Phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ công nghệ 4.0

18/12/2019
Các tổ, nhóm do phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý dần dần đã biết ứng dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh sản xuất, cải thiện kinh tế cho bản thân và cộng đồng. Thành công nhất trong áp dụng công nghệ mới là mô hình hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).
Giới thiệu sản phẩm mây tre đan của chị em hợp tác xã Bản Diềm

Ngày 17/12, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo đã chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ 4.0.  

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá, đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo và có kỹ năng kinh doanh tốt. Việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và internet tạo ra nhiều cơ hội cho họ trong mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Nổi bật nhất là Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move - gặp gỡ, kết nối, đồng hành và phát triển) được thực hiện trong dự án đã tạo điều kiện cho 784 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nhờ đó thoát nghèo. Ngoài các đối tượng thụ hưởng trực tiếp, có 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông.

Tại diễn đàn, nhiều phụ nữ tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... đã chia sẻ việc áp dụng công nghệ đã giúp họ thay đổi kinh tế gia đình. Là người tham gia dự án, bà Lang Thị Hoa - Chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho biết, bà được tiếp cận và cung cấp kiến thức về công nghệ 4.0 như công nghệ vận chuyển, ứng dụng internet quảng bá sản phẩm. Cách này giúp kết nối các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô kinh doanh sản phẩm. Hiện sản phẩm mây tre đan của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và Đức, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong bản.

Lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới là tâm huyết của tôi và chị em trong Tổ mây tre đan bản Diềm. Trải qua nhiều khó khăn, hiện sản phẩm của chúng tôi đã được xuất bán ra thị trường trong nước và nước ngoài như Đức, Pháp… Những đơn hàng là “trái ngọt” là động lực giúp chúng tôi tiếp bước trên con đường đã chọn.

Bà Lang Thị Hoa

Bà Lang Thị Hoa - Người sáng lập và là Chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm

Bản Diềm nằm sát biên giới Việt - Lào, cách trung tâm xã Châu Khê khoảng 10km, là nơi sinh sống của khoảng 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và Thổ. Sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản nên đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù vậy, nhưng người Thái ở bản Diềm lại luôn ý thức lưu giữ những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống mây tre đan đã có từ lâu đời. Thành viên trong tổ mây tre đan đều là những phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con tàn tật và người cao tuổi sinh sống tại bản Diềm. 

Bà Lang Thị Hoa nhận Bằng khen trong Chương trình Gala khởi nghiệp "Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng

Tháng 5/2018, bà Lang Thị Hoa được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen trong Chương trình Gala khởi nghiệp "Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng". Tổ mây tre đan bản Diềm được trao tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc về khởi nghiệp phát triển kinh tế bản làng.

Dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm "Không ai bị bỏ lại phía sau". Thông qua dự án này, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong hành trình tăng tốc giảm nghèo. 

 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video