Phần thưởng xứng đáng sau bục giảng dành cho tập thể nữ ĐH KHXH&NV TPHCM

21/10/2019
Ngày 20/10 năm nay có lẽ là ngày kỷ niệm đáng nhớ đối với tập thể nữ cán bộ, viên chức, lao động trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM). Bởi lẽ, các chị vừa vinh dự nhận được Giải thưởng PNVN năm 2019 do TƯ Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Giải thưởng ghi nhận những đóng góp của ngôi trường có hơn 60% là nữ này trong sự phát triển của xã hội và còn là “đòn bẩy” tinh thần giúp mọi người làm việc hăng say hơn.

"Nữ thuyền trưởng" tâm huyết

Nhắc đến Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM ai cũng nể phục bởi sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với nghề, sáng tạo trong công việc và là người có công lớn xây dựng tập thể nữ xuất sắc.

Là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường nên cô Phương Lan gặp nhiều áp lực giữa cân đối công việc và gia đình. Bản thân cô tự nhắc nhở phải gương mẫu, tiên phong để mọi người noi theo và không để việc riêng ảnh hưởng đến công việc chung. Ở góc độ gia đình, cô còn là người mẹ của 2 con đang tuổi ăn tuổi học và là người vợ như bao phụ nữ khác. Để giải quyết hài hòa giữa việc công và riêng, cô đã nhận về mình nhiều thiệt thòi, dành ít thời gian cho mình hơn, tạm gác những cuộc vui để tranh thủ về vun đắp “lửa” yêu thương cho gia đình. 

“Khi nhận vai trò quản lý, tôi thường xuyên chia sẻ với gia đình để mọi người thông cảm và hiểu nhau hơn. Có không ít những dịp hè, gia đình lên lịch cho các con đi chơi một vài hôm nhưng tôi lại có công việc đốt xuất. Tôi đã sắp xếp bằng cách đi họp trước và đến địa điểm hẹn với gia đình sau. Làm việc xong là tôi lên xe ra với các con ngay, bớt thời gian nghỉ ngơi của cá nhân để thu xếp êm xuôi cả công việc và gia đình. Khi đã nhận nhiệm vụ quản lý thì mình phải ưu tiên công việc trước nhưng sau đó phải tìm cách bù đắp cho gia đình”, cô Phương Lan chia sẻ.

 Ảnh minh họa

 Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM  Ngô Thị Phương Lan


Đối với các con, cô đã rèn luyện cho con thói quen tự lập và chủ động trong công việc. “Cha mẹ chỉ định hướng, tư vấn cho con khi con gặp vấn đề khó khăn. Tôi để con chủ động từ chọn trường chuyên hay không chuyên, đến chọn khối, phương tiện đi lại… Tôi theo dõi, giám sát để biết những thay đổi tâm sinh lý của con ở mỗi giai đoạn phát triển, để quan tâm, tư vấn kịp thời”, cô Phương Lan cho hay.

Tập thể thấu hiểu lẫn nhau

Từ những áp lực của bản thân, hơn ai hết Hiệu trưởng Phương Lan hiểu được nỗi vất vả đó, cô đã đồng cảm và thấu hiểu với từng cán bộ nữ, giảng viên nữ trong nhà trường. Từ đó, cô đã đề ra những chính sách thiết thực, tạo môi trường làm việc tốt cho chị em phấn đấu.  

Lớp dạy kỹ năng cho con cán bộ, giảng viên nhà trường vào dịp hè là một minh chứng cụ thể. Đầu hè, các giảng viên có con học cấp tiểu học hay THCS khá lo lắng về thời gian này. Bởi lẽ, đại học thường nghỉ hè trễ hơn so với các bậc học phổ thông 1 tháng. Hiểu được khó khăn đó nên nhà trường đã tổ chức những buổi dạy kỹ năng như vẽ, hát, trò chơi… cho các bé là con cán bộ trong trường, giúp các cha mẹ an tâm làm việc.

 Ảnh minh họa

 Hoạt động gắn kết với địa phương

Câu lạc bộ tiếng Anh dành cho các giảng viên cũng là một việc làm hay. Hoạt động này do Chi hội Nữ trí thức nhà trường đảm nhận. Ở đó, các cô có năng lực về ngoại ngữ sẽ giảng dạy, chia sẻ lại cho các giảng viên cần học. Câu lạc bộ rèn kỹ năng giao tiếp, tạo môi trường tiếng Anh thường xuyên để các cô giáo thực hành.

Vấn đề về sức khỏe cũng được quan tâm. Cô Phương Lan cho biết, giảng viên thường mắc bệnh về cột sống vì đứng lớp nhiều, nhất là các giảng viên nữ sau khi sinh con. Thấu hiểu được mối lo ngại đó, Chi hội Nữ trí thức đã tổ chức các buổi chia sẻ về các bệnh cột sống và cách chữa bệnh, mời những chuyên gia y tế đến trao đổi và mở rộng cho các giảng viên trong toàn trường tham gia.

Cô Nguyễn Anh Quân, giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cảm nhận: “Càng làm ở đây tôi càng thấy sự kết nối bền chặt với ngôi trường. Tôi vừa làm công tác quản lý vừa giảng dạy, khối lượng công việc cũng nhiều hơn nhưng tôi cảm thấy thích thú. Tôi có được môi trường để đóng góp, ngược lại phần công sức của mình cũng được ghi nhận xứng đáng. Nếu như mỗi ngày tới trường mà cảm thấy tâm trạng nặng nề thì không bao giờ gắn bó được. Nhờ những chính sách quan tâm đến chị em, những hoạt động bổ ích nên tinh thần ai cũng phấn khởi và đoàn kết hơn”.

Tự hào với Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam

Như cô Phương Lan từng chia sẻ: Trong bối cảnh xã hội hiện nay giữa giá trị cũ và mới đang giao thoa, người phụ nữ được quan tâm nhiều hơn, năng động, hiện đại và chủ động hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ràng buộc trong quan niệm truyền thống về gia đình. Nhiều chị em có năng lực nhưng khi chọn lên làm vị trí lãnh đạo hay kiêm nhiệm thêm các công việc khác thì họ buộc phải lựa chọn giữa công việc gia đình và công việc cơ quan. Thế nhưng, tập thể nữ cán bộ, viên chức, lao động của trường đã cùng nắm tay nhau xây dựng một tập thể vững mạnh, đóng góp to lớn trong sự phát triển chung cho xã hội và làm tròn trách nhiệm đối với từng gia đình riêng.

 Ảnh minh họa

 Hoạt động nghiên cứu của các nữ cán bộ, giảng viên luôn gắn liền với thực tế


Nhiều năm qua, tập thể nữ cán bộ, viên chức, lao động trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo nghiên cứu khoa học và đóng góp cho xã hội. Các hoạt động nghiên cứu không tách rời thực tế như: Đổi mới phương pháp giáo dục cho nhà trường trong chương trình giáo dục phổ thông; tư vấn cho chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ người dân truyền tải giá trị nhân văn vào sản phẩm; tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch đặt thù cho các địa phương; thu thập bảo tồn văn học, văn hóa học…

Nổi bật là chương trình tư vấn cho người dân huyện Cần Đước (Long An) về nâng cao giá trị 2 sản phẩm đặc thù là cải bẹ xanh và lạp xưởng. Hoạt động này của nhà trường giúp địa phương hoàn thành chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng nông thôn mới. Ở đó, các cán bộ nhà trường hỗ trợ người dân viết về các câu chuyện gắn với sản phẩm, giúp cho khách hàng sẽ nhớ đến món ăn đó và yêu vùng đất gắn với sản phẩm đó nhiều hơn. Ngoài ra, trường còn tư vấn cho địa phương về đa dạng hóa các sản phẩm, phối hợp với các cơ quan khác để hiện thực hóa ý tưởng về đa dạng hóa sản phẩm.

Ở lĩnh vực đào tạo, nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Là đơn vị dẫn đầu cả nước về việc thu hút hàng trăm sinh viên và học viên quốc tế từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến đến học tập, nghiên cứu dài hạn và ngắn hạn hàng năm.

Nhà trường thường xuyên chăm lo cho sinh viên đạt kết quả cao trong học tập. Ngoài học bổng khuyến khích học tập từ ngân sách Nhà nước, hằng năm còn huy động được hơn 20 chương trình tài trợ học bổng với hơn 1.000 suất, trị giá hơn 1 tỷ đồng/năm cho sinh viên. Phối hợp các doanh nghiệp đưa thông tin tuyển dụng, phỏng vấn các vị trí thực tập, việc làm bán thời gian, toàn thời gian đến sinh viên.

Với những thành tích đạt được, vừa qua tập thể nữ cán bộ, viên chức, lao động trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã nhận được Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019.

Cô Ngô Thị Phương Lan cho biết: “Khi nhận giải thưởng tập thể như vậy, chúng tôi rất tự hào. Trong hàng ngàn tổ chức tập thể nữ, ai cũng có thành tích xuất sắc nhưng trường tôi lại được chọn. Chúng tôi vui mừng khi những đóng góp được ghi nhận một cách xứng đáng”.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video