Nghệ An làm theo lời Bác dặn về quyền bình đẳng

07/01/2020
Thực hiện quyền bình đẳng là mục tiêu, là động lực quan trọng, xuyên suốt, gắn với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, giải phóng phụ nữ, mang lại quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ được Bác đặc biệt quan tâm.
Những hình ảnh Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An (Tư liệu)

Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân, bản bổ sung năm 1968 có đoạn: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Quyền bình đẳng đối với phụ nữ được Bác đề cập xuyên suốt, thành hệ thống quan điểm đầy đủ và thống nhất. Theo Bác: Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Thực hiện đấu tranh giải phóng dân tộc là để giành quyền lợi về phía phụ nữ, bởi vì, dân tộc chưa độc lập thì quyền lợi của phụ nữ chưa được giải phóng, quyền phụ nữ gắn liền với quyền dân tộc, quyền của giai cấp và quyền của con người. Theo đó, thực hiện tranh quyền cho phụ nữ là giành quyền toàn diện về chính trị, tư tưởng, xã hội, giúp cho chị em được giảm nhẹ gánh nặng đôi vai và giảm thiểu cường độ lao động về chân tay. Người chủ trương đào tạo phụ nữ trẻ trở thành những công dân mới xã hội chủ nghĩa, vừa biết lao động chân tay, vừa biết lao động trí óc, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ học văn hóa, khoa học - kỹ thuật, nâng cao trí thức, tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ đất nước. Đây có lẽ là định nghĩa đầy đủ, dễ hiểu nhất về quyền bình đẳng đối với phụ nữ.

Đối với phụ nữ Nghệ An, qua 2 lần Bác về quê, qua những bức thư Bác gửi cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh, Bác luôn dành cho các tầng lớp phụ nữ từ cụ già, em nhỏ đến phụ nữ nông dân, công nhân, đến nữ thanh niên xung phong, hay các em học sinh sự thăm hỏi ân cần, sự động viên và những lời căn dặn phụ nữ phải cố gắng vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất để không ngừng phát triển và tiến bộ.  

50 năm qua, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, Đảng bộ và chính quyền và nhân dân Nghệ An luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ, được đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý để cống hiến và trưởng thành. Hội LHPN tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc vì sự tiến bộ của phụ nữ, mang lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.

Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò nòng cốt, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng phát triển; tích cực tham mưu cho Đảng triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kỳ mới; tuyên truyền, giáo dục Luật bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu cho Đảng nguồn cán bộ nữ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tính đến cuối năm 2017, có 108 nữ/649 tiến sỹ chiếm 16,6%; có 1.497 nữ/3.088 thạc sỹ, chiếm 48,5%; có 65.801 nữ/133.336 người có trình độ đại học chiếm 49,3%; có 41.286 nữ/78.117 người có trình độ cao đẳng, chiếm 52,85%; có 52.783 nữ/129.352 người có trình độ trung cấp, chiếm 40,8%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2016-2020: cấp tỉnh 11,3%; cấp huyện là 16,66%; cấp xã 20,6%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 30,8%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 27,5%; cấp huyện 29,2%; cấp xã 28,1%.

Cùng với đó, thông qua hoạt động giám sát, Hội đã có nhiều ý kiến đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng về các giải pháp khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện quyền bình đẳng vẫn còn những hạn chế và thách thức. Trong đó, nhiều vấn đề xã hội đặt ra hiện nay liên quan trực tiếp đến phụ nữ vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả như: nạn xâm hại, bạo hành phụ nữ, mua bán phụ nữ, mua bán bào thai, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phụ nữ tham gia đề, hụi, phụ nữ bị kích động, lôi kéo, xúi dục... Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ vẫn còn tư tưởng tự ti, an phận; hoặc thỏa mãn, bằng lòng không muốn phấn đấu.

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn quyền bình đẳng, cần thực hiện các giải pháp sau.

Xác định bình đẳng đối với phụ nữ là cuộc cách mạng to và khó. Bác nói:  "Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”(). Giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó khăn vì trọng nam, khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại, nó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội không thể dùng vũ lực để đấu tranh. Để thực hiện cuộc cách mạng này, phải có sự tiến bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật. Để quyền bình đẳng trở thành hiện thực, phải biến ý thức tôn trọng phụ nữ thành nếp sống đạo đức của mọi người, cần phải có sự nỗ lực hết sức to lớn của toàn dân nói chung và của tất cả phụ nữ nói riêng.

Từ nhận thức đó cần tuyên truyền sâu, rộng, hiệu quả để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền bình đẳng đối với các cấp, các ngành, nhất là đối với cấp ủy đảng trong chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến quyền bình đẳng của phụ nữ. Hội HLPN, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cần thực hiện tốt công tác phản biện, góp ý văn bản, đảm bảo yếu tố lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ địa phương. Thường xuyên có sơ, tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản liên quan đến bình đẳng giới, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập, được bồi dưỡng, được nâng cao trình độ, tạo cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện và có đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của mỗi gia đình, cho cả nam giới và nữ giới về bình đẳng giới, về quyền phụ nữ, xóa bỏ mọi hành động phân biệt đối xử, bạo lực đối với phụ nữ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng dân tộc thiếu số.

Đối với bản thân phụ nữ phải tự mình cố gắng học tập nâng cao trình độ, nhất là những mặt còn hạn chế để tự khẳng định mình, phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ty, “ngồi chờ Chính phủ chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình”.

                                                                                                    

Hoàng Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video