Nắm bắt cơ hội và lợi ích từ công nghệ số cho phụ nữ khởi nghiệp thành công

10/08/2020
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi một cách sâu rộng và toàn diện trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các hoạt động kinh tế được thúc đẩy và phát triển dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa, dịch vụ được dễ dàng hơn.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (áo dài xanh sẫm, thứ hai trái ảnh qua) tham dự Ngày hội "Phụ nữ Hải Phòng kết nối - sáng tạo" với 25 gian hàng và hàng trăm sản phẩm tiêu biểu của các đơn vị thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Hải Phòng (nguồn ảnh: VOV.vn)

Bối cảnh đó đã tạo ra những thời cơ, thuận lợi to lớn; đồng thời theo đó cũng là không ít khó khăn, thử thách đối với doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng trong tiếp cận và bước vào nền kinh tế số.

Thời cơ to lớn  

Ở Việt Nam hiện có 43,7/97,4 triệu dân đang sử dụng các thiết bị di động thông  - smart phone (khoảng 44,9%) cho nhiều hoạt động khác nhau, từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông đến quản lý khách hàng.... Vì vậy, với nền tảng công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh, tối ưu quy trình, phương thức sản xuất dẫn đến giảm chi phí và tăng năng suất lao động, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.

Đồng thời, với nền tảng công nghệ mới, phụ nữ có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn. Theo “Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chương trình Aus4Reform và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, có tới 68,6% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh. Điều đó nói lên, phụ nữ có đầy đủ năng lực và trình độ để tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới. Số liệu thực tế cho thấy, 40% số trang trên Facebook do phụ nữ sở hữu và có tốc độ tăng trưởng lên tới trên 60% một năm (theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu thị trường Development Economics và YouGov thực hiện trong năm 2017 với 2.000 mẫu khảo sát trực tuyến dành cho người trưởng thành), đặc biệt, tại Việt Nam, số lượng trang Facebook do nữ doanh nghiệp sở hữu tăng 2,6 lần so với năm 2016. Điều này đã chứng minh, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đã biết thích nghi kịp thời, tận dụng các cơ hội của nền kinh tế số để phát triển và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm và có các hành động kịp thời nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát triển nền kinh tế số. Cụ thể, nhiều Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với mục tiêu và 12 giải pháp được đánh giá là đột phá; gần đây nhất là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó đề ra các chiến lược, chính sách về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đẩy mạnh phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, viễn thông...

Đặc biệt, trong quá trình triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/06/2017), Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, coi kỹ thuật công nghệ là những công cụ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, Hội đã kết hợp với sáng kiến “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” do Google khởi xướng nhằm cung cấp các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao; Tổ chức các hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế về doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số.

Thách thức không nhỏ

Tuy nhiên, hiện nay, phụ nữ khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng gặp không ít thách thức trong quá trình tham gia vào nền kinh tế chuyển đổi số. Nhiều phụ nữ khởi nghiệp không có nền tảng về khoa học kỹ thuật; lực lượng lao động nước ta hiện nay còn thiếu hụt về kỹ năng và năng lực chuyên môn khoa học công nghệ. Mặt khác, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 99% trong tổng số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đa số các doanh nghiệp này vẫn chưa tìm được cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng Internet, chưa cung cấp các trải nghiệm thương mại di động, thậm chí chưa triển khai thương mại điện tử. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất cũ, lạc hậu, nhân công chất lượng thấp. Theo một điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do nữ làm chủ có trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp là nhập khẩu. Ngoài ra, về mức độ sẵn sàng để đón làn sóng công nghệ số của các doanh nghiệp, Việt Nam chỉ đứng thứ 85 trên 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cho đến nay việc số hóa của các DNNVV còn chậm bởi những thách thức như: Thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; Cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; Thiếu chuyên môn, kỹ thuật nội bộ; Xã hội vẫn còn thói quen dùng tiền mặt; và lo lắng về vấn đề bảo mật.

Đón cơ hội và lợi ích từ công nghệ số

Từ những vấn đề đã nêu trên, một số gợi ý cho phụ nữ khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để vượt qua những thách thức và đón nhận cơ hội của chuyển đổi số như sau:

Một là, mỗi doanh nghiệp cần phải hiểu rõ rằng“Số hóa không phải là một lựa chọn mà là một nhu cầu tất yếu, không phải là một khoản chi phí mà là một khoản đầu tư”. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng dịch Covid-19, “có rất ít hoặc không có sự lựa chọn nào ngoài việc chuyển đổi số, đặc biệt là khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể sẽ tồn tại trong một thời gian hoặc cần phải được tái áp dụng” - ông Denis Hew, Giám đốc Đơn vị hỗ trợ chính sách Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khẳng định trong báo cáo "Hỗ trợ số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong bối cảnh Covid-19".

Hai là, tham gia đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, có các kỹ năng quan trọng như kỹ năng sáng tạo và đổi mới, dịch vụ khách hàng, đồng thời doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nâng cấp các quy trình, phát triển văn hóa để đáp ứng với mô hình kinh doanh mới.

Ba là, thay đổi tư duy lãnh đạo, đổi mới và sáng tạo, chủ động xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào thời kỳ công nghệ, vượt qua mọi thách thức và rào cản; đón nhận những cơ hội và lợi ích mà công nghệ số mang lại.

Tóm lại, phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu của mỗi doanh nghiệp, trong đó bao gồm gần 1/4 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đây chính là nền tảng cho nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức, từ đó tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Phan Hạnh, Ban Kinh tế TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video