Từ xe ôm, phụ bếp đến… nữ hoàng đi bộ

31/12/2019
Đó là Phạm Thị Thu Trang - vận động viên có thành tích ấn tượng giành Huy chương Vàng (HCV) nội dung 10km đi bộ nữ tại SEA Games 30 vừa qua
Nỗ lực vượt khó giúp VĐV Phạm Thị Thu Trang trở thành “nữ hoàng đi bộ” mới của Đông Nam Á.

Gương mặt tươi cười, ít nói, ít ai biết rằng để nuôi dưỡng giấc mơ thể thao, Thu Trang đã từng phải làm nhiều việc chân tay từ xe ôm công nghệ đến phụ bếp sau những giờ tập luyện vất vả...

Phạm Thị Thu Trang sinh năm 1998, tại Chương Mỹ, Hà Nội. Năm 15 tuổi, Trang và chị gái song sinh tên Quỳnh bộc lộ năng khiếu với điền kinh, được Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội nhận thử việc. Sau 1 tuần thử thách, cả hai đều trúng tuyển. Sau đó, Quỳnh xin về nhà học tiếp văn hóa, còn Trang được tuyển vào đội điền kinh. Ban đầu, Thu Trang tham gia tổ chạy dài của đội tuyển điền kinh Hà Nội. Ba năm sau, Trang bắt đầu tập môn đi bộ 10km nữ.

Nhà có bốn chị em, sinh kế gia đình trông vào mấy sào ruộng của bố mẹ. Bố của Trang còn làm thêm nghề thợ xây nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây. Để kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình, sau những giờ tập vất vả Thu Trang còn chạy thêm xe ôm công nghệ. Có lúc Trang còn chuyển sang làm phụ bếp. Tiền lương và tiền làm thêm Thu Trang chỉ giữ lại một ít tiêu vặt, còn lại đều đặn gửi về nhà cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Có thời điểm, bố mẹ muốn Thu Trang về làm công nhân cho ổn định nhưng vì đam mê với thể thao mà vận động viên này đã cố gắng vượt qua khó khăn bằng nghị lực đáng nể. “Bố mẹ không ngăn cấm em theo điền kinh. Nhưng vì thương con gái vất vả nên bố mẹ luôn muốn em về, kiếm việc gì đó làm cho ổn định. Mỗi lần gửi tiền về nhà bố mẹ hỏi em tiền đâu ra. Em không dám nói đi làm thêm mà chỉ bảo là tiền lương dành dụm được” , Thu Trang chia sẻ.

Khi Thu Trang giành HCV SEA Games 30, nhiều người gần gũi với cô lại nhớ về thất bại của chính Trang trên đường đi bộ ở Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018, diễn ra cách đây khoảng 1 năm. Năm đó, điền kinh Hà Nội đã đầu tư kỹ lưỡng cho thầy trò đội đi bộ với hy vọng sẽ gây bất ngờ tại đại hội bất chấp có sự trở lại của Nguyễn Thị Thanh Phúc. Tuy nhiên, Thu Trang không thể đạt thành tích tích tốt nhất so với khi tập luyện và chỉ giành Huy chương đồng trong khi Nguyễn Thị Thanh Phúc lên ngôi vô địch.

Không được đánh giá cao bằng đàn chị Thanh Phúc, Thu Trang chỉ được bổ sung tham dự SEA Games 30 vào phút chót. Trước SEA Games 30, Thu Trang được ngành thể thao Hà Nội đầu tư để tập huấn tại Trung Quốc trong 1 tháng trước, rồi tiếp tục tập luyện tại Thủ đô trước khi tham dự SEA Games. Giới chuyên môn nhận định, nhiều khả năng Thu Trang sẽ khó vượt qua được đàn chị Thanh Phúc. Nhưng rồi sự nỗ lực cùng ý chí thi đấu mạnh mẽ đã giúp cô gái này giành HCV ngay trong lần đầu tham dự. Phạm Thị Thu Trang về nhất khi đạt thành tích 52 phút 59 giây 45 trong khi đàn chị Nguyễn Thị Thanh Phúc xếp thứ tư chung cuộc.

Tấm HCV của Thu Trang mang dấu ấn của sức trẻ, sự khát khao vươn lên và sự đầu tư đúng đắn của ngành thể thao Hà Nội. Trưởng bộ môn điền kinh Hà Nội Lại Phúc Lộc, khẳng định: “Tấm HCV của Thu Trang không chỉ tiếp thêm động lực cho công tác đào tạo trẻ của điền kinh Việt Nam nói chung mà còn của Hà Nội nói riêng. Chặng đường phát triển của Thu Trang còn ở phía trước nhất là khi còn cần hoàn thiện nhiều kỹ năng, tích lũy thêm về thể lực để không chỉ nhắm đến đấu trường trong nước hay SEA Games”.

 

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video