Tìm giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

15/01/2020
Ngày 13/1/2020, hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia hội thảo

Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, thực tế hiện nay tình hình trẻ em bị xâm hại vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp: Giai đoạn 2015-2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại 8.091 em (1.059 em nam, 7.032 em nữ).

Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại đang giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019. Trong số trẻ em bị xâm hại thì phần lớn bị xâm hại tình dục - với con số 6.337/7.824 vụ (chiếm 81%), 6.432/8.091 em (chiếm 79,5%).

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, như công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được quan tâm, còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em; ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý; các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp, đặc biệt trên môi trường mạng, thông qua con đường du lịch trong thời gian dài không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và không được xử lý triệt để; gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em, chậm được bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em....

Hội thảo với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, tổ chức có liên quan đã tập trung vào những vấn đề sau: Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục; Việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức, cá nhân; Các mô hình, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục, về hoạt động công tác xã hội trong cơ sở giáo dục, Đề xuất, kiến nghị cụ thể để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hải Hữu, Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Chủ tịch Hội đào tạo công tác xã hội : Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội có tính toàn cầu. Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam (2016) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Unicef cho rằng sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ truyền thông và thông tin trên môi trường mạng tại Việt Nam đã tạo ra môi trường mới cho bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em. Phản ứng của trẻ em bị xâm hại bạo lực: gần ½ trẻ em không có hành động chống trả hoặc lẩn trốn; số còn lại có phản ứng nói lại, đánh lại, hoặc nói chuyện với thầy cô giáo, bạn bè và gia đình.

Theo thông tin từ Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin: Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tính tới tháng 1/2019, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 66% dân số, ở mức cao trên thế giới. Việt Nam cũng có tới 62 triệu người dùng mạng xã hội, trong số đó, 96% người sử dụng tài khoản Youtube và 95% có tài khoản Facebook. Hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24, theo số liệu của Unicef). Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng không thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đặt vấn đề: các gia đình có nên sử dụng camera an ninh với cả đời sống riêng tư của mình không bởi nếu camera an ninh bị hack, lộ thông tin ra ngoài thì ảnh hưởng rất lớn. "Chúng ta phải lựa chọn giữa sử dụng công nghệ và phòng ngừa tác hại của nó" - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Thanh Lâm, không gian mạng không còn chỉ là máy tính, điện thoại thông minh mà còn ở tivi thông minh nữa. Hiện nay có nhiều trẻ em, người già bị "phơi nhiễm" với các “fake news” - thông tin giả qua con đường này. Nhiều người già khám bệnh qua mạng internet và tự đi thẳng ra hiệu thuốc để mua thuốc.

Trong các giải pháp nêu ra, ông Lâm nhấn mạnh truyền thông, nâng cao kỹ năng, để bố mẹ bảo vệ trẻ em và đến lúc nào đó trẻ em tự bảo vệ mình. Bởi việc ngăn chặn các cháu tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của trẻ. Truyền thông thay đổi nhận thức, trong đó có vai trò rất lớn của của báo chí, truyền thông, nhà trường và gia đình. Nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ thì có vô số kẻ trên thế giới ảo sẽ dẫn dụ vào những con đường chúng ta không lường được.

Lam Kiều

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video