Phụ nữ di cư - Gánh nặng mưu sinh

21/10/2019
Hầu hết phụ nữ nông thôn đều mong muốn có cơ hội mưu sinh ngay tại chính quê nhà, nhưng ruộng đất ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm khó khăn. Gánh nặng cuộc sống khiến nhiều phụ nữ phải rời quê lên thành phố tìm việc.

Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Tổ ấm truyền thống chính là nơi người phụ nữ thực hiện thiên chức và bổn phận làm con, là vợ, làm mẹ khi người chồng, người cha xa nhà bươn chải làm ăn. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh ý thức về sự bình đẳng, vai trò vị trí xã hội, sự độc lập kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo những biến đổi cả về cơ hội lẫn sức ép lao động, việc làm, thu nhập thì bổn phận và thiên chức của người phụ nữ dường như phai nhạt ít nhiều, khi gánh nặng kinh tế ngày càng đặt lên đôi vai vốn yếu ớt của họ, nhất là phụ nữ nông thôn. Bởi thế, họ buộc phải thoát ly lên thành phố kiếm kế sinh nhai.

Hầu hết phụ nữ nông thôn đều mong muốn có cơ hội mưu sinh ngay tại chính quê nhà, nhưng ruộng đất ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm khó khăn. Gánh nặng cuộc sống khiến họ phải rời quê lên thành phố tìm việc. Tình trạng này kéo dài dẫn đến đảo lộn kết cấu gia đình truyền thống về phân công lao động, cũng như thiên chức của người phụ nữ và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai con trẻ.

Những làng quê xao xác

Xuôi theo quốc lộ 63, qua cầu Vĩnh Tiến, chúng tôi ghé thăm vùng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Xưa, người dân chỉ có cách đi trên con kênh vốn trước là tuyến giao thông huyết mạch từ Vĩnh Hòa về chợ huyện Vĩnh Thuận, sông Cái Lớn đến các vùng khác bằng xuồng, ghe. Khi giao thông bộ phát triển, vùng quê Vĩnh Hòa, Hòa Chánh thay đổi nhiều, cuộc sống người nông dân khá hơn, nhưng vùng nông thôn vẫn kém phát triển, mức sống chênh lệch quá xa so với đô thị. Gia đình ông Nguyễn Thanh Cần, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hòa, có năm người, sở hữu đến 30 công ruộng, nhưng căn nhà vẫn lợp tôn, vách lá không lành lặn. Cô con gái thứ ba của ông tên là Nhung, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng cộng đồng Kiên Giang không xin được việc làm, theo anh trai lên Bà Rịa - Vũng Tàu làm công nhân. Nhung tâm sự, nếu may mắn tìm được công việc gần nhà, đúng với ngành nghề học cũng chỉ nuôi được bản thân, không thể đỡ đần gia đình. Giờ, cô an phận làm công nhân may, thu nhập khoảng bảy triệu đồng/tháng, hằng tháng, cô gửi một nửa lương về đỡ mẹ. Nhung chỉ là một thí dụ trong hàng nghìn phụ nữ (từ tuổi vị thành niên đến những quá lục tuần) ở U Minh Thượng rời quê lên các thành phố lớn lao động. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trung lại đều do tâm lý chán ruộng, rẫy và muốn thoát cảnh nghèo.

Thực tế cho thấy, di cư từ nông thôn ra thành thị được coi là một hình thức hữu hiệu có thể giúp người dân đổi đời. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ðồng Văn (Hà Nam) Nguyễn Văn Giáo cho rằng, một bộ phận phụ nữ di cư không ảnh hưởng gì đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương, mà còn giúp kinh tế gia đình họ khấm khá lên. Khi đi làm, có tiền, mọi huy động đóng góp cho các cuộc vận động, phong trào của địa phương, đều được ủng hộ nhanh chóng, tích cực. Khi tự chủ được tài chính, vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình được nâng lên.

Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực, việc phụ nữ rời làng đi khắp nơi kiếm kế sinh nhai không chỉ làm đảo lộn kết cấu gia đình truyền thống về phân công lao động. Khi ấy, người đàn ông ở lại nhà bắt đầu loay hoay với công việc học làm nội trợ, chăm sóc con cái. Sự tréo ngoe ấy đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người già, trẻ em. Thiếu hơi ấm, bàn tay chăm sóc của mẹ, những đứa con dễ hư hỏng, chơi bời, học hành sa sút. Tiềm ẩn nguy cơ tan vỡ gia đình khi giá trị tình cảm, đạo đức, luân lý bị hy sinh cho lợi ích kinh tế là điều có thật.

Căn nhà của chị Phạm Thị Kim Thoa, 34 tuổi ở ấp Vĩnh Thạnh thực chất là cái chòi nằm sâu trong hẻm, có lẽ chỉ chờ cơn dông lớn là sập. Cả cuộc đời của chị sống cảnh làm thuê, nay đây mai đó. Ðể lại chồng và hai con, chị một mình lên tận Ðồng Nai phụ hồ, gửi tiền về phụ chồng nuôi con. Do đi làm xa, năm vài bận giỗ, Tết mới trở về làng. Hai đứa con của chị thường xuyên sống cảnh thiếu tình thương, chăm sóc của mẹ cho nên chẳng được học hành, suy dinh dưỡng. Vợ chồng xa mặt cách lòng, chẳng mấy chốc, chồng chị có con với người phụ nữ khác. Khi phát hiện, chẳng làm ầm ĩ, chị Thoa âm thầm mang theo hai đứa con lên Ðồng Nai. Thế nhưng do túng bấn, hai đứa con chị dù chưa đến tuổi lao động đành chịu cảnh thất học theo mẹ đi phụ việc.

Giờ đây, không hiếm những làng quê cho ta cảm nhận về sự vắng vẻ, đìu hiu, bởi những người trong độ tuổi lao động đã tỏa đi khắp nơi kiếm sống. Quê nhà chỉ còn lại người già và trẻ con. Phụ nữ, người xây tổ ấm, nhưng lại phải ly hương để bươn chải bởi họ cũng là trụ cột chính trong gia đình, dẫn đến tình trạng bất cập đã nảy sinh khi mà ngay ở nông thôn, nơi có tới 70% số dân sinh sống lại đang thiếu lao động trầm trọng. Năm 2003, Khu công nghiệp (KCN) Ðồng Văn I (Hà Nam), với quy mô 138 ha được thành lập. Từ mốc lịch sử này, các KCN có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tựu ấn tượng, đóng góp vào tăng trưởng GDP của địa phương cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc diện tích nông nghiệp bị thu hẹp lại, người dân không còn đất canh tác. Họ chọn cách tỏa đi khắp nơi kiếm sống, vợ chồng, con cái dắt díu nhau rời quê tìm việc. Choáng ngợp với phồn hoa chốn đô thị, nhiều thanh niên nông thôn chân ướt chân ráo lên thành thị, ngay lập tức bập vào tệ nạn, nhất là ma túy. Khi trở về làng, họ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) Ðỗ Thị Nguyệt cho biết: Hội viên toàn xã có một nghìn người, thì có đến hơn 60% số chị em độ tuổi từ 30 đến 60 lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề giúp việc gia đình, đánh giày, sơn bả. Phụ nữ ở độ tuổi ấy, khi những đứa con rất cần bàn tay người mẹ chăm sóc, thì họ lại phải lao đi để kiếm sống. Các KCN ở Hà Nam mọc lên ngày càng nhiều, nhưng họ lại không phải đối tượng được tuyển dụng, do doanh nghiệp cho rằng họ không đáp ứng được sức khỏe, cũng như cường độ, tác phong của lao động công nghiệp. Nghịch cảnh là, tại nơi cần công nhân lao động thì số lao động dư thừa sở tại lại khăn gói tha phương cầu thực nơi đất khách.

Muôn nẻo đường đời

Cũng như các thành phố lớn, TP Hồ Chí Minh là mảnh đất hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho đối tượng phụ nữ có trình độ tay nghề thấp ở khắp nơi. Họ bươn chải đủ ngành nghề từ buôn bán nhỏ, làm thuê, giúp việc nhà cho đến làm công nhân ở các khu chế xuất - KCN. Không ít trong số họ muốn thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đành quăng quật nơi phố thị, vừa để mưu sinh, vừa là điểm tựa giúp con cái ở quê có thêm chút tiền ăn học, trưởng thành mong được đổi đời. Năm 2013, chị Nguyễn Thị Thanh giao ba đứa con nhỏ cho chồng, theo người làng, rời Bình Ðịnh vào TP Hồ Chí Minh. Thuê nhà trọ ở quận Tân Phú, chị Thanh kiếm mối, nhận sỉ bánh ngọt đẩy xe bán rong. Nhờ xe hàng rong, chị đón hai con lên học đại học. Ðể nuôi ba miệng ăn, trang trải tiền thuê nhà trọ, từ 4 giờ sáng chị Thanh phải thức dậy đến lò lấy bánh. Khi hết bánh, chị lại nhanh chân về nhà trọ kịp lo bữa tối. Công việc vất vả, bụi bặm đường phố nhưng giúp chị kiếm 12 triệu đồng/tháng, trừ chi phí vẫn tiết kiệm được năm triệu đồng đóng học phí cho hai con. Chị Thanh chia sẻ: “Không ai muốn bỏ mảnh đất cha mẹ tạo lập để làm ăn xa, nhưng vì tương lai tụi nhỏ cho nên dù cơ cực cỡ nào, tôi cũng gắng sức, chỉ mong con cái sau này thoát khỏi cảnh làm thuê như mẹ”. Thế nhưng, chưa có một ai trong số những phụ nữ di cư mà chúng tôi gặp trả lời được câu hỏi, bao giờ họ sẽ trở về làng? Chị Cao Thị Hồng Nga (52 tuổi), rời Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh làm thuê đủ nghề, từ giúp việc nhà đến phụ bán quán cơm, quán ốc, kiếm tiền nuôi mẹ bệnh nặng nằm một chỗ, nhận câu hỏi, chỉ thở dài: “Khi nào mẹ tôi nhắm mắt yên bề, tôi sẽ về quê cùng chồng chăm lo cho căn nhà cũ vì đã lâu không có bóng phụ nữ”.

Một sự thật dễ thấy là, phụ nữ di cư dễ bị tổn thương hơn nam giới, do phải đối mặt với nhiều cám dỗ, rủi ro thị trường nơi họ làm việc. Họ cũng dễ rơi vào cạm bẫy của nạn mua bán người, nội tạng, trở thành nô lệ tình dục, hoặc di cư có tổ chức bằng con đường hôn nhân với người nước ngoài. Tại căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông tại làng Ngọc Hà (Hà Nội), nơi trở về ngả lưng sau ngày lao động giúp việc của sáu phụ nữ cùng quê Lý Nhân, chị Nguyễn Thị Thu với hơn 10 năm đi giúp việc, cho biết: Không ai trong số họ dám nhận công việc cố định bởi thoắt cái, ở quê lại gọi về giỗ chạp, ma chay, cưới xin! Tuy có vất vả nhưng tháng cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng. Trong xã, các xưởng may tư nhân, sản xuất trang sức cũng đã mọc lên, nhưng chỉ thu hút được những đối tượng phụ nữ không thể đi làm xa, lớn tuổi, với thu nhập từ bốn đến bốn triệu rưỡi/tháng. Chị Thu kể, ở trong những căn nhà trọ tồi tàn thiếu tiện nghi sinh hoạt cần thiết này, mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng như nung. Năm nào cả khu trọ cũng bị những trận dịch bệnh: sốt siêu vi, sốt xuất huyết hoành hành. Ốm không ai chăm sóc, các chị đành phải về quê mang theo ổ dịch về làng. Khu trọ be bé nhưng chứa lắm phận người. Tình hình an ninh trật tự phức tạp, có chị ki cóp nhịn ăn, nhịn tiêu dành dụm được số tiền chuẩn bị gửi về nhà thì trộm vào khoắng sạch. Người lên Hà Nội, để lại quê đứa con gái cho ông bà nội, đến khi nghe tin con gái học lớp 8 có thai, đành bỏ về chăm con cháu. Có chị phải vay tiền tín dụng đen để chồng trả nợ ở quê nhà, rồi lâm vào cảnh nợ chồng nợ.

Năm nay chị Thu đã gần 60 tuổi, có cháu ngoại rồi, chồng chị vẫn vò võ ở nhà chăm mẹ già yếu, nhưng chị vẫn chưa có ý định trở về. Chị bảo: Nhà vẫn còn mấy sào ruộng đang cho đứa cháu trong họ canh tác. Giờ trở về vẫn có ruộng cấy hái, nhưng lâu không làm, ngại lắm. Thôi! Còn sức còn đi làm thuê, bao giờ hết sức mới trở về làng…

Hơn 60% số phụ nữ lao động di cư có độ tuổi từ 15 đến 29; một phần ba phụ nữ di cư lần đầu tiên khi ở độ tuổi 15 đến 19. Hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình. 62% số phụ nữ lao động di cư đã có con cái, khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến. Phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ, chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.

Chỉ có khoảng hai phần ba lao động nữ di cư có hợp đồng lao động, số còn lại hoặc không có hợp đồng, hoặc là hợp đồng ngắn hạn. Thời gian làm việc trung bình: 9,6 tiếng/ngày, hầu như không có ngày nghỉ. Chế độ đãi ngộ nhiều bất cập. Tình trạng chậm trả lương, giữ lại lương, phạt tiền lương khá phổ biến. Gần một phần hai số phụ nữ lao động di cư bị mắng chửi tại nơi làm việc, gần 38% bị buộc làm thêm ngoài giờ.

Nguồn: Nghiên cứu của Tổ chức ActionAid Việt Nam về lao động nữ di cư ở Việt Nam - 2014.

nhandan.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video