Lo ngại chương trình giải trí không lành mạnh trên truyền hình gây hại cho trẻ em

05/11/2020
Phát biểu tại hội trường sáng nay (5/11), một số đại biểu lo lắng tình trạng quảng cáo sai sự thật gây hại người tiêu dùng; nội dung phim không lành mạnh chiếu ở khung giờ vàng trên truyền hình đang gây hại đến phát triển trí óc non nớt của trẻ em, thanh niên.

Quan tâm tới hoạt động quảng cáo trên hệ thống phát thanh, truyền hình, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng: Thực tế thời gian qua, hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình làm cho người dân hoang mang trong sự lựa chọn, sử dụng các sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Luật Quảng cáo năm 2012 có nội dung cấm cấm quảng cáo có sử dụng từ ngữ "nhất, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc những từ ngữ mang tính tương tự".

Thuy nhiên, thực tế người dân thường xuyên nghe trong các chương trình phát thanh, truyền hình ngay trong khung giờ vàng, kênh truyền hình lớn liên tục công khai quảng bá sản phẩm "tốt nhất", "sản phẩm số 1", "sản phẩm hàng đầu thế giới", "sản phẩm được ưa chuộng nhất, được tiêu thụ được sử dụng nhiều nhất", hiệu quả tức thì. Thậm chí còn hứa hẹn rằng sử dụng hiệu quả trong 5 ngày, trong 1 tuần, trong 1 tháng,…

Theo đại biểu Mỹ Dung, cách nói, hình ảnh minh họa cho sản phẩm quảng cáo rất sống động, nói lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày làm cho người tiêu dùng "mưa dầm thấm lâu". Trong khi đó, người tiêu dùng không có cơ hội kiểm tra, trải nghiệm. Khi mua rồi sử dụng không phải vậy và bị thiệt hại sức khỏe thì hầu như là tự chịu. Trường hợp có hậu quả nghiêm trọng, áp lực của báo chí, của dư luận xã hội thì mới có sự vào cuộc xử lý.

Đặc biệt, đại biểu Mỹ Dung bày tỏ lo lắng đến sự ảnh hưởng của phim ảnh, những chương trình giải trí có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến hành động và định hướng phát triển của thanh niên, đặc biệt là trẻ em. Các bộ phim được chiếu trong khung giờ vàng mà có nội dung khai thác câu chuyện riêng tư, cảnh nóng, cảnh giường chiếu, cảnh bạo lực, đánh đập, giết người dã man, ghê rợn, những câu chuyện loạn luân, tô đậm góc tối trong mối quan hệ gia đình, cộng đồng…

Với trẻ em, thanh niên trong giai đoạn phát triển trí óc non nớt thì sự tác động này đã ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của các em là rất lớn. Đặc biệt, Không ít chương trình giải trí, gameshow có nội dung gây hài nhảm nhí, chửi bới thô tục, gây ấn tượng bằng những trang phục hở hang, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Xảy ra tình trạng nêu trên, theo đại biểu Mỹ Dung, trách nhiệm của nhà quản lý chương trình, của của các cơ quan chức năng quản lý; là đạo đức của doanh nghiệp, của nhà sản xuất, chương trình, của đạo diễn và của người làm nghệ thuật. Đại biểu này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành sớm tham mưu ban hành hàng rào pháp lý đủ, rõ ràng, đủ mạnh, đủ xử lý các hành vi vi phạm…

Trước đó, như Báo PNVN đã đưa, đại biểu Lưu Thành Công, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho biết trên các kênh Youtube, xuất hiện ngày càng nhiều các clip có thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, thời gian qua, không ít vụ tai nạn thương tích, tử vong ở trẻ em. Nguyên nhân do trẻ học theo cách làm, những trò chơi nhảm nhí, thiếu căn cứ khoa học, thiếu văn hóa trên các kênh Youtube làm ảnh hưởng đến tính mạng các con.

Trong khi đó, chưa có quy định ràng buộc nào về điều kiện để các kênh Youtube được tăng tải các clip trên các trang mạng điện tử. Vì vậy, không ít người đã lợi dụng sơ hở này để tạo ra những clip giảm nhí vô bổ; thậm chí rất nguy hiểm để "câu view", "câu like" thu lợi nhuận từ tiền quảng cáo.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video