Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia công bằng vào thị trường lao động

06/09/2022
Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo "Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo

Theo Tổ chức về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên khắp thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới từ hai đến mười lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.

Ở Việt Nam, gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045.

Hội thảo "Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam" ngày 12/7

Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các nghiên cứu và cho thấy, thời gian phụ nữ dành cho công việc có trả lương chỉ bằng 76,3% số thời gian nam giới dành cho công việc có trả lương. Cứ 10 người có việc làm thì 3 người cho rằng gánh nặng công việc chăm sóc không lương là lý do khiến họ không đổi việc. Tỷ lệ này có khác biệt đáng kể theo nhóm dân tộc. Nhóm dân tộc Kinh-Hoa và Khmer-Chăm có tỷ lệ dịch chuyển việc làm thấp nhất do bị ảnh hưởng bởi công việc chăm sóc không lương là lý do khiến họ không đổi việc. 

Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ triển khai Dự án 8 "Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình MTQG phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các bộ ban ngành liên quan để việc thực hiện chương trình được hiệu quả, nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam nhận định: "Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan".

Hội LHPN Việt Nam sẽ triển khai Dự án 8 "Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Đề cập đến việc triển khai Dự án 8, bà Lò Thị Thu Thuỷ - Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo – Hội LHPN Việt Nam cho biết, chương trình sẽ tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt khoanh vùng xác định 3 khuôn mẫu chính cần thay đổi gồm: "Việc nhà là việc của phụ nữ", "phụ nữ không nên thực hiện các hoạt động kinh tế chính của gia đình", "Phụ nữ không nên đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng trong gia đình"...

Dự án cũng sẽ phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tăng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video