Làm mĩ nghệ gia truyền với tinh thần người trẻ

25/07/2020
Sinh ra và lớn lên từ làng nghề truyền thống, hơn bao giờ hết chị Nguyễn Thị Thúy đã thấu hiểu và trân trọng những giá trị tinh hoa nghề nghiệp của cha ông tạo dựng bao đời, để từ đó tiếp nối, phát huy với tinh thần của người trẻ thế hệ mới, quan tâm đến môi trường trong phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Thúy luôn mong muốn duy trì và phát triển nghề đúc đồng truyền thống

Yêu và tự hào với nghề của cha ông

Với một cơ sở đúc đồng truyền thống, chị Thúy cho rằng, bản thân chị khởi nghiệp với niềm tự hào về truyền thống hàng nghìn năm của đất Bắc Ninh - Kinh Bắc và có niềm tin mãnh liệt về một ngày không xa, làng chị sẽ có những doanh nhân của thời đại mới mà thương hiệu sản phầm, thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng khắp thế giới.

Chị Thúy cho rằng, bản thân chị khởi nghiệp với niềm tự hào về truyền thống hàng nghìn năm của đất Bắc Ninh và chị tin làng sẽ ngày càng phát triển

Chị Thúy cho biết, làng nghề Đại Bái có nghề gia truyền nổi tiếng là nghề đúc đồng thủ công. Gia đình chị có nghề được truyền từ ông, từ bố mẹ, cho đến thế hệ của chị. Ngày trước, bố mẹ chị chuyên làm các loại đồng chi tiết chân van, quốc phòng cho nên chị va chạm với nghề từ khi còn bé xíu.

Đại Bái có nghề gia truyền nổi tiếng là nghề đúc đồng thủ công Sản phẩm Bát nước chạm sen mạ vàng 3 lớp

Trước đây, nghề đúc đồng Đại Bái cũng có thời gian thực sự lâm vào tình trạng khó khăn. Người dân làng nghề vốn chỉ quen đúc những vật gia dụng đơn giản xoong, mâm, siêu, sanh, cơi trầu… bị cạnh tranh khốc liệt bởi đồ nhựa Trung Quốc với giá thành rẻ, mẫu mã phong phú, nhiều người đã bỏ hẳn nghề. Nhiều gia đình chuyển hướng sang gia công những vật dụng đơn giản để sinh sống nhưng vẫn chủ yếu làm thủ công, làm mới bằng cách tạo thêm hoa văn tinh xảo hay các được nét khảm bằng vàng, bạc trên sản phẩm.

Theo chị Thúy, ngày nay đến thế hệ của chị đã khác, mặc dù làm nghề để duy trì truyền thống và phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải tìm tòi sáng tạo để thực hiện các công đoạn theo cách hiện đại để tăng năng xuất chế tác.

Phát triển nghề gia truyền theo xu hướng hiện đại

Tốt nghiệp Cao đẳng kế toán tại Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Thúy đã có một thời gian dài làm tại công ty của gia đình như một nhân viên mẫn cán. Cũng từ cái nôi đúc đồng này, chị mới dần trưởng thành và quyết định mở riêng cho mình một công ty để thực hiện ước mơ được chắp cánh cho nghề. Lập gia đình cùng một nghệ nhân đúc đồng trẻ tuổi, chị lại càng có cơ hội hơn để hun đúc ý chí khởi nghiệp. Năm 2018, hai vợ chồng chị đã cùng nhau bàn bạc với gia đình, thành lập Công ty Cổ phần Quang Thắng với số vốn ít ỏi.

Các sản phẩm đều được làm với sự tỉ mỉ và tâm huyết của những người thợ lành nghề Sản phẩm đạt đến độ tinh xảo

 

Thời gian đầu khởi nghiệp, nhiều sản phẩm của chị làm ra chưa được người tiêu dùng biết đến. Áp lực nhân công, đầu vào, đầu ra, với những khó khăn chồng chất khiến cho chị nhiều lúc nản trí nhưng vẫn tâm huyết vực dậy làm nghề.

Chị không chọn hướng gia công dàn trải nhiều sản phẩm mà tập trung chủ yếu vào sản phẩm đồ thờ. Nhắc đến sản phẩm của Quang Thắng tại Đại Bái, Bắc Ninh, hẳn ai cũng biết đến bộ đỉnh thờ được chạm khắc tinh xảo, mẫu mã độc quyền, riêng biệt.

"Các sản phẩm đều có khảm vàng, bạc, đồng. Ví dụ như vàng thỏi 9999 cán ra, làm theo độ dày khách hàng yêu cầu, tạo hoa văn trên sản phẩm giúp cho sản phẩm vừa đẹp vừa có giá trị cao, đạt đến độ tinh xảo không chỉ là vật sử dụng mà còn là tác phẩm nghệ thuật để trưng bày", chị Thúy cho biết.

Không chỉ cho ra những sản phẩm chuyên biệt, chị Thúy còn quyết định đưa mọi công nghệ hiện đại nhất có thể vào công việc đúc đồng. Theo chị, máy móc thủ công sẽ giảm được nhân công, giảm chi phí lên sản phẩm, đồng thời cũng có thể tạo hình nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo hơn làm bằng tay và hơn hết là hạn chế tối đa sự tác động đến sức khỏe của thợ. Cơ sở Quang Thắng đã vận dụng công nghệ kết hợp giữa lò thủ công và lò điện để thi công sản phẩm. Trong thời gian tới, công ty sẽ chuyển dần từ lò thủ công hoàn toàn sang lò đúc điện để giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời, trong quá trình sản xuất, chị Thúy cũng tận dụng hết vật liệu rơi vãi để hạn chế tối đa rác thải.

Chị Nguyễn Thị Thúy và chồng, người luôn song hành cùng chị trên con đường duy trì nghề truyền thống của quê hương

"Từ tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, chữ đồng thư pháp, hoành phi, câu đối bằng đồng... cho đến các sản phẩm mỹ thuật bằng đồng như tranh đồng… kỹ thuật luyện đồng Đại Bái không ngừng hoàn thiện và ngày càng tinh xảo. Thế hệ chúng tôi sẽ tiếp bước để nghề truyền thống không những không bị mai một mà còn phát triển vượt bậc. Để gìn giữ và phát triển làng nghề, đồng thời, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, Quang Thắng sẽ không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm", chị Thúy tự hào chia sẻ.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video