Những tấm gương phụ nữ giản dị giữa đời thường

13/08/2020
- Bình Định: Bà Châu giữ nghề làm bún hủ tiếu truyền thống- Nam Định: Chị Hằng chủ xưởng may tạo công ăn việc làm cho 50 công nhân có thu nhập ổn định
- Nam Định: Chị Hằng chủ xưởng may tạo công ăn việc làm cho 50 công nhân có thu nhập ổn định
Bà Châu giữ nghề làm bún hủ tiếu truyền thống

-  Bình Định: Bà Châu giữ nghề làm bún hủ tiếu truyền thống

Bún hủ tiếu là món ăn ăn dân dã từ lâu đã quen với mỗi người dân Tây Sơn trong bữa ăn hàng ngày,  cũng là món ăn thông dụng trong dịp giỗ chạp của mỗi gia đình.           

Mặc dù là món ăn phổ biến, thông dụng nhưng nghề làm bún hủ tiếu lại không phổ biến trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện chỉ có rải rác vài hộ còn gắn bó với nghề này, trong đó có bà Nguyễn Thị Châu (64 tuổi) (thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). Gia đình bà Châu làm và duy trì  nghề làm bún hủ tiếu đã được trên 10 năm nay.

Bà Châu  chia sẻ để sản xuất ra 40kg bún hủ tiếu thành phẩm bán ra thị trường, người làm phải mất thời gian 2 ngày từ khâu nhào bột mì, tráng thành bánh, đem phơi ỉu, ủ bánh qua đêm, cắt thành sợi và tiếp tục phơi thêm nắng cho khô hẳn mới sắp xếp ngay ngắn, cột thành từng bó rồi bán ra chợ hoặc bỏ cho hàng quán. Trước đó phải qua công đoạn lọc, lắng bột mì sao cho thật sạch, thật trong, bột không còn vị chua mới làm ra bánh hủ tiếu đảm bảo chất lượng.

Bà Châu cho biết thêm, quá trình làm bún hủ tiếu thường không theo một công thức nhất định, dễ xảy ra sự cố trong lúc làm như hiện tượng lại bột, bột không đóng bánh, chảy nước… Lúc đó người làm phải dừng công đoạn tráng bánh để xử lý bột ổn rồi mới có thể tráng bánh tiếp. Đó cũng là một cái khó mà nhiều người trẻ không kiên nhẫn thì không làm được.

Hủ tiếu khô bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/kg, trừ chi phí người làm bún lãi từ 180 đến 200 ngàn đồng cho 40kg thành phẩm. Mọi công đoạn đều làm thủ công, tuy không nặng nhọc, thời gian ngắt quãng nhưng sản xuất bún hủ tiếu phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, đòi hỏi trời nắng ráo mới phơi được bún. Bên cạnh đó ,vì không dùng chất phụ gia, chất bảo quản nên không thể dự trữ bún trên 20 ngày. Với số lượng sản xuất ít, bún hủ tiếu của gia đình bà  Châu chỉ cung cấp cho người dân địa phương và một số chợ quen dùng trên địa bàn huyện.

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại bún hủ tiếu, một số loại bún hủ tiếu được sản xuất bằng máy, đóng bao bì, cắt gọn gàng, trắng trẻo đẹp mắt. Tuy nhiên những người sành ăn bún hủ tiếu như dân xã Bình Thuận vẫn chọn mua bún của nhà bà Châu.

Chị Đào Thị Thu ở xã Bình Thuận cho biết, mấy loại bún khác mua về xào không ngon. Có loại phải luộc qua nước sôi, rồi xào bị vón cục, hoặc sần sật, màu đục, có lúc bị bở không ngon như bún hủ tiếu của bà Châu làm. Dân Bình Thuận quen rồi, đám, tiệc gì cũng mua bún hủ tiếu của bà Châu sản xuất, nấu  ăn mới ngon được.

Giữa thị trường có quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn được làm đẹp, bảo quản bằng các chất phụ gia, hóa chất ít nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, để giữ nghề và tồn tại bằng những sản phẩm truyền thống, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng như gia đình của bà Châu là rất đáng khích lệ và nhân rộng hơn nữa trên địa bàn.

- Nam Định: Chị Hằng chủ xưởng may tạo công ăn việc làm cho 50 công nhân có thu nhập ổn định

Lập nghiệp từ nguồn vốn vay tín dụng hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Chị Trần Thị Hằng đã gây dựng nên xưởng may rộng lớn nhất, nhì khu vực xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu như hiện nay. Xưởng may của chị cũng tạo việc làm thường xuyên cho  50 công nhân có thu nhập bình quân từ 4,5 -6 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm gia đình chị trừ chi phí thu về gần 300 triệu đồng.

Năm 2017, chị Hằng bàn với chồng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội và quỹ TYM với số tiền gần 100 triệu đồng đầu tư vào trang bị nhà xưởng, máy móc, tìm kiếm nguyên liệu và nhân công lao động.

Không thụ động chờ khách hàng tìm đến, chị Hằng tích cực tìm đến khách hàng, trực tiếp liên hệ để nhận gia công lại hàng cho cho các công ty ... Nhờ siêng năng, cần cù, trách nhiệm với công việc và sự hỗ trợ đào tạo công nhân, thợ kỹ thuật của Hội Phụ n, chị đã cải tiến mẫu mã, đa dạng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu các đơn hàng dù là khách hàng khó tính nhất cũng hài lòng tạo được uy tín với khách hàng.

Xưởng may của gia đình chị Hằng

Khi cuộc sống đã dần đi vào ổn định, xưởng may của chị đã cho thu nhập tích lũy, chị chuyển sang nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm cho riêng mình, chị lựa chọn đưa ra thị trường chuyên về đồ lót nam, nữ. Khởi đầu là thị trường trong huyện với số lượng mỗi ngày vài chục đến vài trăm cái và giờ đây lên đến gần 10.000 cái mỗi ngày không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác như: TP Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Hằng tâm sự:  “Ngày đầu chưa quen sản phẩm gia công cho các công ty thì bị trả về bởi  mẫu mã, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu đơn hàng, nguồn hàng thì không ổn định… công nhân lành nghề, nhân công kỹ thuật cao thì khó tìm nản lắm, trong lúc chấp chới được Hội phụ nữ huyện Hải Hậu, Hội phụ nữ xã Hải Hòa giới thiệu với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GĐTX của huyện, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh Nam Định mở lớp đào tạo lại  tay nghề, dạy mới cho lao động địa phương. Sau học nghề, các học viên được cấp chứng chỉ và nhận vào việc làm. Sản phẩm của xưởng may gia đình ngày càng có uy tín, đã có rất nhiều cơ sở đến đặt hàng với số lượng lớn”. Hiện nay xưởng may của của chị Hằng có 40 máy may và các máy chuyên dụng khác và tạo việc làm thường xuyên cho 50 chị em với mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/ người/ tháng. 

Những kết quả đạt được của chị Trần Thị Hằng là một minh chứng khẳng định việc vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhà nước đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình là hướng đi đúng trong vượt khó thoát nghèo, bên cạnh đó chị còn là tấm gương lan tỏa trí ý, nghị lực vươn lên.

Chị Phạm Thị Liễu - Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Hòa chia sẻ: Gia đình chị Trần Thị Hằng không chỉ biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng mà còn tạo được việc làm bền vững cho lao động địa phương, giúp những hộ đang có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo.

  

Nguyệt Ánh (TT VHTTTT Tây Sơn), Lê Thi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video