Tổng thuật Hội thảo Khoa học Quốc gia Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và Giải pháp”

27/08/2021
Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, sáng ngày 28/6, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị Gia đình Việt Nam
Các đồng chí chủ trì hội thảo Quốc gia Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và Giải pháp”

- Nhận diện và Giải pháp”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến trên phạm vi toàn quốc qua nền tảng SureMeet, với sự tham gia của gần 300 đại biểu bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới; Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố; các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo có sự tham gia chủ trì của Bà Hà Thị Nga - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; PGS.TS. Bùi Nhật Quang - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; đại diện Hội đồng Lý luận TW; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo và các chuyên gia của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Hà Thị Nga khẳng định “việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, đồng thời, xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII”. Điều này xuất phát từ việc gia đình là thiết chế xã hội đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; là thiết chế quan trọng đảm bảo quy mô và chất lượng dân số thông qua chức năng sinh đẻ, giáo dục, và đầu tư phát triển nguồn lực con người. Gia đình là nơi giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mới đây, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đã yêu cầu cần “Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước”. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.

Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhận diện các giá trị gia đình Việt Nam đương đại, trong đó đáng chú ý là các giá trị văn hóa đạo đức,nề nếp truyền thống; trách nhiệm; yêu thương và sự chia sẻ giữa các thành viên; sự thịnh vượng; giáo dục trong gia đình; bình đẳng và những giá trị tiến bộ mới. Cụ thể:

Giá trị văn hóa đạo đức, nề nếp truyền thống

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện NC Gia đình và Giới nêu quan điểm gia đình Việt Nam “bảo lưu các giá trị đạo đức truyền thống”. Đây là kết quả của  đề tài cấp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” do Viện NC Gia đình và Giới chủ trì thực hiện từ năm 2017 – 2018. Theo đó, các giá trị quan trọng trong đời sống hôn nhân, gia đình phải kể đến chung thủy, hiếu thảo, tình yêu thương trong gia đình và sự gắn kết giữa gia đình với xã hội, đất nước. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng đây là những giá trị đặc trưng của gia đình từ xưa đến nay, vẫn rất quan trọng và cần thiết trong thời kỳ hiện đại.

Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Bởi vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. TS. Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ Văn hóa gia đình cần “xây dựng trên nền tảng nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức, nề nếp, kỷ cương một cách tự giác, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn giũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững”. Không có môi trường nào tốt hơn để rèn luyện đạo đức con người bằng môi trường gia đình. Và phụ nữ, với tư cách là người mẹ, người thầy đầu tiên, người trao truyền văn hóa, giữ vững “nếp nhà” sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ nếp sống văn minh trong gia đình. Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ phụ nữ, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thanh lịch – văn minh, gắn xây dựng gia đình văn minh với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của sự tiếp biến văn hóa mới hiện nay, những giá trị đạo đức đang có sự thay đổi, mặc dù điều này rất khó nhận thức được rõ ràng. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng điều quan trọng hiện nay là “sự văn minh trong gia đình hiện tại cần được nhìn nhận như thế nào?”. Đây cũng là ý kiến của GS.TS. Hữu Minh. Ông quan điểm cần cụ thế hóa nội hàm những khái niệm này trong bối cảnh mới, để tránh cổ xúy cái cũ tiêu cực.

Thịnh vượng về cuộc sống

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Quốc Toản (Hội đồng lý luận Trung ương) chia sẻ rằng nếu nhìn nhận gia đình là nền tảng của xã hội, thì “hạnh phúc là nền tảng để giai đình phát triển” – đây là giá trị cơ bản nhất của gia đình, với việc các cá nhân trong gia đình hài lòng về cuộc sống, và gia đình là “chỗ dựa cho tất cả mọi người để họ bước lên nấc thang cao hơn của chỉ số hạnh phúc”. Một trong những chiều cạnh của hạnh phúc đó là sự đáp ứng về điều kiện sống. Theo TS. Nguyễn Thị Như Huế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, xét đến cùng kinh tế là lĩnh vực quyết định các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Xét ở góc độ này, giá trị kinh tế gia đình được coi là nền tảng, là cơ sở để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Kinh tế gia đình phát triển vững chắc tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình, gia đình khá giả, vững mạnh về kinh tế trước hết sẽ bớt cho đất nước một gánh nặng, là tiền đề đầu tiên cơ bản và đột phá trên con đường xây dựng gia đình văn hóa mới với chuẩn mực: ấm no, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Minh Thi cho rằng: “Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới... Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng, cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình”.

Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giúp phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đầu tư giáo dục cho con cái... Thực tiễn cho thấy, chăm lo hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế bền vững cho phụ nữ là giải pháp thiết thực để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Nhận diện đúng giá trị kinh tế sẽ vừa khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, vừa tránh những biểu hiện lệch lạc, thực dụng, vật chất hoá các mối quan hệ trong gia đình.

Trách nhiệm

Hôn nhân – theo PGS.TS. Minh Thi, vẫn là giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam với mức độ sẵn sàng kết hôn cao, và con cái vẫn có ý nghĩa quan trọng trong hôn nhân. Tuy nhiên, bà cho rằng giá trị con cái đang có sự biến đổi. Tình trạng giảm tỷ suất sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng đáng lưu tâm. Tỷ suất sinh của phụ nữ Việt Nam hiện nay thấp hơn mức trung bình của các nước Đông Nam Á trong khi tỷ số cân bằng giới tính khi sinh bất ổn định. Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH TW Đảng (khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Một trong những giải pháp của Nghị quyết là tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc.

Và gia đình, với vai trò “đơn vị hôn nhân huyết thống tái tạo ra con người cho xã hội” – theo lý giải của PGS.TS. Trần Quốc Toản (Hội đồng lý luận TW), cần thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội trong xây dựng lực lượng công dân tương lai.

Quan điểm này của TS. Mai Hoa kéo theo một vấn đề nữa cần quan tâm là sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng và duy trì gia đình. Gia đình là nơi con người được nuôi dưỡng, được trưởng thành, và cũng chính là nơi con người thể hiện trách nhiệm đầu tiên trước khi hoàn thành trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Người không hoàn thành trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình mình thì khó có thể gánh vác trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. TS. Như Huế nhận xét: “Một bộ phận giới trẻ hiện nay nhiều khi chỉ quen đòi hỏi người khác hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm với mình mà dường như quên đi trách nhiệm của mình với người khác“. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, văn kiện đại hội Đảng XIII đã khẳng định cần “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”.

Giáo dục gia đình

Bên cạnh xây dựng lực lượng công dân về số lượng, cần quan tâm cả về số lượng. Muốn như vậy, giáo dục trong gia đình là một vấn đề cần được quan tâm đầy đủ. ThS. Phùng Thanh Hoa (Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Thái Nguyên) đánh giá gia đình có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, gìn giữ, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

Bởi vậy, việc phát huy vai trò gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục con trẻ vẫn là giá trị cần tiếp tục phát huy. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “thực hiện các chuẩn mực văn hoá gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”.

TS. Mai Hoa cho rằng: “Vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình đã rất khác so với ngày xưa; vấn đề là cần sự tác động của phụ nữ để các thành viên cùng tham gia vào giáo dục gia đình; và quan trọng nhất là làm sao biến giáo dục thành tự giáo dục của các thành viên trong gia đình, để tự nâng tầm phụ nữ lên“.

Yêu thương và chia sẻ trong gia đình

Sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau cũng là nền tảng để giữa ngọn lửa hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Mối quan hệ anh chị em trong gia đình luôn gắn liền với giá trị của tinh thần hòa thuận, đoàn kết, chia sẻ và yêu thương. Chính sự hoà thuận là nền tảng để cho tình anh em thêm thắm thiết bền chặt, là nguồn động viên, nguồn hạnh phúc của cha mẹ. Mối quan hệ anh chị em là mối quan hệ xuất phát từ huyết thống trong gia đình. Vì vậy, anh chị em phải biết đoàn kết và có trách nhiệm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Đây là một khía cạnh của hạnh phúc gia đình theo đề xuất của PGS.TS. Quốc Toản và TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Tuyết Ánh nhấn mạnh đến việc xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay, không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa-tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình – trong đó có sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Bình đẳng và tiến bộ trong gia đình hiện đại

Bên cạnh sự chia sẻ, TS. Tuyết Ánh cho rằng bình đẳng là một tiêu chí cần quan tâm trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây cũng là quan điểm của PGS.TS. Quốc Toản và PGS.TS. Minh Thi. Bà chia sẻ, gia đình Việt Nam, một mặt bảo lưu những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời ngày càng tiếp thu các giá trị hiện đại tiến bộ, trong đó phải kể đến mô hình vợ - chồng cùng đóng góp kinh tế. Điều này cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng – TS. Lê Hoàng Nam (ĐH Sư phạm Hà Nội) đánh giá.

Bổ sung cho luận điểm này, TS. Phạm Gia Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương) đã chia sẻ kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. TS. Cường đánh giá chất lượng cuộc sống của các gia đình đã có sự cải thiện và những gia đình nhân văn mới như bình đẳng giới, quyền của trẻ em ngày càng được đề cao, trong khi vẫn coi trọng các giá trị chung thủy, yêu thương và chia sẻ trong hôn nhân. Đây là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội như Hội LHPN Việt Nam, tiêu biểu là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn nhiều bất cập – đây là nhận định của ThS. Lê Khánh Lương - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Một số hạn chế có thể kể đến như việc phân biệt đói xử theo giới tính trong gia đình vẫn phổ biến, quyền năng kinh tế của phụ nữ còn thấp so với nam giới, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng,... Các số liệu điều tra, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ định kiến giới ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nặng nề, đến từ chính người phụ nữ, chẳng hạn như: 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình; 52% phụ nữ đồng tình và chấp nhận bị chồng đánh nếu không làm đúng việc của người; 62.9% phụ nữ đã từng trải qua một hình thức bạo lực trong đời; 49.6% phụ nữ bị bạo lực không kể với bất kỳ ai về việc bị chồng đánh.  Số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới, trong khi thời gian làm việc xã hội gần như nhau.

***

Từ các chia sẻ của đại biểu tham dự, có thể thấy rằng, giá trị gia đình Việt Nam đang bảo lưu được những truyền thống giá trị tốt đẹp, nhưng cũng đang biến đổi mạnh mẽ, cần có những quan tâm, định hướng để vun đắp, xây dựng những giá trị cốt lõi, quan trọng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội mới, đồng thời phù hợp với văn hoá nội sinh. Tổng kết Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa những nội hàm với vào những khái niệm về giá trị gia đình truyền thống. Ông cho rằng “Hội thảo ngày hôm nay thể hiện đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII về gia đình, đồng thời cụ thể hoá được những nhiệm vụ, những hoạt động mà các nhà nghiên cứu, quản lý, và hoạt động thực tiễn cần tiếp tục triển khai để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và đưa ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm sau hội thảo, đặc biệt là về mặt lý luận, tăng cường nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị gia đình cốt lõi.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video