Tài liệu sinh hoạt hội viên kỷ niệm 80 ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2010)

01/10/2010
 

Câu hỏi 1: Trong suốt 80 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi của Hội LHPN Việt Nam đều gắn với từng thời kỳ lịch sử và thể hiện những trọng trách cụ thể mà Đảng giao phó. Nêu ý nghĩa của những lần thay đổi tên gọi ấy?

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập – trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Giải phóng phụ nữ là một trong những nhiệm vụ được Đảng rất chú trọng. Vì vậy, Đảng chủ trương thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 1930 đến năm 1931, tổ chức “Phụ nữ Giải phóng” dần hình thành, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng (điển hình là Xô viết Nghệ Tĩnh).Tổ chức đãtuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến.

Thời kỳ 1936- 1939, trước yêu cầu của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống Phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp.

Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: hội Ái hữu, hội Truyền bá quốc ngữ.

Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đảng chủ trương : “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an, để giúp đỡ nhau... chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”. Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội phụ nữ Phản đế. Hội đã vận động chị em tham gia mít tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình, đòi bồi thường chiến tranh.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 8 của TW Đảng (5/1941), Đảng đã ra một quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh - tập hợp tất cả lực lượng yêu nước, kêu gọi toàn dân tiến lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 16/6/1941, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Năm 1946, trước âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, Đảng ta chủ trươngmở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt),nhằm tập hợp rộng rãi, đông đảo quần chúng yêu nước để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình vận mệnh dân tộc như"ngàn cân treo sợi tóc" lúc đó.

Vì vậy, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột, lãnh đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

Năm 1954- 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền với 2 chiến lược cách mạng. Xuất phát từ điều kiện đó, ở miền Bắc, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, vận động các tầng lớp phụ nữ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hội đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách tiến bộ về phụ nữ.

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng ở miền Nam, ngày 8/3/1961, Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Hội, chị em phụ nữ miền Nam luôn đứng trên tuyến đầu chống Mỹ, lập nên những kỳ tích xứng đáng với 8 chữ vàng: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”

Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng chủ trương thống nhất các đoàn thể nhân dân. Vì vậy, tháng 6/1976, Hội nghị hợp nhất tổ chức Phụ nữ ở hai miền được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam thống nhất thành Hội LHPN Việt Nam với nhiệm vụ mới: giáo dục động viên phụ nữ cả nước tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Từ 1976 đến nay, Hội LHPN Việt Nam lớn mạnh không ngừng, là tổ chức chính trị- xã hội nòng cốt, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội đã đạt được những bước tiến dài trên con đường tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.

Câu hỏi 2: Từ khi ra đời đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua, được đông đảo các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng. Đó là những cuộc vận động, phong trào thi đua nào?

Thời kỳ giành chính quyền (1930- 1945): Các tổ chức của Hội vận động phụ nữ đã tham gia các phong trào bãi công, bãi thị, biểu tình, đưa dân nguyện, các phong trào tương trợ, cứu tế ... đoàn kết để đòi các quyền lợi kinh tế, chính trị, đòi cải thiện đời sống, đòi dân sinh, dân chủ, chống áp bức của đế quốc phong kiến.

Thời gian 1941- 1945, để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào “đánh Pháp, đuổi Nhật”, “phá kho thóc giải quyết nạn đói”... Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ lớn mạnh cùng cách mạng cả nước, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

Thời kỳ chống Pháp (1945- 1954): Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp, Đảng xác định:“Công tác chính của phụ nữ là tăng gia sản xuất, vì nam giới phải ra trận nhiều, thiếu nhân công...”[1]

Thực hiện chủ trương của Đảng, Hội LHPN Việt Nam mà nòng cốt là Hội phụ nữ Cứu quốc đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú, tham gia các phong trào thi đua ái quốc "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" do Hồ Chủ tịch phát động.

Đoàn phụ nữ Cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào: Phụ nữ học cày bừa, tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, mua công phiếu kháng chiến, phong trào “Đời sống mới”, Hội mẹ chiến sỹ được tổ chức ở khắp nơi… Hoạt động của Hội đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và xây dựng CNXH ởmiềnBắc (1954- 1975)

Trong hoàn cảnh miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phụ nữ trở thành lực lượng lao động, sản xuất chính. Thậm chí, họ đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Tháng 3/1961, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Tiếp đó, tháng 3/1965, TW Hội LHPN Việt Nam phát động Phong trào Ba đảm đang với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Những phong trào này đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi cho hàng triệu phụ nữ miền Bắc. Chính nhờ vậy, miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương lớn của mình.

Ở miền Nam, tại Đại hội lần thứ nhất Hội LHPNGP MN (3/1965), Hội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Phụ nữ miền Nam đã anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên , bất khuất.

Thời kỳ 1975- 1985:

Năm 1976, các tổ chức Phụ nữ ở hai miền (6/1976) được hợp nhất thành Hội LHPN Việt Nam, Hội đã phát động phong trào giáo dục động viên Phụ nữ cả nước tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong nhiệm kỳ Đại hội phụ nữ lần V (1982- 1987), Hội LHPN VN phát động hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.

Thời kỳ Đổi mới (1986- nay):

Hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” vẫn tiếp tục được duy trì gắn với các nhiệm vụ của phụ nữ trong thời kỳ Đổi mới.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997) quyết định điều chỉnh, phát triển 2 phong trào thi đua được phát động từ Đại hội V thành “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục được thực hiện trong nữ công nhân viên chức; Phong trào “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo” được phát triển thành “Hỗ trợ Phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (năm 2002) đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đến Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007) phong trào này tiếp tục được duy trì gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo.

Các phong trào của Hội trong thời kỳ Đổi mới đã giúp cho hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Câu hỏi 3: Cán bộ, hội viên Hội LHPN Việt Nam cần làm gì để tiếp nối truyền thống 80 năm vẻ vang của Hội?

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Hội LHPN Việt Nam tự hào lớn lên cùng đất nước. Suốt chặng dường lịch sử vinh quang, hào hùng âý, Hội đã không ngừng phát triển, sáng tạo, linh hoạt trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ từng thời kỳ để kịp thời đáp ứng trọng trách mà đất nước giao phó.

Để tiếp nối truyền thống 80 năm vẻ vang của Hội, mỗi cán bộ, hội viên đều phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hùng hậu về lực lượng, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ thời kỳ hội nhập và phát triển. Cụ thể là:

- Luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Anh hung, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phấn đấu thực hiện tiêu chí người phụ nữ Việt NamCó lòng yêu nước, có sức khoẻ, có tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu”, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

- Tiếp tục hưởng ứng tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” để các phong trào thực sự có hiệu quả, vừa bảo đảm sự lan toả rộng khắp, vừa đi vào chiều sâu; góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội LHPN Việt Nam.

- Phát huy tinh thần làm chủ, tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.

- Luôn có ý thức chăm lo xây gia đình theo chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Giúp đỡ, tương trợ các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững củaquê hương, đất nước.

 

 




[1] Nghị quyết Hội nghị TW Đảng mở rộng ngày 15-17/1/1948

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video