cả các độ tuổi; Tích cực triển khai xây dựng mạng lưới tư vấn, cộng tác viên...

 

VH

Video