TÓM TẮT THÀNH TÍCH TẬP THỂ ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG PHỤ NỮ VIỆT NAM NĂM 2017

15/10/2017
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam là Giải thưởng cao quý của Hội LHPN Việt Nam, được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực đã có những thành tích cống hiến, đóng góp xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 được trao cho 8 tập thể và 10 cá nhân.

Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay được tổ chức tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê- Hà Nội) vào chiều 17/10.

Website TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tóm tắt thành tích 8 tập thể được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017:

1. Tập thể nữ cán bộ, viên chức Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành lập 1975, Khoa có nhiệm vụ: Hồi sức tích cực tổng hợp, tiếp nhận điều trị các bệnh nội, ngoại, chấn thương nặng có suy hô hấp, đào tạo về hồi sức cho các bác sĩ và điều dưỡng, chỉ đạo tuyến các tỉnh phía Nam về lĩnh vực hồi sức, nghiên cứu khoa học: Thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực hồi sức và nhiễm trùng; Hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khoa có 89 cán bộ, viên chức, trong đó có 75 cán bộ, viên chức nữ, chiếm 84.3%; nữ lãnh đạo trong Khoa có 2/5 cán bộ, chiếm 40%. Các chị cùng tập thể Khoa thực hiện công tác khám chữa bệnh luôn đạt từ 98 đến trên 100% giường bệnh, áp dụng kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu như ECMO (oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể), Hạ thân nhiệt, Lọc máu liên tục và thay huyết tương, Lọc máu ngắt quãng và lọc máu kiểu SLED...với số lượng bệnh nhân được áp dụng ngày càng tăng. Các chị tham gia vào chương trình ghép tạng của Bệnh viện, tham gia trực tiếp vào hồi sức trước và sau ghép thận, ghép gan, hồi sức và đánh giá bệnh nhân tiềm năng hiến tạng: Bệnh nhân mất não, bệnh nhân ngừng tim; tham gia vào các đề tài nghiên cứu ghép tạng cấp quốc gia; điển hình như ghép gan: Từ năm 2012, Bệnh viện ghép được 01 bệnh nhân, 2016 đã ghép cho 03 bệnh nhân. Các chị tham gia vào chương trình quản lý kháng sinh của Bệnh viện; tích cực tham gia và đoạt giải cao tại các kỳ thi tay nghề. Trong 5 năm gần đây, các chị cùng tập thể Khoa nghiên cứu 17 đề tài, công trình, bài báo nghiên cứu, trong đó có 02 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Sở, 01 đề tài cấp Bộ, 06 đề tài cấp cơ sở. Điền hình như đề tài “Nghiên cứu triển khai nghép thận từ người cho tim ngừng đập”; “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh năm 2012”… Bên cạnh đó, các chị tích cực thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và chương trình 1816 về thông khí cơ học, lọc máu liên tục, hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao, hội chẩn bệnh nhân nặng cho các bệnh viện các tỉnh phía Nam. Các chị cùng tập thể Khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật điều trị thay thế thận liên tục CRRT cho các Bệnh viện tại Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tây Ninh,…; tổ chức các lớp nâng cao cho các bác sĩ, điều dưỡng đến từ các tỉnh phía Nam để cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo y khoa liên tục và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế; tham gia đào tạo, giảng dạy tại các trường Đại học Y khoa.

Là tập thể có đông cán bộ, viên chức nữ, bên cạnh những nỗ lực của tập thể nữ, lãnh đạo Khoa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ, cụ thể CBVC nữ giữ các vai trò trong Khoa như sau: Trưởng khoa, Điều dưỡng trưởng khoa, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện, Tổ phó tổ công đoàn. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho CBVC nữ trong Khoa được tổ chức thường xuyên, Khoa đảm bảo các chế độ cho lao động nữ. Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, viên chức nữ cùng tập thể Khoa thường xuyên tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 8 bà mẹ Việt Nam, tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An; thăm hỏi và tặng quà cho các em mồ côi, khuyết tật tại chùa Kỳ Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, vận động hỗ trợ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại Khoa, Bệnh viện.

Với nhiều thành tích nổi bật trong chuyên môn, Khoa đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 10 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh; 11 năm liên tục là đơn vị xuất sắc (2005-2016) của Bộ Y tế.

2. Tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Quốc phòng.

Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập năm 1956 với chức năng nhiệm vụ đảm bảo gây mê hồi sức cho tất cả các khoa ngoại, tham gia công tác đào tạo sau đại học, tham gia nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và công tác chỉ đạo tuyến. Là đơn vị đặc thù, có 86 cán bộ, nhân viên, trong đó có 44 cán bộ, hội viên phụ nữ chiếm 51% quân số. Với nhiệm vụ đảm bảo gây mê hồi sức và phục vụ mổ cho toàn Bệnh viện, với số lượng từ 100-120 ca/ngày, cao nhất 130 ca/ngày; mỗi năm khoảng 20.000-23.000 ca mổ, trong đó 70% là phẫu thuật loại 1 và đặc biệt. Các chị tham gia ở tất cả các khâu gây mê hồi sức, cấp cứu, phục vụ phẫu thuật; đảm bảo gây mê hồi sức cho các kỹ thuật đặc biệt như mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lồng ngực,....Các chị làm chủ nhiều thiết bị hiện đại, kỹ thuật mới như ứng dụng máy siêu âm thực quản theo dõi hoạt động của tim trong phẫu thuật tim mở, gây tê đám rồi thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm, gây mê thông khí một phổi chọn lọc... Các chị đã có 6 sáng kiến được ứng dụng vào các hoạt động của khoa, tiêu biểu như: Xây dựng quy trình chuẩn rửa tay thường quy, rửa tay vô trùng cải tiến, trải săng 3 lớp vô trùng;quy trình rửa tay giữa 2 ca, đánh xà phòng vùng mổ bằng dung dịch xà phòng khử khuẩn... của các nữ điều dưỡng trong công tác đảm bảo vô trùng tạo điều kiện sử dụng kháng sinh dự phòng cho bệnh nhân mổ sạch và sạch nhiễm. Nhờ đó mà số bệnh nhân sử dụng kiểm soát dự phòng đạt 75%; góp phần giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, giảm chi phí sử dụng kháng sinh từ 4-5 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Ứng dụng gây tê tủy sống liều nhỏ tỷ trọng nặng kết hợp với thay đổi tư thế bệnh nhân cho bệnh nhân có nguy cơ cao”; sáng kiến “Ứng dụng dùng Catheter cỡ nhỏ luồn qua khí quản bị hẹp thông khí cao tần” với kết quả đã thông khí thành công cho các trường hợp hẹp khí quản nặng trên 90% không cần dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, cung cấp đủ Oxy cho bệnh nhân suốt cuộc mổ...Các chị tham gia chủ trì 8 đề tài nghiên cứu, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Bộ, 05 đề tài cơ sở. Các chị là tác giả và đồng tác giả của 50 công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học chuyên ngành được công bố trên các tạp chí y học trong và ngoài nước. Các nghiên cứu khoa học đều được áp dụng vào thực tiễn công việc của Khoa, tiêu biểu các nghiên cứu: Nghiên cứu gây tê dưới màng nhện bằng Marcaine 0.5% cho các PT vùng bụng dưới chi dưới trên BN cao tuổi; Nghiên cứu gây tê tủy sống chọn lọc trên nhóm bệnh nhân cao tuổi; Nghiên cứu sự biến đổi tuần hoàn và khí máu trong mổ nội soi ổ bụng...Các chị cùng tập thể Khoa thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu mới đang được định hướng đó là Đánh giá độ sâu gây mê bằng các thiết bị mới điện não số hóa Entropy hoặc BIS, Xây dựng hoàn thiện các quy trình giảm đau sau mổ, …Bên cạnh công tác chuyên môn, các chị còn hướng dẫn học viên cao học, chuyên khoa I, chuyên khoa II, nghiên cứu sinh, đã có 01 NCS bảo vệ TS thành công; 01 Chuyên khoa II và 04 Nghiên cứu sinh đang làm đề tài.

Là đơn vị có chuyên môn sâu và mang tính đặc thù, Khoa luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ, luôn đảm bảo các chính sách nâng lương, thăng hàm, thai sản, ốm đau, các chế độ bảo hiểm....Bên cạnh đó, nhiều chị vượt qua khó khăn luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn. Các chị luôn tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội như tham gia phẫu thuật nhân đạo cho 160 bệnh nhân mổ khớp gối và thay 217 khớp gối, tham gia chương trình phẫu thuật nụ cười cho trên 1656 cháu tại nhiều tỉnh/thành, tham gia các đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa;....

Đạt nhiều thành tích nổi bật, tập thể Khoa đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (2014), Đơn vị Quyết thắng, 04 Bằng khen, 28 Giấy khen. Riêng tập thể cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Khoa đã nhận 04 Bằng khen, nhiều Giấy khen; nhiều cá nhân nữ được nhận Bằng khen, Giấy khen khác.

3. Tập thể nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trường thành lập năm 1985, là mô hình trường chuyên đầu tiên của Hà Nội, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi phát triển toàn diện, có đủ năng lực và phẩm chất để trở thành những công dân đi đầu trong mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế và xã hội. Trường có 172 CBVCLĐ, trong đó có 127CBVCLĐ nữ chiếm 73.4%, 53/76 nữ đảng viên chiếm gần 70%. Trường có đội ngũ 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn gồm: Tiến sỹ: 2, Thạc sỹ: 127 người, Đại học: 44 người. Tập thể nữ đã cùng tập thể Trường triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh, triển khai học tập toàn diện trong giáo dục Khoa học, Kỹ thuật và Toán (gọi tắt là STEM). STEM được dạy như một môn học vừa đáp ứng đổi mới chương trình, sách giáo khoa và liên các bộ môn khoa học giúp học sinh thâm nhập sâu vào nguồn ngữ liệu toán của quốc tế từ năm 2011. Trường tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ, bổ ích giúp các em có khả năng tham gia các kỳ thi Quốc tế như Kỳ thi Khoa học, Kỹ thuật Quốc tế của Intel (ISEF), Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế. Bên cạnh đó để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, Trường chú trọng tập huấn nâng cao kỹ năng giảng dạy STEM cho đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ tiếng Anh. Hơn 200 giáo viên của nhà trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp,nhiều thầy cô đã tu nghiệp ở Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga. Là một trong những trường phổ thông đầu tiên ở Việt Nam thiết lập mối quan hệ quốc tế với nhiều trường Trung học và Đại học trong khu vực và trên thế giới như Học viện INSA Pháp, trường Connnecticut - Oregon (Hoa Kỳ), trường Taylor’s Culverhay(Anh), trường Bellereys (Úc), Đại học Nam Ninh (Trung Quốc), Trung học Nayang (Hàn Quốc)... Nhờ tâm huyết và tài năng, các chị đã cùng tập thể trường đào tạo hàng ngàn học sinh chất lượng cao, có thành tích học tập xuất sắc. Đến nay, đã có 206 HS được tham gia các kỳ thi quốc tế, chỉ từ 2009-2017 đã có 118 giải Quốc tế; hơn 1000 giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; hơn 3500 giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố;100% đỗ Đại học, nhiều thủ khoa đỗ vào các trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh các thành tích nổi bật về các môn văn hóa, các hoạt động VHNT - TDTT cũng đạt rất nhiều bằng khen, huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong các thành tích trên có đóng góp không nhỏ của nhiều nữ sinh và tập thể nữ CBCCVCNLĐ nhà trường. Hàng năm, khoảng 35% - 40% số học sinh lớp 12 của trường nhận được học bổng du học từ nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhà trường xây dựng nhiều hoạt động mang tính đột phá như thành lập Câu lạc bộ Robotic và tinh thần khởi nghiệp; xây dựng trung tâm FRC (FIRST Robotics Competition) với trang thiết hiện đại là cơ sở để các em rèn luyện tài năng, khả năng sáng tạo; xây dựng Đội tuyển Vật lí thiên văn tham gia dự thi quốc tế. Là đơn vị có đông lao động nữ, do đó công tác đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộnữ được Nhà trường quan tâm. Số lượng cán bộ, giáo viên nữ tham gia, kiêm nhiệm chiếm tỉ lệ cao, các chị được tạo điều kiện và bình đẳng trong phân công giảng dạy, học tập để nâng cao trình độ. Nhà trường đảm bảo các chế độ tham gia bảo hiểm cho lao động nữ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tổ chức bếp ăn tập thể.... Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các chị cùng tập thể trường tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội như trao học bổng cho học sinh vượt khó, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường, tại địa phương; ủng hộ đồng bào tại vùng lũ...

Với nhiều thành tích xuất sắc, Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba (2009, 2014), 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011, 2013), 08 Bằng khen của Bộ, Thành phố, 03 Cờ Thi đua Chính phủ, 05 Cờ Thi đua xuất sắc của Thành phố, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3; Danh hiệu đơn vị đạt chuẩn văn hóa, Giấy chứng nhân đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ cho tên và logo Trường. Riêng với tập thể nữ, có 9 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT, trong tổng số 12 NGƯT của trường (chiếm 75%), hàng trăm lượt CB,GV nữ đạt danh hiệu CSTĐ cấp TP, cấp cơ sở; hàng chục giáo viên nữ đạt giải thi Giáo viên dạy giỏi các bộ môn.

4. Tập thể nữ cán bộ, công chức, lao động Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư Pháp.

Trước năm 1993, công tác thi hành án dân sự do các Tòa án nhân dân các cấp đảm nhiệm, từ năm 1993, Cục quản lý THADS được thành lập. Năm 2009, Tổng Cục THADS được thành lập trực thuộc Bộ Tư pháp với hệ thống 63 Cục THADS và 710 Chi cục THADS tại các huyện/thị. Tổng cục Thi hành án dân sự có 84/141 nữ CBCNVLĐ, chiếm 60% tổng số CBCNVLĐ trong đơn vị. Trong đó, cán bộ nữ có chức danh: 04 Vụ trưởng, 08 Phó Vụ trưởng, Đảng viên nữ 64/111, chiếm 57,66%. Các chị cùng tập thể đơn vị tham mưu ban hành Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, tham mưu ban hành 57 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật THADS. Trong tập thể nữ, có 01 nữ Vụ trưởng làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Kinh nghiệm thi hành án hành chính của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, kết quả đề tài đã được ứng dụng vào quá trình góp ý, xây dựng Luật Tố tụng hành chính năm 2017 và Nghị quyết số 71/2016/NĐ-CP. Các thị tham mưu cho lãnh đạo bộ thực hiện công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy sau thành lập để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Với vai trò quản lý, các chị cùng tập thể đơn vị đã chỉ đạo công tác thi hành án có kết quả ngày càng cao (về việc và về tiền), cụ thểnăm 2013: Đã thi hành xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53%, tăng 97.691 việc so với năm 2012; đã giải quyết xong 28.965 tỷ 5 triệu 600 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 73,17, tăng 18.620 tỷ 438 triệu 46 nghìn đồng so với năm 2012; Năm 2015: Đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%; tăng 2.890 việc so với năm 2014.Đã giải quyết xong 42.819 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76%; tăng 3.837 tỷ đồng so với năm 2014. Các chị cùng đơn vị thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, giảm dần các vụ việc kéo dài qua các năm,như năm 2016, đã giải quyết được 3.393 việc/3.517 việc, đạt tỷ lệ 96,44%. Các chị cùng tập thể tích cực thực hiện các phong trào thi đua “Cán bộ tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng NTM”... Là đơn vị có tỷ lệ lao động nữ khá cao, đơn vị luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ, trong các tổ chức Đảng, Công đoàn có tỷ lệ nữ như 4/9 Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy là nữ, 6/9 Uỷ viên BCH Công đoàn là nữ, cán bộ nữ quy hoạch cấp vụ là 50/92 (đạt 54,35%). Trong hoạt động thi hành án, đơn vị luôn quan tâm tổ chức thi hành các bản án, quyết định liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các chị cùng đơn vị ủng hộ các Quỹ vì người nghèo..., ủng hộ, tặng quà tết cho đồng bào nghèo tại Mèo Vạc, Hà Giang, ủng hộ các tỉnh bị xâm nhập mặn, một số Trung tâm điều dưỡng, đồng bào bị bão lũ với số tiền gần 100 triệu đồng.

Với nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, đơn vị đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba (2016, 2013), 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 02 Cờ thi đua của Chính phủ, 6 năm liền đạt Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ. Riêng tập thể nữ, chỉ từ 2013 đến nay đã có 02 chị được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 01 chị đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua ngành Tư pháp, 04 chị được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Tư pháp.

5.Tập thể nữ cán bộ, công nhân lao động Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng.

Thành lập năm 1993, tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng, năm 2003 đơn vị chuyển đổi lên mô hình Công ty cổ phần, hiện Công ty có 6 phòng, ban nghiệp vụ và 11 Công ty, chi nhánh xí nghiệp, nhà máy trực thuộc. Công ty kinh doanh các mặt hàng mang tính đặc thù như kinh doanh sắt thép, xi măng, xăng dầu, vận tải đường bộ, nhập khẩu phôi thép...Với 241 lao động nữ trên tổng số 521 lao động trong Công ty, chiếm 46,3%. Lãnh đạo chủ chốt trong Công ty đều là nữ chiếm gần 60% (Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, 02 Giám đốc Công ty trực thuộc, Trưởng phòng kinh doanh..); có 26 đảng viên nữ trên tổng số 67 đảng viên, chiếm 38,8%. Ban lãnh đạo nữ luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác điều hành như kết hợp với Viện quản lý Châu Á (AMDI) xây dựng chức danh nhiệm vụ cho từng vị trí công việc, chỉ rõ chức trách và nhiệm vụ của từng người, từng tổ, từng phòng ban tránh trùng lặp, công tác khen thưởng, kỷ luật phải làm kịp thời và công minh, bộ máy tổ chức điều hành gọn, nhẹ, hiệu quả. Các chị có sáng kiến “Cải tiến bộ máy tổ chức, định hướng chiến lược kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu thị trường phù hợp với tình hình phát triển ngành thép” giúp doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt sáng kiến: “Định hướng kinh doanh, chiến lược kinh doanh và kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp thuộc ngành thép Việt Nam. Chuyển đổi phương thức thanh toán quốc tế LC (Letter of Credit) sang phương thức thanh toán DA (Document against Acceptance) trả chậm” của chị Nguyễn Thị Vinh - Tổng giám đốc đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều các khoản chi phí ước tính khoảng 32 tỷ đồng/năm, đồng thời tránh được rủi ro về hàng hóa và lừa đảo quốc tế. Sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến và khoa học cấp tỉnh Thái Nguyên công nhận năm 2017. Trong lĩnh vực lao động sản xuất, các chị luôn cố gắng vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên lĩnh vực kinh doanh, các chị có sáng kiến “Phát huy thế mạnh và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh của Công ty, chủ động liên kết và hợp tác với các đối tác lớn để nâng cao thương hiệu và uy tín của Công ty thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhiều Công ty, xí nghiệp trực thuộc tăng sản lượng hàng hóa bán ra lên 30%, góp phần đưa Công ty vào top 20 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.Về lĩnh vực sách, văn hóa phẩm, các chị có sáng kiến “Ứng dụng hệ thống mã số, mã vạch trong công tác quản lý hàng hóa, tài sản” giúp nâng cao công tác quản lý tài sản, công cụ dụng cụ. Với phong cách làm việc chuyên nghiệp, Công ty đã có hơn 1.000 đối tác trong cả nước và 20 quốc gia trên thế giới. Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động, nghĩa vụ nộp thuế, thu nhập bình quân người lao động đạt 8- 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Với vai trò nòng cốt trong nhiều hoạt động của Công ty, tập thể nữ chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của phụ nữ thế giới và phụ nữ Việt Nam,các thông tin liên quan đến bình đẳng giới, lịch sửphát triển của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...Các chị tích cực tham gia các hoạt động do Hội LHPN tỉnh và Hội Doanh nhân Nữ tổ chức. Tập thể nữ cùng Công ty luôn quan tâm đến công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện với tổng kinh phí đóng từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Công ty đã vinh dựđón nhận 03 Huân chương Lao động: Hạng Nhất, Nhì, Ba (2013; 2008;2003), 08 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (2000; 2001; 2002; 2003; 2004; 2010; 2012; 2016), hàng trăm Cờ thi đua, Bằng khen của các Bộ, ngành TW và tỉnh Thái Nguyên. Công ty nhận Bằng độc quyền sáng chế số 14156 của Cục sở hữu trí tuệ và Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các giải thưởng khác: Giải thưởng Sao Đỏ; Giải thưởng Sao vàng Đất Việt;..

6. Tập thể nữ cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Linh Pang.

Công ty TNHH Linh Pang thành lập năm 2005, với chức năng đào tạo dạy nghề chăm sóc móng qua các khóa học, tổng số vốn 5.000.000.000 đồng và 03 chi nhánh, chuyên đào tạo nghề nail. Công ty có 55/80 lao động nữ, chiếm 68,75% trên tổng số lao động toàn Công ty. Trong đó, có 5 lãnh đạo nữ là Tổng Gíam đốc và các Giám đốc phụ trách các mảng khác nhau trong Công ty. Hàng tháng, Công ty khai giảng một khóa học 2 - 3 tháng đào tạo nghề làm nail, đối với học viên ở xa, Công ty xây dựng Trung tâm lưu trú dành cho học viên tại khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai ở quận 8, gồm 2 Phòng cung cấp chỗ ở miễn phí cho 16 học viên trong khóa học trong vòng 7 tuần. Đến nay, Công ty đã đào tạo hơn 10.000 bạn gái vững nghề nail. Ngoài ra, Công ty còn đào tạo cho hơn 200 học viên là người nước ngoài và du học sinh tại Việt Nam; đối với học viên có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, được đào tạo miễn phí. Khoảng 3 tháng, Công ty lại đứng ra tổ chức buổi họp mặt cựu học viên để người theo nghề được trao đổi kinh nghiệm với các nhà làm nail quốc tế, chuyên gia tâm lý để họ nắm bắt được xu hướng mới. Công ty lập ra một trang mạng giới thiệu việc làm cho học viên và tạo điều kiện nếu học viên có nhu cầu làm việc ngay tại Công ty. Với nhiều kỹ năng chuyên môn, uy tín trong nghề, Công ty đã tham gia làm ban giám khảo cho nhiều cuộc thi Nail Quốc tế và tạo điều kiện cho học viên, thí sinh của Việt Nam tham gia các cuộc thi khu vực và Quốc tế,Công ty cũng tổ chức các cuộc thi tạo sân chơi cho các học viên thử sức, nâng cao tay nghề, kỹ năng. Năm 2015, Công ty đã thành lập Hội Phụ nữ Công ty TNHH Linh Pang với tổng số 55 hội viên và tổ chức triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền 4 phẩm chất đạo đức, truyền thống dân tộc, nội dung Chỉ thị 03/BCT và tham gia các hoạt động đóng góp xây dựng AMTT, nhà tình nghĩa...Công ty luôn thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm an toàn vệ sinh lao động, đóng các loại thuế cho Nhà nước. Công ty được mạng Thương Mại điện tử Việt Nam và Tổ chức National Assurance (NQA) Vương Quốc Anh công nhận là một trong 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam trong 06 năm liên tục 2007-2012 và Top 100 doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam. Là đơn vị có đông lao động nữ, Công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nữ học viên và đội ngũ nhân viên nữ trong đơn vị. Hàng năm, Công ty hỗ trợ 50 suất dạy nghề miễn phí cho hội viên, phụ nữ khó khăn với tổng số tiền 100 triệu đồng. Tập thể lao động nữ cùng công ty tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, từ 2012-2016, tổng kinh phí tham gia các hoạt động từ thiện khoảng trên 500 triệu đồng.

Với nhiều thành tích nổi bật, Công ty đã vinh dự nhận 07 Giấy khen các ngành, Giải Topten Nail Châu Á tại Osaka - Nhật Bản năm 2007, Giải Nhất Nail Châu Á tại Kula LumPur - Malaysia năm 2008, Giải nhất Nail Châu Á tại Singapore năm 2009.

7. Tập thể nữ cán bộ, viên chức Báo Phụ Nữ Việt Nam.

Thành lập năm 1946, tiền thân là tờ báo “Tiếng gọi phụ nữ”, Báo Phụ nữ Việt Nam chính thức ra số báo đầu tiên năm 1948; hiện Báo có 18 phòng trực thuộc và 01 văn phòng đại diện phía Nam. Báo là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội đến các tầng lớp phụ nữ; tham mưu với Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch TW Hội trong công tác nắm tình hình tư tưởng, những vấn đề nóng, bức xúc của phụ nữ;.... Báo Phụ nữ Việt Nam có 10 sản phẩm truyền thông như báo Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam điện tử, Tạp chí Thế giới Phụ nữ, Tạp chí Phụ nữ Việt Nam cuối tuần,.... Tòa soạn Báo có 74 cán bộ, viên chức, trong đó có 40 cán bộ viên chức nữ, chiếm 53,3%; Lãnh đạo cấp phòng trở lên có 11/24 chiếm 45,8%; đảng viên nữ có 15/26, chiếm 57,7% trên tổng số. Trong 10 năm gần đây, tập thể nữ đã cùng đơn vị tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để phù hợp với đối tượng bạn đọc. Đổi mới công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng Nhà nướcvới nhiều chuyên mục như “Từ diễn đàn Quốc hội”, đăng tải nhiều bài viết phản ánh kịp thời, phân tích sâu sắc các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như vấn đề có nên xử lý hình sự với trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội;những nội dung liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý với phụ nữ, trẻ em;ý kiến đề xuất hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp do nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ trong dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hàng trăm bài viết về CVĐ Học tập làm theo gương Bác, vận động dùng hàng Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong cộng động xã hội. Báo chủ động đăng hàng chục ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện về các dự án luật (mới), luật, bộ luật (bổ sung, sửa đổi) liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) liên quan đến lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm mới 15 năm... Đổi mới cách tuyên truyền hoạt động Hội, Phong trào phụ nữ và trong cách tiếp cận và phản ánh các vấn đề xã hội quan tâm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em: Báo dành trang 2 với các chuyên mục sinh động, hấp dẫn như Dọc đường công tác Hội, Mô hình hay. Bên cạnh đó, Báo có hàng nghìn bài viết tập trung vào các vấn đề nóng, vấn đề phụ nữ quan tâm như: Giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nuôi dạy con, công tác cán bộ nữ; hàng trăm chuyên đề tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc;... Ngoài chuyên đề phòng chống bạo lực gia đình, Báo có hàng loạt bài viết phản ánh các vụ việc xâm hại trẻ em, như trong 3 vụ xâm hại tình dục trẻ emgần đây được dư luận đặc biệt quan tâmlà vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, Hoàng Mai (Hà Nội), Thủ Đức (TPHCM), có 2 vụ Báo PNVN là cơ quan báo chí đầu tiên, thường xuyên và liên tục theo sát (vụ ở Vũng Tàu và vụ ở Hoàng Mai). Vụ ở Thủ Đức Báo cũng gặp gia đình nạn nhân; phản ánh việc các cấp Hội vào cuộc hỗ trợ nạn nhân. Báo còn phối hợp với diễn đàn chavame.com tổ chức hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin bổ ích đến các bậc phụ huynh. Để thu hút bạn đọc, các sản phẩm của Báo đều có sự đổi mới về hình thức và nội dung, xây dựng các chuyên mục mới như: “Hoa đời thường”, “Chúng tôi sáng tạo”... Nhiều cuộc thi cũng được tổ chức nhằm tạo sự tương tác, thu hút sự tham gia của bạn đọc như: Viết về “Người phụ nữ tôi yêu”; về “Người phụ nữ truyền cảm hứng để bạn thành công”;...Thực hiện Đề án cấp báo không thu tiền của Chính phủ, từ năm 2011, đã có hơn 3.36 triệu tờ báo phụ nữ Việt Nam được phát hành đến các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Báo Phụ nữ Việt Nam là một trong năm Báo thực hiện tốt nhất Đề án của Chính phủ. Các hình thức khác như Tổng đài tư vấn Thanh Tâm cũng được bạn đọc quan tâm, riêng năm 2011 đã tư vấn tâm lý thành công hơn 60.904 cuộc với thời gian tư vấn là 309.470 phút cho hàng trăm nghìn bạn đọc; trang thông tin điện tử PNVN ở nước ngoài, chỉ sau hơn 2 năm vận hành đến nay đã có tổng số 22.881 tin, bài tin, bài, ảnh với hơn 369.520 lượt truy cập.

Các hoạt động của Báo PNVN đều hướng tới nhiệm vụ thúc đẩy quyền bình đẳng và phát triển cho phụ nữ, tại Tòa soạn Báo thành lập Chi hội Phụ nữ với nhiều hoạt động thiết thực vào các dịp 8/3, 20/10, xây dựng tài liệu truyền thông “không sinh con thứ ba” và đảm bảo các chế độ, chính sách về thai sản, ốm đau đối với lao động nữ. Tòa soạn Báo quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các chị cùng đơn vị tích cực tham gia các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, duy trì mục "Tấm lòng nhân ái" trên Báo; 4 năm tổ chức chương trình Mottainai “Trao yêu thương, nhận hạnh phúc” trở thành hoạt động ủng hộ đồ đã qua sử dụng lớn nhất cả nước với 200.000 người tham gia, giúp cho gần 3.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...

Với nhiều thành tích nổi bật, Báo Phụ nữ Việt Nam đã đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (1998), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004), 04 Bằng khen cấp Bộ, 7 năm đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc của TW Hội LHPN Việt Nam (2009-2015);

8. Tập thể cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Chẽ có 8 cơ sở Hội, 74 Chi hội, trong đó 66 Chi hội có từ 90 đến100% hội viên là người dân tộc thiểu số, tổng số hội viên 4.352/5489, đạt tỷ lệ thu hút 79,28% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trong toàn huyện. Trong nhiều năm qua, tập thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn huyện đã tích cực thực hiện Phong trào thi đua gắn với thực hành theo gương Bác, các chi hội đã duy trì mô hình “Nuôi lợn tiết kiệm”, mỗi năm được 500 triệu đồng để giúp hội viên nghèo, ủng hộ xây Mái ấm tình thương. Thực hiện Phong trào thi đua Dân vận khéo, các cấp Hội cơ sở đã đăng ký và xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo đạt kết quả: 03 mô hình được UBND tỉnh khen, 24 mô hình được huyện công nhận, khen thưởng, tiêu biểu như mô hình ”Xây dựng thôn mẫu Xanh - Sạch - Đẹp” tại thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn; Mô hình ngày thứ 7 xanh tại thôn Lỏong Tỏong, xã Thanh Sơn... Công tác tuyên truyền, giáo dục, các cấp Hội cơ sở đã phối hợp với phòng Giáo dục tổ chức 24 lớp xóa mù chữ cho hội viên và con em, góp phần làm giảm tỷ lệ mù chữ từ 20% năm 2010, còn 10,9% năm 2016; duy trì 13 CLB Phụ nữ với Pháp luật, 13 Chi hội nòng cốt, duy trì 8/8 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các chị chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tuyên truyền nội dung các chuyên đề phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt cộng đồng, trong 5 năm gần đây đã không còn tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên địa bàn. Các chị vận động hội viên, phụ nữ, nhân dân tham gia 19 chương trình trợ giúp pháp lý lưu động, xây dựng mạng lưới cán bộ tư vấn pháp luật với 93 người và CTV về pháp luật. Thực hiện Cuộc vận động“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội cơ sở đã xây dựng 7 mô hình điểm về CVĐ, 20 mô hình”điểm sáng 3 sạch” với trên 1.112 hộ tham gia, tổ chức 27 cuộc thi giữa các mô hình. Với phương châm Chi hội trưởng, hội viên nòng cốt luôn nêu gương đi đầu thực hiện, đồng thời hướng dẫn cụ thể, kiên trì để các hộ gia đình hội viên, phụ nữ thực hiện. Ba Chẽ là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, trước tình hình đó, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã kết nối phát triển 79 mô hình kinh tế với số tiền 505 triệu đồng để hỗ trợ các hộ gia đình sản xuất; thành lập 33 tổ vay vốn với dư nợ 45 tỷ đồng cho trên 1.000 gia đình hội viên vay, phối hợp tổ chức 17 lớp dạy nghề ngắn hạn, vận động hội viên thực hiện tiết kiệm tạo vốn giúp nhau phát triển sản xuất. Tính từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã giúp 458 hộ gia đình hội viên thoát nghèo. Với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, Hội LHPN huyện đã có 06 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn công việc, trong đó 02 sáng kiến được cấp tỉnh khen thưởng, 04 sáng kiến được cấp huyện khen thưởng. Đó là các sáng kiến “Đổi mới nội dung, hình thức nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ” với 9 giải pháp được áp dụng tại cơ sở, sáng kiến “Bồi dưỡng kỹ năng truyền thông nhóm cho cán bộ HPN huyện Ba Chẽ”,...Với chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội tại cơ sở, đến nay 100 cán bộ Hội cấp xã đạt chuẩn; xây dựng được 857 hội viên nòng cốt, giới thiệu và kết nạp 120 đảng viên nữ.

Với nhiều thành tích nổi bật, tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ Huyện Ba Chẽ đã vinh dự đón nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (2014), 05 Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, 15 bằng khen cấp tỉnh, 6 năm liền đạt Tập thể Lao động xuất sắc, 01 Cờ thi đua của tỉnh (2011), 42 Giấy khen.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video