TÀI LIỆU HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI (dành cho Hội viên và phụ nữ)

16/10/2012
 

Ngày 14/3/2012, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012-2017) đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), Nghị quyết Đại hội với 8 chỉ tiêu cơ bản.

 

Nhằm giúp hội viên, phụnữ nắm được các nội dung cơ bản của Nghị quyết, các chủ trương công tác lớn của Hội xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, TW Hội LHPN Việt Nam biên soạn Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI dành cho hội viên, phụ nữ. Hy vọng rằng, với những hiểu biết về nội dung chính của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, mỗihội viên, phụ nữ sẽ tích cực hưởng ứng, tự giác tham gia vào các hoạt động do Hội tổ chức và thực hiện tốt các nhiệm của hội viên.


Câu hỏi 1: Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đề ra những mục tiêu gì? Mục tiêu có những điểm mới gì so với Nghị quyết nhiệm kỳ X
?

Trả lời:

Mục tiêu của nhiệm kỳ 2012-2017 được Đại hội xác định là “Đoàn kết, vận động phụ nữ phát huy nội lực, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Mục tiêu này gồm 3 nội dung chính:

1.Mục tiêu hướng tới phong trào phụ nữ và chất lượng cuộc sống phụ nữ;

2.Mục tiêu hướng tới chuẩn mực của người phụ nữ;

3.Mục tiêu của tổ chức Hội.

So với mục tiêu nhiệm kỳ X, mục tiêu nhiệm kỳ XI có một số điểm mới, đó là:

1.Nhấn mạnh vai trò chủ thể, tính chủ động, phát huy nội lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình;

2.Khẳng định vai trò quan trọng, nòng cốtcủa tổ chức Hội không chỉ trong công tác phụ nữ mà còn trong thực hiện bình đẳng giới.

Câu hỏi2: Nhiệm kỳ XI có bao nhiêu chỉ tiêu, các chỉ tiêu này có điểm gì khác so với chỉ tiêu nhiệm kỳ X?

Trả lời:

Chỉ tiêu 1: 80% trở lên phụ nữ được Hội tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của của Đảng, Nhà nước và giáo dục phẩm chất đạo đức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

So với nhiệm kỳ X, chỉ tiêu này cao hơn (80% so với 70%).

Chỉ tiêu 2: 100% gia đình hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; trong đó, 70% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “5 không, 3 sạch”.

Đây là chỉ tiêu mới với định hướng gia đình là đối tượng đích của mọi hoạt động Hội.

Chỉ tiêu 3: Đến cuối nhiệm kỳ ít nhất 700.000 chủ hộ nghèo là phụ nữ được vay vốn và được Hội giúp đỡ, trong đó khoảng 400.000 hộ thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 10.000 mái ấm tình thương; vận động hội viên tiết kiệm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất đạt 5.000 tỷ đồng.

So với nhiệm kỳ X, chỉ tiêu giảm nghèo được cụ thể thành con số tuyệt đối chứ không là tỷ lệ phần trăm. Chỉ tiêu vận động tiết kiệm là chỉ tiêu mới nhằm thực hiện phát huy nội lực của phụ nữ và cụ thể hóa khâu đột phá về vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Chỉ tiêu Mái ấm tình thương: nâng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng.

Chỉ tiêu 4: Hàng năm tư vấn nghề, giới thiệu và tạo việc làm cho 100.000 lao động nữ; đào tạo nghề cho 50.000 lao động nữ, trong đó khoảng 70% có việc làm sau học nghề.

Chỉ tiêu này giữ nguyên như nhiệm kỳ X và là chỉ tiêu của đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2011-2015”.

Chỉ tiêu 5: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất được ít nhất 05 chính sách về các lĩnh vực hỗ trợ gia đình, hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù, lao động nữ, phát triển nguồn nhân lực nữ và cán bộ nữ.

Đây là chỉ tiêu mới, xác định rõ những lĩnh vực đề xuất chính sách theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị và cụ thể hóa khâu đột phá về chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ.

Chỉ tiêu 6: Hàng năm, 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh/thành giám sát được ít nhất 02 chính sách; cấp quận/huyện và 80% cơ sở Hội giám sát ít nhất 01 chính sách có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Đây là chỉ tiêu mới và cụ thể hóa yêu cầu đối với từng cấp trong giám sát chính sách. Cấp tỉnh, huyện và cơ sở làm tốt công tác giám sát sẽ giúp cấp TW và tỉnh đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ (chỉ tiêu 5).

Chỉ tiêu 7: 100% cán bộ chủ chốt cấp trung ương và tỉnh đạt chuẩn chức danh theo quy định; 90% trở lên cán bộ chủ chốt cấp huyện và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

So với nhiệm kỳ X, chỉ tiêu không thay đổi về số nhưng làm rõ hơn chuẩn chức danh là chức danh về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Chỉ tiêu 8: Tỷ lệ thu hút hội viên đạt khoảng 75% trong tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.

Chỉ tiêu này được xây dựng căn cứ vào kết quả thu hút hội viên của nhiệm kỳ X và yêu cầu phát triển tổ chức, yêu cầu của công tác vận động phụ nữ.

Câu hỏi 3:Nghị quyết lần này có mục mới là Các khâu đột phá. Vậy nội dung chủ yếu của các khâu đột phá là gì và có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Khâu đột phá 1: Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững.

Thông qua vận động và hỗ trợ phụ nữ thực hành tiết kiệm, một mặt tạo nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo và phát triển sản xuất, mặt khác hình thành thói quen tiết kiệm, lập kế hoạch trong sản xuất và đời sống, nhờ vậy phụ nữ có thể tự chủ hơn trong sản xuất và tổ chức cuộc sống. Đây là khâu đột phá thể hiện rõ quan điểm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội và phát huy nội lực của phụ nữ.

Khâu đột phá 2: Xây dựng được cơ chế qui định trách nhiệm của Hội trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ.

Thông qua việc có cơ chế chính thức về trách nhiệm trong mối quan hệ phối hợp với các ngành và trong hệ thống chính trị, Hội sẽ có tiếng nói chính thức trong vấn đề cán bộ nữ, phát triển nguồn nhân lực nữ và các cấp chính quyền, các ngành liên quan có trách nhiệm giải trình đối với những đề xuất của Hội.

Khâu đột phá 3: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt cấp Trung ương và cơ sở.

Cán bộ Hội ở tất cả các cấp có vai trò quyết định chất lượng hoạt động và phong trào Hội, tuy nhiên cấp trung ương và cơ sở có vai trò then chốt. Cấp TW là cấp tham mưu chiến lược và chỉ đạo, cần có năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Cấp cơ sở là cấp trực tiếp triển khai mọi chủ trương, hoạt động của Hội nên cán bộ Hội cần có năng lực triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả, phản hồi cho cấp trên để điều chỉnh chủ trương và hoạt động cho phù hợp.

Câu hỏi 4: Trong giai đoạn 2012- 2017, Hội LHPN Việt Nam phát động những phong trào thi đua và cuộc vận động nào?

Trả lời:

Trong nhiệm kỳ này, Hội LHPN VN tiếp tục vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đồng thời, các cấp Hội cũng triển khai sâu rộng hai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Câu hỏi 5: Nghị quyết ĐHPNTQ XI đề ra mấy nhiệm vụ? Đó là những nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Trong nhiệm kỳ 2012-2017, Đại hội xác đình có 6 nhiệm vụ chính, đó là:

Nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức.

Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Nhiệm vụ 3: Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ 4: Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Nhiệm vụ 5: Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

Nhiệm vụ 6: Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

So với nhiệm kỳ X, nội dung các nhiệm vụ về cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, tên các nhiệm vụ liên quan đến chăm lo quyền và lợi ích của phụ nữ (nhiệm vụ 2,3) được bổ sung cụm từ “vận động” nhằm nhấn mạnh việc vận động để phát huy nội lực của phụ nữ nhằm giải quyết các khó khăn của chính mình.

Câu hỏi 6: Hãy nêu những nội dung chính của nhiệm vụ 1 và Hội viên, phụ nữ cần làm gì để thực hiện nhiệm vụ 1?

Trả lời:

Nhiệm vụ 1 có 6 nội dung chính, đó là:

1.Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, truyền thống, phẩm chất đạo đức, lối sống cho hội viên, phụ nữ.

2.Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

3.Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ.

4.Tuyên truyền về bình đẳng giới, về hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và hoạt động của các cấp Hội.

5.Tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt.

6.Khuyến khích khả năng sáng tạo của phụ nữ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ 1, hội viên và phụ nữ cần:

-Tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, các sự kiện truyền thông do Hội tổ chức, tham gia đầy đủ các cuộc sinh hoạt chi/tổ Hội.

-Hưởng ứng và thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua do Hội phát động.

-Tham gia các cuộc tuyên truyền, giáo dục pháp luật; học tập và làm theo chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; vận động chồng, con và người thân trong gia đình làm theo pháp luật.

-Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người Việt Nam thời kỳ CNH – HĐH đất nước “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dân tộc và của phụ nữ Việt Nam; tạo dựng hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam, dân tộc Việt Nam ở mọi nơi, mọi lúc.

-Tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân và truyền đạt lại cho người thân trong gia đình. Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, suy nghĩ để cải tiếnsản xuất nhằm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con em trong gia đình không mù chữ, không bỏ học, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

-Kịp thời phản ánh với cán bộ chi, tổ và cán bộ Hội PN xã khi phát hiện các trường hợp xâm hại đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em hoặc các hành vi có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương.

Câu hỏi 7: Để thực hiện nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cấp Hội PN cần triển khai những nội dung gì? Phụ nữ cần làm gì để làm tốt nhiệm vụ 2?

Trả lời:

Nhiệm vụ 2 có 5 nội dung cơ bản sau đây:

1.Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình; trách nhiệm xây dựng gia đình; trang bị các kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững cho phụ nữ và cộng đồng.

2.Triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, trên cơ sở phát huy tính chủ động của hộ gia đình, vai trò nòng cốt của phụ nữ.

3.Thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; xây dựng và thực hiện "Đề án thí điểm phát triển nhà, nhóm trẻ gia đình dựa vào cộng đồng” và phối hợp thực hiện tốt Đề án “Nâng cao chất lượng mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” nhằm hướng dẫn kỹ năng sống cho phụ nữ,kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng.

4.Xây dựng và tổ chức các hoạt động dịch vụ gia đình và dịch vụ xã hội, nhằm từng bước phục vụ nhu cầu của phụ nữ và gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ có thời gian chăm sóc con cái, học tập phấn đấu vươn lên.

5.Tiếp tục vận động phụ nữ phát huy tính tự lực, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và công tác hậu phương quân đội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ 2, mỗi hội viên, phụ nữ cần:

-Phát huy vai trò, vị trí là người vợ, người mẹ trong gia đình; là người gắn kết các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương, tạo dựng sự đoàn kết, bình đẳng, hoà thuận trong gia đình.

-Biết cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm; biết cách phân công công việc gia đình hợp lý cho các thành viên; thực hiện nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, giáo dục con cháu biết kính yêu ông bà, cha mẹ, học tập tốt, lao động tốt, giữ gìn vệ sinh tốt, trung thực, thật thà.

-Nắm chắc nội dung 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5không 3 sạch”, đăng ký và cam kết thực hiện gia đình 5 không 3 sạch gắn với gia đình văn hoá và xây dựng nông thôn mới.

-Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi tặng quà động viên các gia đình chính sách, gia đình các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; đỡ đầu, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sỹ cô đơn có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Câu hỏi 8: Nghị quyết ĐHPNTQ XI đã đề ra những nội dung gì cho nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”? Mỗi hội viên, phụ nữ cần làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này?

Trả lời:

Nhiệm vụ 3 đề ra 4 giải pháp chủ yếu với các nội dung như sau:

1.Tuyên truyền, hướng dẫn và vận động phụ nữ khu vực nông thôn hiểu rõ, hiểu đúng và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; chủ động, sáng tạo tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thi đua sản xuất kinh doanh có hiệu quả; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo.

2.Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, bao gồm:

-Tăng khả năng tiếp cận vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, tổ chức tốt hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ phát triển sản xuất.

-Dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm;

-Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng; kết nối thị trường….

-Triển khai hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương”

3.Thực hiện hiệu quả Đề án 295; tăng cường gắn kết dạy nghề với hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp.

4.Xây dựng thí điểm và phát triển mô hình tổ hợp tác, Hợp tác xã và Doanh nghiệp

Để thực hiện tốt nhiệm vụ 3, mỗihội viên, phụ nữ cần:

-Tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

-Bản thân và vận động các thành viên trong gia đình thực hành tiết kiệm nhằm phát huy nội lực tạo sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh; có trách nhiệm với cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân tương ái, nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ khó khăn khác.

-Tích cực học hỏi, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo; chủ động tham gia các phong trào phát triển kinh tế do Hội phát động nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả đồng vốn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

-Mạnh dạn học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.

-Thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Câu hỏi 9: Nhiệm vụ “Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giớicó những nội dung nào và hội viên, phụ nữ cần phải làm gì để thực hiện những tốt nhiệm vụ 4?

Trả lời:

Nhiệm vụ 4 gồm 5 nội dung, đó là:

1.Các cấp Hội tham mưu đề xuất chính sách: phát triển nhà, nhóm trẻ dựa vào cộng đồng; chế độ thai sản đối với phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh con đúng chính sách dân số (ngoài đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc); chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho phụ nữ;xây dựng được cơ chế qui định trách nhiệm của Hội trong tham mưu, giới thiệu tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Ðảng; chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số.

2.Tham gia ý kiến, phản biện xã hội vào quá trình soạn thảo và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới.

3.Định kỳ giám sát và tham gia kiểm tra giám sát đúng quy trình việc soạn thảo, thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội.

4.Phát triển các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ phù hợp với đối tượng và khả năng của từng cấp Hội.

5.Tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nữ theo chức năng của Hội, phù hợp với từng cấp Hội.

Hội viên, phụ nữ cần làm những việc sau để giúp các cấp Hội triển khai tốt nhiệm vụ 4:

-Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương.

-Bản thân và vận động gia đình chấp hành nghiêm pháp luật, hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở.

-Tích cực cung cấp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ tạo điều kiện cho các nghiên cứu do TW Hội thực hiện tại địa phương; phục vụ hoạt động tham gia xây dựng và phản biện LPCS về bình đẳng giới

-Tìm hiểu và nắm bắt các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến
quyền và lợi ích của phụ nữ

-Quan sát, theo dõi, thu thập thông tin về việc thực hiện các quy
định tại địa phương. Phản ánh tình hình thực hiện ở địa phương với chi hội trưởng, với BCH Hội LHPN cấp xã tại các buổi sinh hoạt hội viên, sinh hoạt CLB

-Tích cực tham gia các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.

Câu hỏi 10: Để có cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ“Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”, Đại hội đã đề ra những nội dung hoạt động cơ bản nào? Hội viên, phụ nữ cần làm gì để góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh?

Trả lời:

Nghị quyết Đại hội xác định 6 nội dung giải pháp chính để thực hiện nhiệm vụ 5, đó là:

1.Nâng cao chất lượng thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

2.Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động.

3.Kiện toàn bộ máy Hội các cấp.

4.Mở rộng tính liên hiệp của tổ chức: Đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội; coi trọng phát triển hội viên trong nữ thanh niên, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo. Vận động, phát triển hội viên tới từng hộ gia đình. Cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt thiết thực, sát đối tượng.

5.Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay:Thực hiện đồng bộ các khâu, từ tuyển chọn, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, thực hiện chính sách đối với cán bộ. Quan tâm đề xuất các chính sách chăm lo cho cán bộ Hội các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Duy trì khen thưởng danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi”.

6.Kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ thực hiện công tác kiểm tra trong hệ thống Hội. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra cho cán bộ chuyên trách Hội các cấp và cán bộ chủ chốt cơ sở.

Để góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, mỗi hội viên, phụ nữ cần:

-Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

-Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động Hội, đóng hội phí theo quy định của Điều lệ.

-Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

-Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện bình đẳng giới.

-Vận động các phụ nữ trong cộng đồng tham gia hoạt động Hội.

Câu hỏi 11: Hãy nêu nội dung nhiệm vụ Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội LHPN VN nhiệm kỳ 2012 – 2017? Hội viên, phụ nữ cần làm gì để thực hiện nhiệm vụ 6 ở địa phương?

Trả lời:

Nhiệm vụ 6 có 5 nội dung chính, đó là:

1.Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với phụ nữ và nhân dân các nước, đặc biệt các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường công tác an ninh biên giới, hải đảo nhằm xây dựng đường biên giới "hòa bình, hợp tác và phát triển".

2.Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại hai chiều.

3.Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, huy động mọi nguồn lực phục vụ các hoạt động của Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước cũng như vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam.

4.Đổi mới và tăng cường công tác tập hợp, kết nối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, động viên chị em giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng cộng đồng Việt Nam ổn định và phát triển tại nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và đóng góp tích cực, phù hợp vào phong trào phụ nữ và công cuộc phát triển đất nước; Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ quyền và nhân phẩm của phụ nữ trong các quan hệ, giao dịch có yếu tố nước ngoài.

5.Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại trong hệ thống Hội.

Để góp phần bảo vệ an ninh, biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ 6 hội viên, phụ nữ cần:

-Tìm hiểu và nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia.

-Tìm hiểu và nghiêm túc thực hiện các Hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới đã được ký kết giữa hai nước.

-Đề cao cảnh giác, dũng cảm đấu tranh, tố giác tội phạm, đối tượng có hành vi gây rối trật tự vùng biên (truyền đạo trái phép, xúi giục đồng bào vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư, buôn lậu qua biên giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em….). Phát hiện kẻ lạ không có phận sự dò la các công trình quan trọng, các cơ sở quân đội, an ninh, nhất là ở các địa bàn trọng yếu. Để thực hiện được việc này, chị em cần phải phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, công an, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là Hội phụ nữ, để kịp thời thông tin khi phát hiện đối tượng nghi vấn.

-Khi tiếp xúc, đón tiếp hoặc làm việc với người nước ngoài, chị em cần:

+Có thái độ chân tình, thân thiện, thể hiện sự mến khách, tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ trong khả năng của mình. Qua đó giúp bạn bè quốc tế có ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người và phụ nữ Việt Nam.

+ Trong kinh doanh, không chèo kéo, lừa gạt, bán giá quá cao cho khách. Cần có ý thức tự tôn dân tộc, tranh thủ các cơ hội để giới thiệu quảng bá về đất nước, văn hóa, con người và nét đẹp của phụ nữ Việt Nam.

+ Khi có khách quốc tế đến thăm nhà thì cần giữ nhà cửa, sân vườn gọn gàng, sạch sẽ để thể hiện sự tôn trọng khách.

-Khi phát hiện người nước ngoài có hành vi nghi vấn, có thể gây tổn hại về kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, chị em cần:

+ Theo dõi hoặc phối hợp theo dõi đối tượng nghi vấn một cách khéo léo để không bị phát hiện, không gây nguy hiểm cho mình và người xung quanh.

+ Cảnh báo với mọi người và báo cho Tổ trưởng tổ dân phố, công an xã, dân phòng hoặc chính quyền địa phương.

+ Hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc theo dõi, bắt giữ và xử lý đối tượng. VD: Cung cấp thông tin; huy động những người xung quanh hỗ trợ nếu thấy đối tượng có dấu hiệu hành động manh động…

-Khi có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với phụ nữ Việt kiều về thăm quê hương, chị em cần:

+ Tuyên truyền về tình hình của quê hương, đất nước;

+ Thu hút chị em tham gia các hoạt động cộng đồng;

+ Vận động chị em giữ gìn tiếng Việt và bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ổn định; hội nhập và tuân thủ pháp luật của nước sở tại và hướng về quê hương, đóng góp trí tuệ và nguồn lực cho sự phát triển của đất nước;

+ Đặc biệt nên tránh lợi dụng tình cảm của những người xa quê để gợi ý họ hỗ trợ về kinh tế tạo ấn tượng xấu cho phụ nữ Việt Nam.

Câu hỏi 12: Trong giai đoạn 2012- 2017, nội dung thi đua và các tiêu chuẩn thi đua đối với phụ nữ là gì?

Trả lời:

Nội dung thi đua của 5 năm 2012-2017 vẫn được duy trì là “tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tuy nhiên nội dung thi đua cụ thể đối với hội viên, phụ nữ được bổ sung, sửa đổi như sau:

1. Tích cực học tập:

1.1 Nội dung:

- Học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất của phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu,Đảm đang”; học chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng; học văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kiến thức giới, kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.

- Học tập, tìm hiểu về Cuộc vận động và các tiêu chí xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

- Học tập, tìm hiểu về truyền thống của phụ nữ Việt Nam, sự phát triển phụ nữ và bình đẳng giới.

- Học tập, tìm hiểu về tổ chức Hội LHPN Việt Nam; quyền và trách nhiệm của Hội viên theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.

1.2. Tiêu chuẩn:

- Nắm vững và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư.

- Có hoạt động cụ thể thực hiện học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có ý thức phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ.

- Có nhận thức tốt về bình đẳng giới; có kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.

- Hiểu biết về tổ chức Hội và hoạt động của Hội, tham gia đầy đủ các đợt sinh hoạt, học tập các nội dung do Hội LHPN địa phương, đơn vị tổ chức.

- Nắm vững các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch.

- Áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện cụ thể bằng: kết quả học tập, lao động, công tác; tổ chức cuộc sống gia đình; thực hành tiết kiệm; chăm sóc và nuôi dạy con, tham gia các hoạt động xã hội.

2. Lao động sáng tạo:

2.1 Nội dung:

* Đối với nữ nông dân:

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Thực hành tiết kiệm trong lao động, có sáng kiến nâng cao năng suất lao động.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, thực hiện sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

* Đối với nữ công chức, viên chức và lao động:

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình lao động, sản xuất.

- Có sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.

- Thực hành tiết kiệm trong lao động, tổ chức công việc hợp lý.

- Thực hiện các quy định của pháp luật và của đơn vị, doanh nghiệp.

* Đối với nữ lãnh đạo quản lý:

- Đổi mới phương thức tổ chức quản lý, khoa học, hiệu quả.

- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

- Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.

* Đối với nữ doanh nhân, tiểu thương:

- Sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả.

- Ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

- Tạo dựng, giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam; coi trọng chữ tín trong sản xuất kinh doanh.

- Thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và trách nhiệm xã hội.

2.2 Tiêu chuẩn:

- Có sáng kiến cải tiến hoặc áp dụng công nghệ mới trong lao động, sản xuất, công tác.

- Lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

- Đạt tiêu chí “Gia đình không đói nghèo” hoặc gia đình có mức sống cải thiện hơn, năm sau cao hơn năm trước.

- Riêng đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động: Hàng năm đạt danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên.

3. Xây dựng gia đình hạnh phúc:

3.1. Nội dung:

- Thực hiện các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch.

- Thực hiện các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa (Theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hoá”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”,“Tổ dân phố văn hoá” và tương đương).

3.2. Tiêu chuẩn:

- Đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

- Đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”.

Câu hỏi 13: Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI quy định điều kiện để trở thành hội viên Hội LHPN Việt Nam là gì?

Trả lời:

Điều 3 Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI quy định:

Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi cư trú; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội thì được công nhận là hội viên

Điểm mới: Bổ sung nơi làm việc”; và thay cụm từ“tham gia sinh hoạt” bằng “tham gia tổ chức”; kết nạp” bằng công nhận

Câu hỏi 14: Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI quy định quyền hội viên như thế nào?

Trả lời:

Điều 6 Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI quy định rõ về quyền của hội viên như sau:

- Được dân chủ thảo luận và biểu quyết chủ trương, nhiệm vụ công tác Hội; được góp ý, đề đạt nguyện vọng với tổ chức Hội; được tham gia hoạt động, sinh hoạt Hội tại nơi cư trú và nơi làm việc.

- Được Hội hướng dẫn, giúp đỡ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

- Được ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội theo quy định.

Câu hỏi 15: Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI quy định nhiệm vụ của hội viên như thế nào?

Trả lời:

Về nhiệm vụ của hội viên, Điều 7 Điều lệ Hội quy định:

- Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân

- Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động của Hội, đóng Hội phí theo quy định của Điều lệ.

- Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

- Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện bình đẳng giới.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video