Phụ nữ ở Pà Cò tỉ mẩn bôi cả bát sáp ong lên váy

17/08/2022
Phụ nữ người Mông ở Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình mất cả năm trời mới hoàn thiện được một chiếc váy như ý. Màu thổ cẩm sặc sỡ cùng những chi tiết hoa văn độc đáo đã tạo thành chiếc váy không nơi nào có được.
Chiếc váy của phụ nữ người Mông là tác phẩm nghệ thuật đa màu sắc.

Phiên chợ Xà Lĩnh, xã Pà Cò nhộn nhịp người mua bán. So với các phiên chợ vùng cao, chợ Xà Lĩnh có đặc trưng riêng là có rất nhiều phụ nữ người Mông tham gia. Họ đến chợ đều khoác lên mình những bộ xiêm y đẹp nhất của dân tộc mình. Xen lẫn màu xanh thẫm của đại ngàn và mây trời, một màu đỏ xuyên suốt làm nổi cả khu chợ là những bộ váy Mông sặc sỡ. Hầu hết phụ nữ người Mông đều mặc bộ váy màu đỏ truyền thống- thứ màu như làm cho nơi này bớt lạnh giá.

Hôm chúng tôi đến bản Chà Đáy may mắn được gặp một chàng họa sĩ yêu mến vùng dân tộc này mà đến. Anh tên là Nguyễn Văn Quang ở nhà vợ chồng anh A Páo (mở homestay đón khách). Anh ăn ở với bà con cả năm trời, nên anh hiểu được nỗi vất vả vả nhọc nhằn của người dân vùng cao. Nhưng trong nỗi khó khăn đó, họ luôn biết giữ gìn, trân trọng bản sắc. Đặc biệt là người phụ nữ Mông, chỉ cần nhìn trang phục của họ là biết được họ kiên trì và chịu khó đến nhường nào.

Hành trình làm một chiếc váy Mông kéo dài cả năm trời. Lanh được gieo và thu hoạch đúng vụ từ tháng 2 đến tháng 5. Thu hoạch lanh phải đúng độ "bánh tẻ" để đảm bảo sợi vải bền và chảy.

Sau khi phơi 3 ngày, sẽ tiến hành tước vỏ xé sợi ngay. Chuốt sợi thể hiện rõ nhất sự cần cù và khéo léo của người phụ nữ Mông. Cuộn lanh mới sơ chế luôn được người phụ nữ mang theo bên mình, tranh thủ chuốt, nối sợi bất cứ khi nào đôi tay không vướng bận, trên đường đi chợ, lên rẫy...

Bà Hàng Thị Di dùng sáp ong nóng chảy để vẽ hoa văn...

Hồ sợi là công đoạn cuối cùng trước khi dệt vải, hết sức đơn giản nhưng việc tẩy sợi lại phải tiến hành ba, bốn lần, ngâm sợi với nước vôi và tro ban đêm và ban ngày giặt phơi. Dệt vải, khó nhất là mắc thảm sợi dọc. Nghĩa là người phụ nữ phải buộc từng sợi lanh bé nhỏ vào then ngang với khoảng 500 sợi rồi xâu qua lỗ go để dệt vải.

Qua đôi mắt của người họa sĩ, bộ váy là tinh hoa và cũng là thứ mà phụ nữ Mông gửi gắm tấm lòng của mình. Từ khâu trồng lanh, tuốt lanh đến việc dệt chúng thành vải rồi nhuộm, phơi… mỗi công đoạn làm ra vải lanh đều vô cùng kì công và vất vả.

Khi tấm vải hình thành, họ còn kỳ công thêu thùa cả tháng trời mới xong. Từng họa tiết, hoa văn được bôi một lớp sáp ong vô cùng tinh tế. Bà Hàng Thị Di ở bản Chà Đáy chia sẻ, sau những ngày làm lụng trên nương, ngày nào rảnh là phụ nữ Mông sà xuống bên khung cửi làm khăn, làm váy. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Phụ nữ ở Pà Cò đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mông. Họ yêu bộ váy xòe này như chính cuộc sống của mình.

 

Trang phục của người Mông thường rực rỡ sắc màu.

Theo bà Di, phụ nữ Mông thường dùng sáp ong nóng chảy để vẽ hoa văn, sau đó nhuộm chàm nhiều lần rồi nhúng vào nước nóng. Hoa văn thêu bằng chỉ màu là cầu kỳ và đẹp nhất. Cổ áo và tạp dề là điểm nhấn hết sức quan trọng, màu sắc hết sức rực rỡ.

Mô típ hoa văn được sử dụng trên váy áo là hình kỷ hà với hình chữ thập, hình vuông, chữ nhật, thoi, xoáy trôn ốc, hoa lá và đặc biệt kiểu hoa văn đối xứng hài hòa. Mỗi chiếc váy có tới 50 nếp gấp, xếp quây tròn như khúc uốn lượn của núi rừng phía Bắc. Chẳng thế mà mỗi khi đi đâu chơi hay xuống chợ, người phụ nữ Mông luôn cảm thấy tự hào về trang phục do chính mình sản xuất và thiết kế.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video