Mô hình du lịch sinh thái của người phụ nữ 23 năm bỏ phố về rừng

07/01/2020
23 năm bỏ phố về rừng, trải qua quá trình từ nhận thức, học hỏi, nghi vấn tới thay đổi tư duy, chị Nhật Trang – chủ nhân của Nhật Trang farmstay (Hàm Tân, Bình Thuận) đang thực hiện kế hoạch gây dựng lại cánh rừng đa tầng sinh thái cùng nhiều việc làm ý nghĩa khác để góp phần bảo tồn tính nguyên sơ của thiên nhiên.
Chị Nhật Trang - chủ nhân Nhật Trang Farmstay

Năm 1997, khi đang làm Giám đốc một công ty chuyên về xuất nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh, chị cùng chồng quyết định tham gia dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc với rừng chuyên canh cao su trên diện tích 50ha tại khu vực Hàm Tân, Bình Thuận. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị cho rằng đó như một thiên định: “Có nhiều người hỏi vì sao bỏ phố lên rừng, với mình việc này xuất phát từ niềm đam mê nhiều hơn. Chính vì sự đam mê đó mà khi bước vào sự bao la của đất trời, tại thời khắc ấy, mình đã hình dung, hoạch định tương lai của mình hình như là ở đây rồi”, chị Trang bồi hồi nhớ lại.

Bằng tất cả niềm đam mê, tài lực, trí lực cùng bao mồ hôi công sức với những đêm ngủ ở lán trại giữa rừng, những ngày nắng gắt chạy xe Sài Gòn – Bình Thuận sớm đi tối về… sau nhiều năm, vợ chồng chị cũng đã hoàn thành dự án 50ha chuyên canh rừng cao su. Thế nhưng cũng đã có những sai lầm, rất nhiều sai lầm! Chị Trang tâm sự: “Mình khởi đầu với niềm say mê rừng, kèm theo đó là sự thiếu hiểu biết cùng nhiều mơ hồ. Vì những định kiến, ràng buộc nên buộc lòng phải làm môi trường chuyên canh cao su. Mình thực sự rất yêu quý rừng cao su vì nó nuôi sống mình và nhiều người để có thể tiếp tục đi trên quãng đường dài nhưng quả thực đã có những sai lầm. Quá trình làm là quá trình nhận thức, học hỏi và nghi vấn cho những điều mình làm, và mình đã có lỗi, đã có lúc mình bỏ xuống đây rất nhiều thuốc diệt cỏ để có thể tạo ra một cánh rừng chuyên canh”.

Và không biết tự lúc nào trong chị đã có suy nghĩ về việc phục hồi rừng, tạo ra môi trường rừng mới; dự định này hoàn toàn không có thời điểm cụ thể bởi đó là quá trình tư duy thay đổi nhận thức.

Năm 2014, chị bắt tay vào hành động và việc đầu tiên là tìm kiếm, phục hồi các cây thuốc quý. Chị gây dựng một khu vườn bảo tồn các cây thuốc nam và bắt đầu không sử dụng thuốc diệt cỏ, giảm phân vô cơ, cắt cỏ ủ phân, trồng đậu nhiều hơn để tái tạo lại đất. 

Kế hoạch của chị là thay đổi rừng dựa trên nền tảng của rừng cao su hiện nay và đã dành những phần rất lớn đất đai chuẩn bị quy hoạch lại để có thể tạo ra cánh rừng đa tầng sinh thái với tầng cao gồm những cây cao 20-30 mét, tầng trung từ 10-20 mét rồi tới tầng thấp, tầng lùm bụi, tầng mặt đất, tầng dây leo… 

Chị sẽ tỉa bớt cao su để tạo không gian cho nhiều loại cây rừng khác như sao, dầu, gõ và trồng nhiều loại cây cho nhu cầu hiện nay của con người như bồ hòn, bồ kết cùng một số cây thuốc. Ngoài ra, chị còn trồng chuối, cây lùm bụi để làm nơi trú ngụ cho muông loài.

Du khách thích thú với hoạt động chèo bè, hái sen

Để tạo ra được cánh rừng đa tầng sinh thái cần một quá trình lâu dài, 20 năm thậm chí là 30 năm nữa. Khi ấy, chim muông, loài vật sẽ trở về. Chị đã làm thử mô hình như vậy thì chim về khá nhiều để làm tổ, tìm thức ăn. 

Chị cũng đào thêm các ao hồ để giữ lại các mạch nước, ở dưới là cá, trên là sen, lục bình cùng các loài thủy sinh… Khi làm như vậy thì tôm tép, ốc và các loại cá tự nhiên theo dòng nước về, tạo ra môi trường sinh thái ổn định.

Những việc làm đầy ý nghĩa của chị không phải với mục tiêu khai thác du lịch mà xuất phát từ sự bù đắp, từ tình yêu đối với rừng. Tuy nhiên đây thực sự là mô hình trải nghiệm lý thú cho những ai từng đến với Nhật Trang farmstay.

Du khách tham quan tại Nhật Trang Farmstay

Ở Nhật Trang farmstay, khách tham quan thực sự được hòa cùng thiên nhiên hoang sơ. Ngoài những hoạt động như chèo bè hái sen, tham quan rừng chuối, mô hình tái tạo rừng… bạn sẽ được đưa đi ngắm thác, ngắm lan rừng, tắm suối, những con suối vô cùng hoang sơ của vùng núi Tánh Linh. Vào mùa nho rừng, bạn còn được trải nghiệm cảm giác thu hoạch nho rừng… 

Do nằm trong khu vực Nam Trung Bộ giáp Đông Nam Bộ nên núi, rừng sông suối Tánh Linh đều nho nhỏ, thu hẹp lại để chuyển xuống đồng bằng. Cảnh quan không quá hùng vĩ để phải lo sợ, mùa mưa nước về cũng không nhiều như lũ miền Trung; tất cả đều vừa đủ cho những ai thích trải nghiệm, khám phá.

Du khách trải nghiệm tắm suối

Thông qua những hoạt động này, chị mong muốn đóng góp chút gì đó vào việc giáo dục để mọi người thêm hiểu, thêm yêu và cùng chung tay bảo vệ rừng. “Hiện nay mình làm sinh thái với nhu cầu chia sẻ là chính và cùng mong khách đến với Nhật Trang Farmstay cũng với tinh thần của những người hòa nhập, thấu hiểu, sẻ chia hơn là phục vụ bởi rừng đang trong quá trình cải tạo nên cần được chăm sóc, phục vụ chứ không phải để rừng phục vụ mình”, chị tâm sự.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video