Vĩnh Phúc: Nữ cử nhân báo chí thu tiền tỷ từ nuôi lợn

28/12/2021
Sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc), sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2009, chị Thúy xây dựng gia đình, theo chồng về xã Minh Quang. Không như các bạn cùng trang lứa, thay vì tìm một công việc phù hợp với tấm bằng cử nhân, chị chọn hướng nuôi lợn VietGAP để làm kinh tế...
Hằng năm, gia đình chị Thúy, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, (tỉnh Vĩnh Phúc) thu tiền tỷ từ nuôi lợn

Đến xã Minh Quang, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi từ vùng đất cằn cỗi, khó canh tác, gia đình chị đã biến thành trang trại chăn nuôi lợn có quy mô hiện đại, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Xuyên, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2009, chị Thúy xây dựng gia đình, theo chồng về sống tại xã Minh Quang (huyện Tam Đảo). Không như các bạn cùng trang lứa khác, thay vì tìm một công việc phù hợp với tấm bằng cử nhân, chị chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP.

Chị Thúy cho biết, khi đó, vợ chồng chị mới ra ở riêng, kinh tế khó khăn, chị bàn với chồng tận dụng hơn 4ha diện tích đất sẵn có của gia đình để chăn nuôi lợn.

Bắt đầu khởi nghiệp từ 10 con lợn, lứa đầu tiên, gia đình chị Thúy thu về gần 100 triệu đồng. Nhận thấy nuôi lợn có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị bắt đầu tăng quy mô lên 50 con, rồi 100 con lợn. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn, năm 2015, anh chị thống nhất vay thêm vốn ngân hàng, tiếp tục tăng quy mô đàn lên 400 lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm. Thế nhưng, hy vọng của chị chưa kịp nhen nhóm thì năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 16.000 đồng/kg, cùng với dịch bệnh khiến gia đình chị thua lỗ. Lúc ấy, trong đầu chị đã xuất hiện ý nghĩ từ bỏ chăn nuôi, tìm kiếm công việc khác để phát triển kinh tế gia đình.

Nhưng rồi, niềm đam mê với nông nghiệp sạch và ước mơ làm giàu đã khiến chị không nản chí, chị đã bàn với chồng tìm mọi cách duy trì mô hình. Chị dành thời gian tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả và tìm hiểu qua sách báo, ti vi để có kinh nghiệm; hơn lúc nào hết, chính lúc này lại càng khiến chị thêm say mê với công việc đã chọn. Rồi chị bàn với chồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô lớn.

Đến nay, gia đình chị đã xây dựng 5 dãy chuồng và nuôi 200 lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP. Từ đầu năm 2020 đến nay, chị Thúy xuất ra thị trường hơn 1.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống. Với giá lợn hiện nay, gia đình chị Thúy thu nhập 6-7 tỷ đồng/năm, ngoài ra, còn tạo việc làm cho gần 10 lao động với thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Thúy tâm sự: “Mong muốn làm giàu từ nông nghiệp sạch, đến giờ tôi vẫn luôn nghĩ đã chọn được hướng đi đúng. Vì vậy, khi bắt tay vào chăn nuôi, vợ chồng tôi đã nghĩ và tính toán đến việc quy hoạch xây dựng chuồng trại khoa học, hiện đại, tách biệt hẳn với dãy nhà ở của gia đình và khu dân cư. Xác định chăn nuôi là nghề để phát triển kinh tế gia đình, mang tính lâu dài, bền vững, chúng tôi đã chọn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, vừa bảo đảm chất lượng vừa an toàn cho người sử dụng lợn thương phẩm của gia đình.”

Ngoài năng động trong xây dựng, phát triển mô hình nuôi lợn, chị Thúy còn đào hơn 2 mẫu ao để thả cá, nuôi ếch; tận dụng diện tích đất còn lại trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chị Thúy là đảng viên, hội viên phụ nữ, hội viên nông dân tiêu biểu của xã Minh Quang, của huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Chị Nguyễn Thị Thúy luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Chị là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V.

hoinongdan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video