Lâm Đồng: Phụ nữ Lạc Dương phát huy vai trò trong bảo tồn văn hóa bản địa

14/09/2022
Nằm dưới chân núi Langbiang, người K’Ho ở huyện Lạc Dương những năm gần đây tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng văn hóa bản địa, mang tới sự đa dạng trong sản phẩm du lịch địa phương, để lại dấu ấn trong lòng du khách trong và ngoài nước… Đặc biệt hơn nữa, đó chính là trong mỗi nếp nhà, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn truyền tay nhau gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình.
Bà Cơ Liêng K Mõ và chị Cơ Liêng K Sen bên khung cửi

Duy trì nghề dệt thổ cẩm

Mặc dù đã 85 tuổi, sức yếu, mắt mờ, chân chậm nhưng cụ bà Cơ Liêng K Mõ, trú tại 15 Duy Tân, thị trấn Lạc Dương hàng ngày vẫn đau đáu trong lòng gìn giữ nét văn hóa thổ cẩm của cha ông để lại. Ngắm nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của bà cùng với cô con gái là chị Cơ Liêng K Sen đang miệt mài bên khung cửi, luồn con thoi qua những tấm thổ cẩm với những đường dệt cầu kỳ, đầy sắc sảo, để dệt nên những tấm vải thổ cẩm nhiều sắc màu, hoa văn rực rỡ kịp giao đến tay khách hàng, lại càng cảm mến và khâm phục tinh thần yêu bản sắc văn hóa của gia đình bà nhiều hơn.

Được biết, từ xa xưa theo tục lệ, các cô gái K’Ho đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải thổ cẩm từ lúc 12 - 13 tuổi để khi đi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Và đó cũng là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái K’Ho. Đối với gia đình bà K Mõ, hiện là hộ dệt lâu đời nhất ở tổ dân phố này, truyền từ đời trước tới nay, đã có 8 người con, cháu của bà cũng biết dệt từ khi còn rất nhỏ và bắt đầu từ những món giản đơn nhất như chiếc vòng tay, băng đô hay chiếc khăn choàng, chân váy… Bà cũng chính là người phụ nữ đã truyền cảm hứng để chị em trong tổ dân phố có thể gắn bó lâu dài với nghề dệt cho tới bây giờ.

Trải qua nhiều thăng trầm với khung dệt, sợi chỉ nhưng với niềm say mê, tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống bà Cơ Liêng K’Mõ vẫn chưa bao giờ vơi. Nhiều năm qua, bà K Mõ đã không quản ngại khó khăn, vất vả của cuộc sống thường nhật nhưng cùng với sự động viên, khuyến khích kịp thời của chính quyền địa phương và Hội phụ nữ huyện, thị trấn, gia đình bà đã cùng với 15 hộ dân trong làng cố gắng tìm mọi cách để có thể lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình cho tới hôm nay.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo tồn văn hóa bản địa

Trước những đổi thay của đời sống và nền kinh tế thị trường, nét văn hóa truyền thống của người K’Ho nói chung, nghề dệt thổ cẩm nói riêng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và nguy cơ mai một, thất truyền. Với mong muốn gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống của người K’Ho, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Lạc Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ là nghệ nhân nghề truyền thống dạy cho các thế hệ trẻ như: làm rượu cần, làm thuốc nhuộm từ lá cây trơm, trồng bông kéo sợi, dệt thổ cẩm (dân tộc Cil), đặc biệt là những tiết tấu hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm; đan chiếu, đan pờ lơ bằng cây cói  (dân tộc Lạch)…; đồng thời vận động chồng của hội viên, phụ nữ là nghệ nhân biết đan gùi, nong, nia… tiếp tục truyền dạy cho các con, các cháu trong gia đình. Vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, mặc trang phục truyền thống… nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Dương Trần Thị Thuyên tham dự sinh hoạt mô hình “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tổ dân phố Bon Đưng 1

 

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã được khôi phục và phát huy như: Làng nghề dệt thổ cẩm người dân tộc Cil (Buôn Za) ở thôn 1, thôn 2 (xã Đưng KNơh), tổ dân phố Đăng Gia Dềt (thị trấn Lạc Dương), xã Đạ Nhim… Thành lập được 5 tổ dệt thổ cẩm với 45 người tham gia, tổ đan chiếu và pờ lơ bằng cây cói; một số phụ nữ tham gia sinh hoạt ở các điểm giao lưu văn hóa Cồng chiêng.

Không những thế, Hội LHPN huyện còn xây dựng và nhân rộng các mô hình, CLB như: “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”, “Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”; “Không có hôn nhân cận huyết thống”; “Phụ nữ nói không với tảo hôn”, “Văn minh trong việc cưới việc tang”… với 1.921 người tham gia nhằm phát huy tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện Lạc Dương sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa của người dân bản địa; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề như học tiếng, hát dân ca, múa cồng chiêng, dệt thổ cẩm... cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa; phát triển các loại hình dịch vụ, giải quyết việc làm… góp phần thay đổi diện mạo ở buôn làng, vừa giúp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho chị em phụ nữ trên địa bàn huyện.

Bích Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video