Những thách thức trong thực hiện bình đẳng giới

21/12/2007
Theo đánh giá của UNDP năm 2006, chỉ số phát triển giới của Việt Nam đứng thứ 80/136, cao hơn nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Cho đến nay, Nhà nước ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ điều chỉnh về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại và giữa quy định của pháp luật với việc thực thi vẫn là một khoảng cách khá xa. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới trong thực hiện bình đẳng giới:

Làn sóng di cư nội địa trong nước đang không ngừng tăng lên
dưới sự tác động của quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá. Theo Báo cáo phát triển Việt Nam (2004), ước tính mỗi năm có 1 triệu người di cư đến các khu vực thành thị. Riêng năm 2003, 70% dân di cư vào thành phố Hồ Chí Minh là phụ nữ. Số liệu năm 2005 của Tổng cục Thống kê cho thấy người di cư thường ở độ tuổi trẻ: 66% nữ di cư và 60% nam di cư.

 

Phụ nữ thường gặp rủi ro khi xuất khẩu lao động: như bị bóc lột lao động, bị buôn bán, mại dâm… Theo ước tính của Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (2006), tỷ lệ lao động nữ đã tăng lên từ 28% (1992) lên 37% (2003) và 54% (2004).

 

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi người lao động không chỉ có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà còn phải có chuyên môn kỹ thuật bậc cao. Điều này là thách thức lớn nhất đối với phụ nữ ngành nông nghiệp, nông thôn hiện nay, bởi đa số lực lượng lao động nữ không có chuyên môn kỹ thuật xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: bất bình đẳng giới trong giáo dục, gánh nặng vai trò giới trong gia đình của người phụ nữ, hiện tượng “nữ làm, nam học”…

 

Vấn đề sức khoẻ: Lao động nữ hiện nay thường làm việc trong các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp định hướng xuất khẩu thường có thu nhập thấp, điều kiện làm việc và sinh sống không đảm bảo. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội bức xúc đang ngày càng nghiêm trọng như: quan hệ tình dục trước hôn nhân; số nam giới nhiễm HIV đang tiếp tục tăng, làm tăng nguy cơ lây bệnh cho vợ (theo UNIADS (2005), ước tính lên đến 70.000 phụ nữ (29.000 ở thành thị và 38.000 ở nông thôn) sống chung với HIV, gái mại dâm chỉ chiếm 14% trong số phụ nữ sống chung với HIV); tỷ lệ nạo phá thai cao và những nguy cơ về sức khoẻ; bạo lực gia đình với những hệ quả cho gia đình và xã hội… đã ảnh hưởng tới chất lượng sức khoẻ của người dân, đặc biệt là phụ nữ.

 

Buôn bán Phụ nữ trẻ em ra nước ngoài làm mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều địa bạn trong cả nước. Phụ nữ bị buôn bán thường là những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống ở vùng sâu vùng xa, ít hiểu biết, thiếu thông tin, trình độ văn hoá thấp, gia đình trắc trở…

 

Mất cân bằng giới tính trong lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất:Hiện nay trung bình lao động nữ chiếm 85.5% số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xuất với độ tuổi từ 18 - 30 là chủ yếu. Điều này dẫn đến khan hiếm “thị trường hôn nhân” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và sẽ kéo theo những hệ luỵ khác về xã hội.

 

Ngoài ra, những thách thức khác như định kiến giới, phân biệt đối xử với phụ nữ, … vẫn đã và đang tồn tại từ rất lâu trong nhiều lĩnh vực của đời sống, hạn chế sự phát triển của phụ nữ nói riêng và sự tiến bộ của xã hội nói chung. Hiểu được những thách thức, khó khăn đó, xã hội chúng ta cần phải tích cực chung tay kiên trì hành động, xoá bỏ bất bình đẳng giới, tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất để hai giới cùng phát triển và hội nhập.

Hoàng Anh (tổng hợp)
Dự án “Xây dựng mô hình giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới của Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video