Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình chi hội phụ nữ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

15/07/2022
Trước đây, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Co Ho (Lạch) còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số phong tục tập quán và quan niệm sống lạc hậu đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Điều đó cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến.
Sinh hoạt mô hình chi hội phụ nữ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

Trước thực trạng đó, Hội LHPN thị trấn Lạc Dương đã chọn tổ dân phố Bon Đưng 1 để triển khai xây dựng mô hình chi hội phụ nữ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ; góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Mô hình được thành lập vào năm 2017, ban đầu có 86 thành viên, nhưng đến nay đã phát triển với 94 thành viên tham gia. Ban chủ nhiệm mô hình đã xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào kế hoạch định kỳ để chi bộ, tổ dân phố cùng thành viên trong Ban chủ nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng. Mô hình duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần hoặc 1 tháng/lần. Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được trong việc tuyên truyền, vận động.

Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, các thành viên trong Ban chủ nhiệm cùng với chi hội phụ nữ đã hăng hái, tích cực tham gia vận động người dân trong thôn “nói không với tảo hôn”; tuyên truyền, phổ biến lồng ghép những nội dung chính về Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan...bằng ngôn ngữ Co Ho để chị em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Vận động 94 thành viên ký cam kết không vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; xây dựng “Quỹ phụ nữ giúp nhau”, mỗi chị góp 150 nghìn đồng/người/năm, số tiền tiết kiệm được xoay vòng giúp cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn để làm vốn đầu tư mua cây giống, phân bón, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã tiết kiệm được 70 triệu giúp cho 15 chị vay không tính lãi, từ 5 - 10 triệu đồng. Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong tổ dân phố đã thay đổi rõ rệt, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống vật chất và tinh thần dần được cải thiện và nâng cao, không có trường hợp tảo hôn, nam nữ đến tuổi lập gia đình đều tự giác đến UBND thị trấn đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật. 

Chị Cil Lem, chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, Chủ nhiệm mô hình chia sẻ, trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm mô hình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phân công các thành viên thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp của tổ dân phố và sinh hoạt chi hội phụ nữ.

Bích Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video