Tác động của vi-rút corona có thể nặng nề với phụ nữ hơn nam giới - Lý do là đây

31/03/2020
Phần lớn nhân viên y tế và cán bộ xã hội là nữ và họ đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ vì họ vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc trẻ em.
Phụ nữ vốn đã làm các việc chăm sóc không được trả công nhiều gấp ba lần so với nam giới - và việc chăm sóc người nhiễm bệnh sẽ làm tăng thêm gánh nặng này
Liệu phụ nữ và nam giới có chịu tác động khác nhau của vi-rút corona không?
Phụ nữ tiểu thương Đà Nẵng trong mùa đại dịch (nguồn ảnh: danang.gov.vn/)

Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy rằng trong khi tỷ lệ nam và nữ nhiễm COVID-19 tương đương nhau, thì dường như tỷ lệ tử vong vì vi-rút ở phụ nữ dường như thấp hơn.

Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc trên khoảng 44.600 người mắc COVID-19 cho thấy tỷ lệ tử vong ở nam giới là 2,8% và ở phụ nữ là 1,7%.

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân của sự khác biệt có nhiều, trong đó có thể do yếu tố sinh học và lối sống. Ví dụ, nam giới Trung Quốc hút thuốc nhiều hơn phụ nữ nên làm ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Ngoài ra, phụ nữ có xu hướng tạo ra các phản ứng miễn dịch đối với các nhiễm trùng mạnh hơn nam giới.

Nhưng ở một khía cạnh khác ít rõ nét hơn thì vi-rút đang ảnh hưởng tiêu cực hơn đến phụ nữ. Khi cuộc chiến chống lại COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, ngày càng có nhiều phụ nữ trên khắp thế giới đang ở chiến tuyến. Nhiều người ​​sẽ làm việc trong nhiều giờ hơn, trong khi vẫn phải cố gắng thực hiện các việc nội trợ. Dưới đây là vài ví dụ về tác động giới của vi-rút corona.

Nhân viên y tế

Chính quyền Trung Quốc đã cử hơn 41.000 nhân viên y tế trong cả nước đến hỗ trợ vùng tâm dịch Hồ Bắc.

Đến ngày 24/2, có 3.387 nhân viên y tế ở Trung Quốc bị nhiễm COVID-19, hơn 90% trong đó ở Hồ Bắc.

Theo Hội Phụ nữ Thượng Hải, hơn một nửa số bác sĩ và 90% y tá ở Hồ Bắc là phụ nữ.

Nhìn trên bình diện rộng hơn, phụ nữ là lực lượng lao động chính trong lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội - 70% tại 104 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân tích.

Thu nhập của họ kém nam giới trong cùng lĩnh vực 11%, theo WHO.

Người chăm sóc không được trả lương

Phụ nữ và trẻ em gái đã làm hầu hết các công việc chăm sóc không được trả lương trên thế giới.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên toàn cầu, phụ nữ thực hiện 76,2% tổng số giờ làm việc chăm sóc không được trả lương, nhiều gấp ba lần so với nam giới. Ở châu Á và Thái Bình Dương, con số đó lên tới 80%.

Khi các hệ thống y tế bị quá tải, nhiều người mắc COVID-19 sẽ cần được chăm sóc tại nhà làm tăng thêm gánh nặng công việc cũng như khiến phụ nữ chịu nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn.

Đóng cửa trường học

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), có tới gần 300 triệu học sinh trên toàn cầu hiện không đến lớp do đóng cửa trường học vì vi-rút.

Việc đóng cửa hàng loạt nhà trẻ, trường học tại 15 quốc gia, cũng như phong tỏa một số vùng ở 14 quốc gia khác, khiến nhiều phụ huynh buộc phải nghỉ làm, hoặc cố gắng vừa làm việc tại nhà, vừa chăm con.

Như tờ New York Times đưa tin, việc đóng cửa trường học khiến phụ nữ đặc biệt khó khăn vì họ vẫn đang chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc trẻ em.

Những người nghèo, làm việc trong các công việc dịch vụ không thể làm việc ở nhà và những người không được hưởng chế độ nghỉ có lương đặc biệt dễ bị tổn thương.

Một hậu quả không mong muốn của việc đóng cửa trường học theo UNESCO là căng thẳng đối với các hệ thống y tế vì nhiều cán bộ y tế gặp khó khăn khi tìm dịch vụ chăm sóc con.

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới

https://www.weforum.org/agenda/2020/03/the-coronavirus-fallout-may-be-worse-for-women-than-men-heres-why/

Minh Hương dịch

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video