Nâng niu hạnh phúc gia đình từ những điều nhỏ nhất

25/06/2022
Mỗi gia đình, mỗi người luôn biết vun vén cho tổ ấm của mình bằng nhiều cách khác nhau, để cuối cùng đều hướng đến giá trị của sự hạnh phúc.
Gia đình chị Chung vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.

Mỗi ngày dành 1 giờ không sử dụng điện thoại

Chị Trương Thị Kim Chung, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú hiện đang sống trong gia đình có 3 thế hệ, gồm ông bà, vợ chồng chị và con.

Ông bà lớn tuổi, có niềm vui của người lớn tuổi. Chồng và con của chị có công việc ổn định. Chị Chung vừa làm công tác quản lý, vừa làm giáo viên tại Nhóm trẻ Đan Vy. Công việc gần như chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày của mỗi người.

Chị Chung chia sẻ: “Biết rõ điều bản thân cần, các thành viên khác cũng cần nên chúng tôi không bắt buộc ai bỏ hết công việc khi trở về nhà. Quan trọng là chúng tôi đều biết điểm dừng để quay về với gia đình của mình. Ví như việc sử dụng điện thoại, gia đình tôi ngầm qui định với nhau, mỗi tối dành ra 1 giờ không dùng điện thoại, thay vào đó chúng tôi sẽ cùng nhau ăn cơm, xem ti vi, chuyện trò”.

Đồng tình với chị Chung về việc sử dụng thiết bị thông minh một cách thông minh, anh Lê Thanh Lâm, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú cho biết: “Tôi đã kết nối gia đình mình bằng “nhóm chát gia đình”. Nơi đó, mỗi ngày các thành viên sẽ gửi tin nhắn yêu thương, động viên nhau. Ai đi đâu, làm gì hay có điều gì vui sẽ chia sẻ lên nhóm. Ngày nào im ắng, tôi gửi lại tấm ảnh gia đình, khoảnh khắc vui vẻ bên nhau làm lý do cho cuộc trò chuyện. Nhờ vậy, mà mọi người gắn kết với nhau nhiều hơn”.

9 nguyên tắc khi “tranh luận” vợ chồng nên nhớ

Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Trí - Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM - mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề "Xây dựng gia đình hạnh phúc" (do Hội LHPN Q.3 và các đơn vị phối hợp tổ chức ngày 24/6) bằng câu chuyện “Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng của cuộc sống gia đình?”.

Buổi nói chuyện chuyên đề dành cho cán bộ hội viên, công đoàn viên Q.3

Theo Tiến sĩ Trí, khủng hoảng cuộc sống gia đình với mỗi cặp vợ chồng dù có khác nhau nhưng vẫn có những đặc điểm và nguyên nhân tương tự. Đó là khủng hoảng do mở rộng gia đình khi có thêm thành viên là con dâu hay con rể, trước và sau khi sinh con, mất việc, bệnh tật, tâm lý… Dù trong bất kỳ khủng hoảng nào, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách phù hợp để thoát khỏi tình huống này và duy trì mối quan hệ ngay cả trong tình huống vô vọng.

Bên cạnh các yếu tố khủng hoảng thì chuyện bất hòa, mâu thuẫn cũng dễ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Mâu thuẫn đó có thể chia thành 3 nhóm: mâu thuẫn trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, về cách nuôi dạy con, nhu cầu chi tiêu.

Những mâu thuẫn đó đôi lúc đơn giản, có khi là ai đó sử dụng vật dụng không đúng theo hướng dẫn hoặc làm biếng làm việc nhà, giữ thói quen cũ, thích vui chơi cùng bạn bè, thích nghe nhạc ồn ào ảnh hưởng đến người xung quanh. Trong nuôi dạy con cũng vậy, đôi khi người vợ/chồng không hài lòng cách dạy con của nhau. Chi tiêu gia đình không biết tiết kiệm, hỗ trợ tiền cho gia đình hai bên… cũng dẫn đến mâu thuẫn.

Có những mâu thuẫn dù nhỏ nhưng nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ có nguy cơ làm “rạn nứt” tình cảm, thậm chí là đổ vỡ gia đình. Để giải quyết tất cả điều trên, Tiến sĩ Trí chỉ ra 9 nguyên tắc khi tranh luận mà vợ chồng nên nhớ. Đó là: không xúc phạm; không hở ra là đòi ly hôn; không tự suy diễn; không gọi nhau là “mày, tao”; không đem chuyện cũ ra nói; không cãi nhau trước mặt con; không đem ba mẹ hai bên ra nói; không sử dụng chân tay; không đem khuyết tật của nhau ra dè bỉu.

Ông còn hóm hỉnh cho lời khuyên: “Mỗi khi chúng ta tranh cãi nên uống một ngụm nước để làm dịu cơn tức giận. Hãy sống đơn giản, lấy nụ cười làm căn bản”.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video