Tài liệu sinh hoạt hội viên số 5 năm 2013

16/09/2013
Về Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI

Câu hỏi 1. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI đã thảo luận và thông qua những văn bản gì?

Trả lời:

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI diễn ra từ ngày 2 đến ngày 11/5/2013 đã thảo luận và thông qua Nghị quyết Hội nghị gồm 2 Nghị quyết, 3 Kết luận sau đây:

1.Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

2.Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3.Kết luận một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

4.Kết luận về việc tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

5.Kết luận một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Câu 2: Văn kiện hội nghị có những nội dung chính nào liên quan đến hội viên, phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam?

Trả lời:

1. Kết luận số 64 – KL/TW về"Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở"

1.1. Nhiệm vụ, giải pháp có liên quan

- Về Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị - xã hội: Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, đổi mới cơ chế tài chính đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng thêm tính tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động, không hành chính hoá để gần dân, sát dân hơn. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Quy định chặt chẽ về tổ chức và hoạt động của các hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tổ chức và hoạt động hội cho phù hợp với tình hình mới.

2.2. Chủ trương có liên quan
Thực hiện cơ chế tăng thêm cán bộ kiêm nhiệm, khoán quỹ lương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảm dần số lượng cán bộ cấp xã gắn với việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức xã.
- Quy định thống nhất dưới xã có thôn, ấp, bản, tổ dân phố; có tổ chức đảng, ban công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; không lập thêm tổ chức trung gian; Mỗi thôn, ấp có 3 chức danh được hưởng phụ cấp từ ngân sách, đó là: Bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận.
- Đến nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng sẽ quy hoạch chức danh, tiêu chuẩn, chế độ chính sách phù hợp với từng chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được đóng bảo hiểm tự nguyện, hoặc được hưởng trợ cấp một lần.

2. Nghị quyết số 25- NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"

2.1. Mục tiêu, quan điểm

2.1.1. Mục tiêu

-Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng;

-Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân;

-Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;

-Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2.1.2. Quan điểm

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, cần quán triệt các quan điểm sau:

Thứ nhất, Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ.

Thứ hai, Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hoà các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Thứ ba, Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo.

Thứ tư, Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.

Thứ năm, Nhà nước tiếp tục thể chế hoá cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

2.2. Nhiệm vụ và giải pháp

- Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.

- Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.

- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

- Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

3. Nghị quyết số 24 – NQ/TW về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

3.1. Quan điểm

Thứ nhất, Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Thứ hai, Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng.

Thứ ba, Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21.

Thứ tư, Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước.

Thứ năm, Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững.

3.2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Về ứng phó với biến đổi khí hậu

- Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.

- Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính.

b) Về quản lý tài nguyên

- Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia.

- Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.

- Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

c) Về bảo vệ môi trường

- Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

- Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của nhân dân.

- Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

3.3. Giải pháp chủ yếu

- Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

- Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

- Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

- Coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Câu 3: Cán bộ, hội viên phụ nữ cần làm gì để thực hiện Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"?

Trả lời:

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân. Vì vậy, cán bộ, hội viên phụ nữ cần thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa câu nói của Bác "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", tích cực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đồng thời gắn với việc thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, cụ thể:

- Hội viên, phụ nữ cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện tốt và vận động người thân trong gia đình, các hội viên, phụ nữ khác và mọi người trong cộng đồng thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ cơ sở, các quy ước, hương ước.

- Hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội cần chủ động nắm bắt, phản ánh kịp thời với các cấp Hội, cấp uỷ, chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất những biện pháp góp phần ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân.

- Cán bộ Hội làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham gia xây dựng chính sách, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới.

- Cán bộ Hội các cấp đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo thông qua xây dựng nhiều mô hình mới, với nhiều loại hình tập hợp thu hút hội viên, củng cố tổ chức Hội; nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp nhau trong đời sống, giúp nhau thoát nghèo; các mô hình tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, quản lý giáo dục trẻ vị thành niên; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và cộng đồng trong xây dựng gia đình văn hoá gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Vận động phụ nữ xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực gắn tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực; lồng ghép với tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị.

Câu 4: Cán bộ, hội viên, phụ nữ cần làm gì để thực hiện Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường"?

Trả lời:

- Hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các khóa tập huấn, nghe phổ biến thông tin về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu do chính quyền và Hội phụ nữ địa phương tổ chức. Áp dụng các thông tin, kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất và trong cuộc sống, cụ thể:

+ Giảm tiêu thụ và sử dụng tiết kiệm năng lượng (xăng, dầu, than, củi...) trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày;

+ Tiết kiệm điện trong tiêu dùng như: sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng;

+ Tiết kiệm sử dụng nước, không vứt rác thải làm ô nhiễm nguồn nước;

+ Tăng cường sử dụng xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng;

+ Bảo vệ rừng, tố giác các hành vi phá hoại rừng, tích cực trồng cây, gây rừng;

+ Hưởng ứng các chủ trương của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với sự thay đổi của thời tiết khí hậu;

+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, giảm thiểu rác thải sinh hoạt, sử dụng và tái chế rác; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường;

+ Sử dụng các dạng năng lượng sạch như: mặt trời, gió, nước.

+ Chủ động ứng phó với thiên tai có thể bất ngờ xảy ra (chuẩn bị các phương án ứng phó với thiên tai phổ biến ở địa phương: chuẩn bị lương thực, đồ dùng thiết yếu trước khi mùa mưa bão đến, tìm hiểu các điểm sơ tán khi có thiên tai, chằng chống nhà cửa v.v)

- Ngoài các việc nêu trên, cán bộ Hội các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên, phụ nữ./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video