Người phụ nữ dân tộc S’tiêng giúp chị em khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống

05/09/2022
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, chị Thị Chon (35 tuổi, dân tộc S’tiêng, tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn vay vốn làm ăn và đã thành công. Đặc biệt, chị còn hỗ trợ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Chị Thị Chon (trái) đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế

Xã Thanh An (huyện Hớn Quán, tỉnh Bình Phước) có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, gồm các dân tộc: S'tiêng, Kinh, Khơ Me, Tày, Nùng, Hoa, Mường, Thái, Cao Lan... Người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% so với tổng số hộ dân toàn xã.

Là Chi hội trưởng phụ nữ ấp Phùm Lu - Tư Ly, xã Thanh An, vào tháng 7/2021, chị Thị Chon (35 tuổi, dân tộc S'Tiêng) rất mong muốn có nguồn vốn để làm ăn, phát triển kinh tế giúp cho gia đình ổn định cuộc sống, từ đó có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học và có thời gian tham gia công tác xã hội, cống hiến công sức cho địa phương.

Nắm bắt được nguyện vọng của chị Thị Chon, Hội LHPN huyện Hớn Quản cùng Thường trực Hội LHPN xã Thanh An đã tiến hành khảo sát thực tế hoàn cảnh gia đình của chị, nhận thấy chiều hướng khả quan, phù hợp với Đề án 01-ĐA/HU của Huyện ủy Hớn Quản về "Đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ấp, sóc, khu phố, tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng", nên sau khi khảo sát, Hội LHPN huyện đã quyết định tiến hành giải ngân hỗ trợ chị Thị Chon với số vốn 30 triệu đồng (không hoàn trả).

Sau một thời gian bỏ nhiều tâm huyết, công sức chăm sóc thì 4 con dê giống của chị Thị Chon đã sinh sản, nhân giống lên thêm 9 con.

Đề án 01 của Huyện ủy Hớn Quán cũng đã được Hội LHPN huyện Hớn Quản cụ thể hóa bằng mô hình "Heo đất Hớn Quản - Đồng hành cùng hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" với mục đích thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, kịp thời giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội; bên cạnh đó còn hỗ trợ nguồn vốn để phụ nữ khởi nghiệp.

Với đặc điểm là vùng thuận lợi trong phát triển chăn nuôi dê, nhất là nguồn thức ăn phong phú nên nuôi dê hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác nên chị Chon đã quyết định đầu tư nuôi dê. Với số tiền 30 triệu đồng, chị Chon cùng chồng bắt tay vào tu sửa lại chuồng trại hết một nửa số vốn, số tiền còn lại chị mua được 4 con dê giống.

Chuồng trại nuôi dê được chị Chon dựng lên công phu, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Ngoài việc tận dụng các loại lá như lá mít, lá xoan trong vườn nhà, chị còn trồng thêm cỏ để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho dê. Dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, chị tuân thủ vấn đề vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ nên bầy dê sinh trưởng và phát triển nhanh.

Chia sẻ, hỗ trợ với chị em phụ nữ khó khăn

Sự cố gắng, cần cù và khéo léo của chị Thị Chon được đền đáp khi bầy dê khỏe mạnh và ngày càng phát triển. Sau một thời gian bỏ nhiều tâm huyết, công sức chăm sóc thì 4 con dê giống của chị đã sinh sản, nhân giống lên thêm 9 con.

Từ những thành công bước đầu, chị Chon đã thực hiện ý tưởng nhân rộng mô hình trao tặng dê giống để giúp đỡ những trường hợp khác được chị nung nấu từ lâu. Chị Chon đã đề xuất Thường trực Hội LHPN xã Thanh An và Hội LHPN huyện Hớn Quản nhân rộng hiệu quả từ nguồn hỗ trợ của đề án.

Đại diện Chính quyền, Hội phụ nữ chứng kiến buổi trao cặp dê giống cho hội viên phụ nữ khó khăn.

Qua khảo sát, vừa qua, chị Thị Chon đã trao tặng cặp dê giống có cân nặng 15kg/con, tổng trị giá khoảng 4 triệu đồng cho chị Thị Gái (56 tuổi) – là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Được biết, ý tưởng hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn của chị Chon sẽ tiếp tục được thực hiện khi 4 con dê giống ban đầu đang mang bầu đợt hai. Đặc biệt, ý tưởng sẽ càng có điều kiện được lan tỏa khi trước đó, Hội LHPN xã Thanh An cũng đã thành lập mô hình "Chăn nuôi dê của hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số" và chị Chon là chủ nhiệm của mô hình.

Theo Hội LHPN huyện Hớn Quản, với ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương và truyền thống gia đình cách mạng, chắc rằng chị Thị Chon sẽ thành công với hướng đi mới, mô hình mới. Chị Chon là điển hình phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ thời đại mới với tinh thần dám nghĩ dám làm, khởi nghiệp vươn lên, làm lan tỏa tinh thần chung tay vì cộng đồng, phát triển quê hương.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video