Nhìn nhận về năng lực của phụ nữ tham chính thay đổi qua những “lần đầu tiên”

20/07/2020
Lần đầu tiên Việt Nam có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội và gần đây là nhiều vị trí quan trọng khác. Những con số về tỷ lệ phụ nữ tham chính hiện tại tưởng như là một sự đột phá so với giai đoạn trước nhưng thực chất đó chỉ là sự trở lại với vai trò, vị trí vốn có của phụ nữ Việt.
Bà Nguyễn Thị Hương, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Nhiều nền văn minh của nhân loại bắt đầu bằng huyền sử với những vị nam thần uy nghi lẫm liệt, có sức mạnh thần thánh hô phong hoán vũ ban phát ân uy. Nhưng huyền sử Việt Nam lại bắt đầu bằng những câu chuyện mà ở đó có vai trò rất lớn của người phụ nữ. Mẹ Âu Cơ với truyền thuyết trăm trứng để rồi sinh trăm người con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng, bắt đầu đại gia đình Việt với cả trăm chi tộc.

Cùng với quá trình dựng nước, giữ nước, người phụ nữ Việt tiếp tục để lại những dấu ấn đậm nét không thể phủ nhận trong văn hóa, trong đời sống, đặc biệt trong những công việc cần đến trí tuệ, sức mạnh, nhất là cái uy thu phục lòng người: cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm dựng nền độc lập. Hai Bà Trưng, Bà Triệu cùng với những nữ tướng của mình mãi là dấu son không thể phai mờ trong lịch sử.

Gần 2.000 năm, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Trung Hoa với hạt nhân là tư tưởng Nho giáo phong kiến đã phần nào lấn át, áp đặt những khuôn phép vào đời sống của người Việt và kiềm tỏa người phụ nữ trong vòng lễ giáo khuôn phép nhưng đây đó vẫn có những nữ sĩ, những liệt nữ nổi lên trong nhiều lĩnh vực được mặc định "chỉ dành cho nam tử đại trượng phu".

Chế độ phong kiến qua đi, một trong những việc đầu tiên cách mạng đã làm là giải phóng phụ nữ và từ đây phụ nữ Việt từng bước lấy lại vai trò, vị thế vốn có của mình, dẫu rằng con đường gạt bỏ những định kiến, những suy nghĩ cũ, những tàn dư vẫn gian nan, nhọc nhằn và đòi hỏi thời gian nhất định.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, công tác bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng với vai trò hạt nhân là Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ đã có những bước tiến rõ rệt.

Và trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã chứng kiến những kết quả chưa từng có của phụ nữ trong lĩnh vực có ý nghĩa quyết định hàng đầu đối với bình đẳng giới: tham chính. Lần đầu tiên Việt Nam đã có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội- một trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đồng thời cũng là nơi hoạch định, phê chuẩn, giám sát việc thực hiện các chính sách của quốc gia. Cũng lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến có 8 nữ Bí thư tỉnh ủy - những người đứng đầu các địa phương (gồm: Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Yên Bái, An Giang).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Bà Nguyễn Thị Hương là nữ Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Thống kê. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Gần đây, vào đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Bà Nguyễn Thị Hương là nữ Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Thống kê. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan ở nước ta cũng lần đầu tiên có nữ đảm nhận những vị trí quan trọng như: Bộ Công thương có nữ Chánh văn phòng đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần đầu tiên có nữ Phó Giám đốc; Đà Nẵng lần đầu có nữ trưởng công an quận... Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền trong việc coi trọng công tác cán bộ nữ, vai trò của phụ nữ. Qua đó cũng chứng minh phụ nữ đã tự vươn lên để khẳng định mình, đồng thời làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng về năng lực của phụ nữ tham chính.

Không chỉ dừng ở những chức vụ quan trọng, chất lượng hoạt động tham chính của phụ nữ đã có những thay đổi đáng kể. Đơn cử, hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội trong những khóa gần đây, theo thống kê từ các kỳ họp Quốc hội từ năm 2016 đến nay, khoảng 23% ý kiến thảo luận về kinh tế-xã hội ở nghị trường thuộc về các nữ đại biểu. Hoạt động tích cực của đại biểu trong nhiệm kỳ nào cũng để lại những dấu ấn với Quốc hội và với cử tri. Trong khóa XIII, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất xây dựng Luật về đại biểu Quốc hội. Sang khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất xây dựng Luật Hành chính công và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho triển khai nghiên cứu, thành lập Ban soạn thảo. Dự án Luật Hành chính công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 27 (sáng 11/9/2018).

Ở những lần đầu tiên kể trên, cảm xúc thật đặc biệt, với cả nam giới và nữ giới, mang lại cho chúng ta niềm hứng khởi, sự tin tưởng ngày càng rõ hơn rằng, phụ nữ Việt Nam có thể tham gia bất cứ lĩnh vực nào và đảm nhận bất kỳ vị trí nào. Đó cũng là phù hợp với xu thế chung của thế giới khi vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị không ngừng được nâng cao, thể hiện không chỉ ở số lượng mà còn ở chất lượng, năng lực và uy tín.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video