TW Hội LHPN Việt Nam tham vấn chuyên gia góp ý Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030

17/09/2020
Hội thảo tham vấn chuyên gia góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (DTCL) do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 17/9/2020 có sự tham gia của các chuyên gia về Giới, đại diện đến từ một số cơ quan bộ, ngành, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo ban, đơn vị là chuyên gia giới của cơ quan TW Hội.
Các đại biểu tại hội thảo

Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào đầu tháng 10/2020. Trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn 2011 – 2020, DTCL xác định các vấn đề bất bình đẳng giới cần giải quyết cho giai đoạn tới.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách Luật pháp TW Hội thông tin: Theo báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, trong tổng số 22 chỉ tiêu đề ra, có 13 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt (chiếm 59%), còn lại 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc không thống kê được (chiếm 41%), tập trung vào những chỉ tiêu về chính trị, kinh tế, công việc gia đình, đặc biệt là không đạt được chỉ tiêu nào về tỷ lệ phụ nữ tham chính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách Luật pháp TW Hội

Nhận thức của xã hội về bình đẳng giới vẫn còn hạn chế, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở mọi cấp độ, khía cạnh của đời sống kinh tế- xã hội, văn hóa, chính trị. Trong đó đáng chú ý như: Tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ở tất cả các cấp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của phụ nữ; Bất bình đẳng giới trong kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, gia đình vẫn tồn tại. Phụ nữ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các nhóm lao động yếu thế, là nạn nhân của bạo lực gia đình, mang gánh nặng kép của việc nhà, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh,...

Việc triển khai lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Lồng ghép giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực chất.

Công tác thu thập số liệu, thông tin thống kê có tách biệt giới chưa được chú trọng quan tâm thực hiện đầy đủ, chính xác dẫn đến thiếu nguồn dữ liệu thông tin về giới phục vụ cho việc phân tích, xây dựng, đề xuất chính sách liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về DTCL, trong đó tập trung vào quan điểm, mục tiêu tổng quát; một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được xây dựng trong DTCL.

Hội thảo tham vấn chuyên gia góp ý Dự thảo Chiến lược BĐG giai đoạn 2021-2030

Đa số các ý kiến thống nhất cho rằng, ban soạn thảo cần đánh giá, xây dựng quan điểm, mục tiêu chung của DTCL nhằm đảm bảo cả phụ nữ, nam giới và các nhóm khác trong xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương được đề cập đầy đủ và được thụ hưởng từ Chiến lược này.

Cần rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu từ tổng quát đến cụ thể, làm rõ các giải pháp để đạt được bình đẳng giới thực chất ở tất cả các lĩnh vực cũng như có thời gian thực hiện phù hợp với thực tiễn. Các mục tiêu tránh việc đưa ra mệnh đề chung mà cần phải xây dựng được cụ thể về con số đảm bảo tính khả thi, có thể đo lường, đánh giá sau 10 năm thực hiện.

Nhiều ý kiến đề nghị, DTCL cần có sự phân tích sâu hơn tác động giới của cách mạng công nghiệp 4.0, dịch Covid-19, từ đó có những giải pháp ứng phó, phản ánh đầy đủ, thẩm thấu vào các mục tiêu, chỉ tiêu của CL, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông nhằm tạo ra các sản phẩm truyền thông thông minh, có tính lan tỏa rộng rãi, hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Cần nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong DTCL như: tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy cấp TW chưa có, phụ nữ tham gia quản lý cấp phòng, cấp vụ, tỷ lệ nữ cán bộ công chức; vấn đề bất bình đẳng giới về tiền lương; bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực học đường; các chỉ tiêu về y tế; cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới; công tác thanh tra, giám sát, chế tài xử lý...

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng quan tâm đến việc bố trí nguồn lực cho thực hiện bình đẳng giới trong nội dung CL; Xác định rõ vai trò, trách nhiệm thực hiện, trong đó có vai trò của Hội LHPN Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương...

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi phát biểu

Các ý kiến đóng góp sẽ được TW Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu để  chuẩn bị cho nội dung phản biện xã hội của Hội đối với DTCL quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030 gửi cơ quan chủ trì xây dựng, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững nói riêng mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

 

DTCL quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn tới 2021 - 2030 xác định 8 vấn đề cần quan tâm giải quyết trong giai đoạn 10 năm tới, gồm:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, hạn chế sự tái diễn của tình trạng bất bình đẳng giới từ thế hệ này sang thế hệ khác;

2. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý, thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị;

3. Thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm;

4. Thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục ở trình độ cao;

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

6. Thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới;

7. Giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa môi trường phù hợp với nhu cầu và lợi ích của mỗi giới;

8. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video