Trao giải cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” – tỏa sáng văn hóa Việt, nét đẹp phụ nữ Việt

07/10/2020
Tối 7/10, chương trình chung kết và trao giải cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã diễn ra hoành tráng tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế và đặc biệt là các nhà thiết kế có tác phẩm được vào vòng chung kết của Cuộc thi.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao Giải Nhất cho bộ sưu tập của nhà thiết kế Lê Thị Thủy

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã tới dự và trao thưởng cho tác giả đạt giải Nhất.

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Tiết mục múa Cây trúc xinh do sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam biểu diễn

Phát biểu khai mạc đêm chung kết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa bày tỏ niềm tự hào sâu sắc đối với tà áo dài Việt Nam. Phó Chủ tịch Hội khẳng định: Áo dài đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là hình ảnh gắn bó với người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn mang trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, tạo ấn tượng vô cùng đẹp đẽ trong lòng người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa khai mạc Chương trình 

Từ ý nghĩa tốt đẹp đó, Cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt” được TW Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 3/2020 nhằm tạo sân chơi sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân, những người yêu áo dài Việt Nam, qua đó góp phần tôn vinh, nâng tầm vị thế Áo dài Việt Nam trong đời sống xã hội.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 7 trái ảnh qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đại biểu tham gia Chương trình

Với các tiêu chí khích lệ tính đa dạng, sáng tạo, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, vẻ đẹp độc đáo của các di sản, danh lam thắng cảnh Việt, Cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng với 102 hồ sơ dự thi gồm 534 tác phẩm của các tác giả đến từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các tác giả đến với cuộc thi đa dạng về lứa tuổi (tác giả nhỏ tuổi nhất mới chỉ 7 tuổi, lớn tuổi nhất là 64 tuổi), đa dạng về ngành nghề (nhà thiết kế chuyên nghiệp, nghệ nhân, học sinh, sinh viên, giáo viên, công an, nông dân, doanh nhân, thợ may…). Sau vòng sơ khảo, 60 bộ sưu tập Áo dài đã xuất sắc lọt vào vòng chung khảo.

Biểu diễn bộ sưu tập Hoàng Thành Thăng Long của tác giả Lê Thị Thủy, giải Nhất cuộc thi

Tại Chương trình, các đại biểu đã được chiêm ngưỡng gần 70  bộ áo dài là những tác phẩm đẹp nhất được các tác giả lọt vào vòng chung khảo lựa chọn. Mỗi bộ sưu tập là một tác phẩm khác biệt, được sáng tạo trên nhiều chất liệu truyền thống như: tơ, lụa, thổ cẩm với các kỹ thuật thêu đính thủ công truyền thống, tỉ mỉ, công phu, sáng tạo

Đặc biệt, với cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng của văn hóa mỗi vùng miền, các tác giả đã khai thác khéo léo, chuyển tải vào bộ sưu tập của mình,  qua đó thể hiện sinh động nét đẹp hoàn hảo cũng như bản sắc văn hóa dân tộc chứa đựng trong tà áo dài Việt, tạo hiệu ứng tích cực, truyền cảm hứng và lan tỏa sâu sắc những thông điệp ý nghĩa về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, giá trị nhân văn đối với đất nước, con người chứa đựng trong tà áo dài Việt Nam.

Để ghi nhận sự đồng hành, đóng góp của các thí sinh tham dự cuộc thi, tạo nên thành công cho chương trình, Ban Tổ chức đã trao biểu trưng của Cuộc vận động cho các thí sinh và Ban giám khảo; Đồng thời trao Giải cho 13 thí sinh xuất sắc nhất. Trong đó, Giải nhất đã vinh dự thuộc về tác giả Lê Thị Thủy, đến từ Hà Nội với bộ sưu tập Hoàng Thành Thăng Long; Giải nhì thuộc về hai tác giả đến từ tỉnh Đk Lk là Nguyễn Thị  Hoàng Anh với bộ sưu tập Mẹ yêu và tác giả Phùng Quốc Khánh với bộ sưu tập Trang phục truyền thống dân tộc Ê đê.

Bộ sưu tập truyền thống Ê đê đã đạt Giải Nhì cuộc thi

 

 

Trao biểu trưng cho các nhà thiết kế có nhiều cống hiến, đồng hành làm nên thành công của Cuộc thi

 

Trao Giải Nhì cuộc thi cho hai tác giả đến từ Đắk Lắk

 

Trao Giải Ba cho các tác giả đạt giải Ba

 

Trao Giải phụ cho các bộ sưu tập xuất sắc

 

Sự kiện Áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam do TW Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 3/2020 đã diễn ra sôi nổi khắp các tỉnh/thành cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tuần lễ Áo dài, Triển lãm và Hội thảo khoa học về giá trị của áo dài, các cuộc trình diễn Áo dài tại Hà Nội, Quảng Nam cùng nhiều hoạt động phong phú khác ở các địa phương.

Thông qua các hoạt động này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn góp sức để các giá trị của Áo dài sẽ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Nhà thiết kế Phùng Quốc Khánh đến từ Đắk Lắk, Giải Nhì với bộ sưu tập Truyền thống dân tộc Ê đê: Bộ sưu tập của tôi hoàn toàn dùng thổ cẩm của người dân địa phương làm ra, chính vì vậy nếu cắt may theo đúng kỹ thuật quá thì sản phẩm sẽ bị xổ sợi trong quá trình sử dụng. Chính vì vậy, tôi đã tỉ mỉ tính toán, cắt may với số đo rộng hơn một chút, sao cho vừa bảo đảm thẩm mỹ, đẹp, vừa đảm bảo bền cho khách hàng sử dụng lâu dài”

 

Nhà thiết kế Lê Thị Thủy đến từ Hà Nội, Giải Nhất với bộ sưu tập Hoàng Thành Thăng Long: Tôi ấp ủ ý tưởng thiết kế này từ rất lâu rồi, khi đến thăm Hoàng Thành Thăng Long và được tần mắt ngắm nhìn cổ vật ở đó như họa tiết sen lá đề, hình rồng vờn mây của thời Đinh Lý Trần. Tôi đã tha thiết mong muốn đưa các di sản đó lên tà áo dài của Việt Nam. Đúng lúc Hội LHPN phát động cuộc vận động thiết kế “Tà áo dài Việt”, tôi bèn mạnh dạn tham gia, biến ý tưởng của mình thành hiện thực”.

 

Một số hình ảnh tại đêm trao giải:

 

 

 

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video