Tài liệu sinh hoạt Hội viên quý 2/2010

29/04/2010
Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II gắn với sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đánh giá giữa nhiệm kì việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn Quốc lần thứ X, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam xây dựng Tài liệu sinh hoạt hội viên với chủ đề: Hội LHPN Việt Nam với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

I. Sự ra đời của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam

1. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nền tảng cơ sở phát động phong trào thi đua yêu nước của Hội LHPN Việt Nam

Ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, “làm cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng phải được phát triển đến cực độ”, với mục đích “làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và một năm sau Người phát động thi đua ái quốc với mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Theo Người, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1]; Thi đua chính là những công việc hàng ngày nhưng phải nâng cao năng suất, chất lượng để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất; Thi đua là phải thường xuyên, lâu dài, phải phù hợp với từng đối tượng, từng nơi, từng lúc. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người thường trực tiếp theo dõi, động viên, khuyến khích, gửi tặng huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất cũng như trong chiến đấu.

Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ Quốc cũng như thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là cơ sở để phong trào thi đua phát triển đúng hướng, làm cho thi đua thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trong thời kỳ đổi mới, để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, Đảng đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến…

Hơn 60 năm qua, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để phát triển, xây dựng đất nước, phong trào thi đua tiếp tục phát huy cả bề rộng, chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả.

2. Sự ra đời của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam

Quán triệt tư tưởng thi đua yêu nước của Bác Hồ và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng: phong trào“Năm tốt” (năm 1961), phong trào phụ nữ “Ba đảm đang (năm 1965), phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(năm 1978), cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” (nhiệm kỳ 1987 - 1992), cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” (nhiệm kỳ 1992 - 1997), phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước (nhiệm kỳ 1997 - 2002)… Dù nội dung phong trào thi đua và các cuộc vận động của từng thời kỳ có khác nhau, nhưng việc triển khai thực hiện và kết quả của từng phong trào, từng cuộc vận động đã có ý nghĩa khẳng định vai trò, sự đóng góp thiết thực của tổ chức Hội và các thế hệ phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng tổ chức Hội và phong trào phụ nữ.

Để động viên mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp phụ nữ trong thời kỳ mới, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu phong trào phụ nữ giai đoạn 2002 – 2007, Đại hội Phụ nữ toàn Quốc lần thứ IX (tháng 2/2002) đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Sau 5 năm thực hiện, các nội dung thi đua đã trở thành động lực thúc đẩy chị em vượt qua khó khăn, phát huy phẩm chất tốt đẹp, năng lực sáng tạo, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội.

Năm 2007, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời trên cơ sở những kết quả đáng ghi nhận về phong trào thi đua trong nhiệm kỳ 2002 - 2007, Đại hội Phụ nữ toàn Quốc lần thứ X đã tổng kết, kế thừa và tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chỉ tiêu: 80% trở lên hội viên đăng ký thực hiện, trong đó 70% trở lên đạt 3 tiêu chuẩn phong trào. Việc thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Hội các cấp nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp cũng như các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước và của địa phương.

II. Kết quả thực hiện phong trào thi đua và Cuộc vận động của các cấp Hội

Việc chỉ đạo lồng ghép, gắn triển khai thực hiện phong trào thi đua với Cuộc vận động và các nhiệm vụ chính trị đã được các cấp Hội thực hiện trên các mặt: lồng ghép trong chỉ đạo điểm, trong công tác triển khai thực hiện, trong công tác kiểm tra đánh giá.

Với tinh thần sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp Hội đã cụ thể hoá thành nhiều phong trào với nội dung thi đua phong phú, phù hợp với đối tượng, đặc thù vùng miền, được triển khai sâu rộng đến 100% cơ sở Hội, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng như: phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” (Hội LHPN Thành phố Hà Nội), phong trào “Mỗi gia đình hội viên trồng 1 vườn rau và nuôi ít nhất 5 con gia cầm” (Hội LHPN tỉnh Điện Biên), phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), phong trào “Phụ nữ công an học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ cương, sáng tạo vì an ninh tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc” (Ban Công tác phụ nữ Công an), phong trào “Chiến sĩ giỏi” (Ban Công tác phụ nữ Quân đội)… Nhiều địa phương triển khaiphong trào “Dân vận khéo”, phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Các cấp Hội đã chú trọng tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ học tập và đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua. Năm 2009, đã có 11.935.760 cán bộ, hội viên và 2.360.471 phụ nữ đăng ký thực hiện, trong đó có 10.136.640 cán bộ, hội viên và 1.331.911 phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn phong trào.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được các cấp Hội triển khai thực hiện và từng bước tạo sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động, từ “học tập” sang “làm theo”. Thực hành tiết kiệm theo gương Bác đã trở thành phong trào rộng khắp trong phụ nữ cả nước với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt; lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn tổ chức cho hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện các hoạt động “làm theo” thông qua hình thức tiết kiệm theo tổ, nhóm… Nhiều mô hình thực hành tiết kiệm phổ biến mà Hội LHPN ở cơ sở đã triển khai, nhân rộng: “ống tiết kiệm”, “nuôi heo đất”, “hũ gạo tình thương”, “vườn rau sạch tiết kiệm”, “chuyển giao hỗ trợ phương tiện, máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình”… Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp còn gắn thực hiện tiết kiệm với công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả, bền vững.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành Hội đã xây dựng được mô hình “làm theo” tấm gương Bác trong thực hành tiết kiệm, kết quả thu được trên 40 tỷ đồng, 360.673 tấn gạo, 12.262 tấn thóc, 840.959 KW điện, 84.521 ngày công, giúp đỡ 89.864 hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn; nhiều nhân tố điển hình và mô hình về học tập và làm theo lời Bác được nhân rộng.

Qua gần 3 năm thực hiện, Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của hội viên, phụ nữ. Lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ Hội các cấp có nhiều chuyển biến, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, sâu sát hội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề bức xúc của phụ nữ.

Có thể nói rằng, ở nhiều địa phương, việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cấp Hội, đến từng chi, tổ Hội và đông đảo chị em phụ nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại nhất định. Ở một số cơ sở Hội, việc triển khai thực hiện còn chậm, thiếu chủ động, sáng tạo, chưa gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; phong trào chưa có chiều sâu, thiếu tính bền vững; việc nêu gương điển hình ở một số nơi còn ít, chưa kịp thời. Những hạn chế này cần được các cấp Hội khắc phục trong thời gian tới để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả hơn nữa phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động, sao cho các nội dung của phong trào thi đua và Cuộc vận động ăn sâu vào tiềm thức, trở thành hành động tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những đóng góp thiết thực cho phong trào phụ nữ nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện hoá đất n­ước nói chung.

III. Một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua và Cuộc vận động năm 2010

1. Đối với các cấp Hội

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả đợt thi đua đặc biệt năm 2010 do TW Hội LHPN Việt Nam phát động với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, tích cực thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn năm 2010”. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thực chất của phong trào và Cuộc vận động; phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% trở lên hội viên đăng ký thực hiện, trong đó 60% trở lên đạt 3 tiêu chuẩn phong trào (chỉ tiêu nhiệm kỳ 2007 - 2012: 70% trở lên đạt 3 tiêu chuẩn). Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm đi đôi với chống lãng phí; xây dựng lề lối làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, gần gũi chị em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện tốt chức năng đại diện của các cấp Hội.

- Duy trì, mở rộng phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” gắn với cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II của Hội LHPN Việt Nam (2005 - 2010) và sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chỉ đạo, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong hoạt động công tác Hội và trong các phong trào thi đua do tổ chức Hội phát động; đẩy mạnh công tác phối kết hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phong trào thi đua để tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiêu biểu, xuất sắc.

2. Đối với cán bộ, hội viên phụ nữ

- Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, địa bàn dân cư.

- Tự giác tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: Có lòng yêu nước, có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu; phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, đoàn kết, khắc phục tâm lý tự ti, an phận, vượt khó vươn lên; nâng cao ý thức và năng lực làm chủ, đề cao lòng tự trọng, ý thức bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc trong điều kiện hội nhập.

- Chủ động tìm ra cách thức làm giàu chính đáng, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất. Tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho các thành viên trong gia đình.

- Tự giác tích cực thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng, trong việc cưới, việc tang, trong sử dụng điện, nước...

- Đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”; hưởng ứng và vận động mọi người cùng hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” bằng những việc làm thiết thực để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo đơn thân, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, quan tâm, chăm lo nuôi dạy con cháu, cùng các thành viên trong gia đình phấn đấu đạt tiêu chuẩn gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước./.




[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 1996, tập VI, tr 473

Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video