Nữ bác sĩ đầu tiên tham gia tổ cấp cứu trên không

25/06/2022
Mới đây, nữ bác sĩ Trần Thị Hải Anh cùng Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 đã kịp thời đưa bệnh nhân nguy kịch từ đảo Song Tử Tây về đất liền điều trị. Bác sĩ Trần Thị Hải Anh cũng là bác sĩ nữ đầu tiên tham gia Tiên tổ cấp cứu đường không của bệnh viện.
Bác sĩ Trần Thị Hải Anh kiểm tra tình trạng bệnh nhân tại bệnh xá đảo Song Tử Tây trong chuyến bay cấp cứu vừa qua.

Mới đây, Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp, kịp thời đưa bệnh nhân Phạm Hữu Nhân (sinh năm 1968) nguy kịch từ đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa về đất liền điều trị. Điều đặc biệt là tham gia tổ cấp cứu lần đầu tiên có một nữ bác sĩ là Trần Thị Hải Anh (26 tuổi), hiện đang công tác tại Khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.

Bệnh nhân Phạm Hữu Nhân (sinh năm 1968) đang làm nghề câu mực trên tàu cùng với các ngư dân khác tại khu vực gần đảo Song Tử Tây thì có biểu hiện mệt mỏi, ý thức chậm dần, không nói được, liệt nửa người phải, không đi lại được... Bệnh nhân được đưa vào bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa để cấp cứu. Thông qua hội chẩn bằng hệ thống Telemedicine cùng Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ nhận định bệnh nhân tiên lượng nặng, nguy cơ diễn biến phức tạp, nguy cơ suy hô hấp tiến triển, có thể tử vong nên đề nghị đưa bệnh nhân về đất liền điều trị. Trong quá trình hội chẩn này, bác sĩ Trần Thị Hải Anh cũng được tham gia.

Bác sĩ Hải Anh nhớ lại, ngay khi nhận được tin Bệnh viện Quân y 175 sẽ cử Tổ cấp cứu đường không ra đảo Song Tử Tây, chị đã xung phong được tham gia chuyến bay cấp cứu. Chia sẻ thêm về quyết định này, chị tâm sự rằng, bản thân rất ngưỡng mộ các y bác sĩ tham gia cấp cứu đường không, bởi đó không chỉ là sứ mệnh cao quý của người thầy thuốc cứu bệnh nhân mà còn góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, người dân đang làm việc và sinh sống nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với những suy nghĩ như vậy, Hải Anh đã ra sức trau dồi chuyên môn, rèn luyện sức khỏe, thường xuyên học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp đã và đang tham gia Tổ cấp cứu đường không của bệnh viện. Chị cũng đề đạt nguyện vọng, quyết tâm với lãnh đạo, chỉ huy Khoa Hồi sức tích cực và luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất đi cấp cứu biển đảo.

Cơ hội cũng đến với bác sĩ trẻ Trần Thị Hải Anh khi trường hợp cấp cứu bệnh nhân Phạm Hữu Nhân mới đây, chị được cấp trên tin tưởng cử tham gia. Tất cả đồ nghề, dụng cụ chuẩn bị rất nhanh, trong lúc chờ trực thăng đón tổ cấp cứu, bác sĩ Hải Anh cũng có đôi chút hồi hộp. “Lúc đó, tôi cảm thấy rất tự hào nhưng cũng có những lo lắng nhất định vì lần đầu tiên tham gia không biết có đảm đương được nhiệm vụ hay không, có bị say máy bay hay không, điều kiện cấp cứu có khắc nghiệt không… Dường như hiểu được điều đó, chỉ huy khoa cũng như các đồng nghiệp đi cùng đã động viên và truyền niềm tin tin cho tôi. Và thật sự, khi bước chân lên máy bay trực thăng, những lo lắng đã vơi dần đi”, bác sĩ Hải Anh chia sẻ.

Khi đến bệnh xá đảo Song Tử Tây, nhìn thấy bệnh nhân trước mặt, Hải Anh chỉ có một mối quan tâm duy nhất là phối hợp với đồng nghiệp nhanh chóng đánh giá tình hình, khẩn trương đưa bệnh nhân lên máy bay để đưa về đất liền. Bác sĩ Hải Anh cho biết: “Khi trước mắt mình là bệnh nhân đang chuyển biến xấu thì mọi suy nghĩ, lo lắng không còn nữa, chỉ có một quyết tâm là làm thật nhanh, thật chặt chẽ, tốt nhất có thể để giữ bệnh nhân được ổn định mọi mặt, cùng tổ bay đưa bệnh nhân về đất liền”.

Bác sĩ Hải Anh luôn theo dõi sức khỏe bệnh nhân trên máy bay trong quá trình bay từ huyện đảo Trường Sa về đất liền.

Bác sĩ Hải Anh cho biết thêm, do tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, khi máy bay lên cao áp suất giảm có thể làm nặng thêm phù não nên tổ cứu cấp đề xuất phi công bay thấp hơn bình thường để giữ ổn định các chỉ số cho bệnh nhân. Quãng đường bay về rất dài, lại vào ban đêm nhưng nữ bác sĩ trẻ không dám chợp mắt, luôn theo dõi sát sao các chỉ số của bệnh nhân. “Thật sự là, khi bệnh nhân được đưa xuống an toàn tại sân đỗ của tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, tôi mới thấy nhẹ người. Tuy vậy, đây mới là hoàn thành chuyến bay cấp cứu, việc điều trị cho bệnh nhân vẫn phải khẩn trương, tích cực” – bác sĩ Hải Anh nhớ lại.

Lần đầu tiên tham gia Tổ cấp cứu đường không, trực tiếp cùng đồng nghiệp cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân nguy kịch từ huyện đảo Trường Sa về đất liền là trải nghiệm khó quên đối với nữ bác sĩ trẻ Trần Thị Hải Anh. Thông qua chuyến cấp cứu cũng mang lại cho bác sĩ Hải Anh những kinh nghiệm chuyên môn hữu ích, nhất là bồi đắp thêm bản lĩnh, nghị lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm, hết lòng về người bệnh.

Bác sĩ Hải Anh tâm sự: "Tôi học hệ dân sự tại Học viện Quân y nên có thời gian thực tập năm cuối tại các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh. Môi trường làm việc đã giúp tôi quyết định đầu quân về Bệnh viện Quân y 175. Trong thời gian chờ đợi phân công về các chuyên khoa, tôi được đi luân khoa hồi sức, cấp cứu để bồi dưỡng thêm kiến thức. Tôi cũng được điều động vào Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175. Có lẽ thời gian trải nghiệm trước “cuộc chiến” với dịch Covid-19 đã cho tôi quyết định trở thành một bác sĩ hồi sức. Những chuyến bay cấp cứu sẽ giúp tôi vững tin vào con đường đã chọn, nỗ lực trong chuyên môn để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bộ đội và nhân dân”.

Tại Bệnh viện Quân y 175, bác sĩ trẻ Trần Thị Hải Anh luôn cần mẫn, nhiệt tình trong công tác chuyên môn.

Thượng tá, bác sĩ CKII Vũ Đình Ân, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 cho rằng, tinh thần, bản lĩnh, năng lực chuyên môn của bác sĩ Trần Thị Hải Anh là rất đáng ghi nhận. Đó cũng là điều khoa luôn bồi đắp, thôi thúc lực lượng bác sĩ trẻ luôn tin vào truyền thống bệnh viện, của khoa, vào năng lực chuyên môn, luôn vượt qua mọi thử thách, dám nhận việc khó, phức tạp để không ngừng tiến bộ. Mỗi chuyến bay cấp cứu biển đảo thành công góp phần tô thắm thêm hình ảnh của người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ tại Bệnh viện Quân y 175, cũng là mạch nguồn động viên bác sĩ trẻ luôn luôn cống hiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

qdnd

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video