Kịp thời phát hiện, lên tiếng các vụ việc ngược đãi, xâm hại phụ nữ, trẻ em

08/01/2021
Được ký kết từ năm 2002, Nghị quyết liên tịch 01/TW giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và TNXH" giai đoạn 2017- 2020 đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH) ngay từ gia đình, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, kết hợp triển khai chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao tặng Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TW Hội cho các tập thể ngành Công an có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 01

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết, hai ngành đã phát huy thế mạnh, nguồn lực, sự phối hợp trách nhiệm, sáng tạo, đạt được những kết quả tích cực, góp phần can thiệp sớm ngay từ gia đình, vận động các tầng lớp phụ nữ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, giáo dục con em, người thân của mình và tham gia cùng cộng đồng trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, các cấp Hội đã tích cực phát huy vai trò của tổ chức, hội viên, phụ nữ trong kịp thời phát hiện, phản ánh và lên tiếng về các vụ việc ngược đãi, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và TNXH

Với phương châm chủ động, tích cực phòng ngừa tội phạm và TNXH từ trong gia đình, các cấp Hội đã phối hợp với Công an tập trung nhiều giải pháp để thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho nhiều đối tượng. Nổi bật như: tổ chức 20 sự kiện truyền thông hướng đến những đối tượng có nguy cơ cao gồm trẻ em vi phạm pháp luật, người nghiện và thân nhân người nghiện ma túy, phạm nhân nữ trong các trại giam, phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Tổ chức nhiều hình thức truyền thông tại các trường học, các khu dân cư, các địa bàn trọng điểm để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về các vấn đề nóng như: Xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống mua bán người, phòng chống ma túy, tín dụng đen, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng với hàng trăm nghìn buổi, thu hút hàng triệu lượt người tham gia.

Phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có nhiều đổi mới phù hợp với đối tượng phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, nữ công nhân nhà trọ. Bên cạnh tư vấn pháp luật tại các Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm hỗ trợ kết hôn, hai ngành tăng cường phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ tại cơ sở, công nhân nữ ở các khu nhà trọ, phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Hầu hết các cơ sở Hội đều duy trì, nhân rộng mô hình tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, một số nơi tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ nữ về chính sách có liên quan.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hai ngành đã luôn chủ động trong việc triển khai các loại hình tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt thường xuyên sử dụng các hình thức truyền thông đa phương tiện (mạng xã hội, truyền hình, phát thanh, đường dây nóng…); phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền qua kênh truyền thông ở địa phương và tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt hội viên. Đã có trên 36.000 tin/bài/phóng sự về phòng, chống tội phạm và TNXH được phát sóng, đưa tin trên các báo, đài, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, website, zalo, fanpage của Hội LHPN từ TW đến địa phương. Các hoạt động truyền thông tại cộng đồng chủ yếu sử dụng hình thức sân khấu hóa, diễn đàn, tọa đàm, giao lưu... có tương tác với khán giả.

Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể Hội Phụ nữ có thành tích trong triển khai Nghị quyết

Nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả

Hội LHPN các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an duy trì mô hình câu lạc bộ Gia đình phòng, chống TNXH, Gia đình không có người nghiện ma túy; Chi hội không có chồng con phạm tội và mắc TNXH; Phụ nữ liên kết phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế; Xe loa tuyên truyền; Dòng họ tự quản; Tiếng kẻng an ninh; Làng tự quản gắn với chốt an ninh; CLB Phụ nữ với pháp luật.

Nhiều tỉnh/thành phố xây dựng mô hình điểm về phòng, chống tội phạm và TNXH, chú trọng vào những vấn đề nóng như: xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, mua bán người, mại dâm... Thông qua hoạt động của mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm do Hội phụ nữ thành lập đã góp phần làm cho hoạt động của Hội thêm phong phú và đa dạng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Phối hợp truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trẻ em tại nhiều tỉnh thành phố nhằm phát huy hơn nữa mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục trẻ em, các hoạt động cam kết thực hiện 4 bên (Gia đình - Nhà trường - Hội Phụ nữ - Công an) trong quản lý giáo dục con em, nhất là trẻ em hư, chậm tiến.

Phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm các quyền hợp pháp của phụ nữ, trẻ em

Hai ngành đã tích cực, trách nhiệm phát hiện, phản ánh, lên tiếng với chính quyền, các cơ quan chức năng về các vụ việc ngược đãi, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm các quyền hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái ngay tại cộng đồng, khi mới xảy ra vụ việc. Từ năm 2018 đến năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý giải quyết 5.070/5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình, trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên, phụ nữ cung cấp. Điều tra, khởi tố 4205 vụ/4069 bị can xâm hại trẻ em; 45 vụ/34 bị can liên quan bạo lực gia đình; 283 vụ/448 bị can phạm tội mua bán người.

Các cấp Hội đã tiếp nhận thông tin và thực hiện giám sát 5.893 vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh việc giám sát, hỗ trợ tư pháp, các tỉnh/thành Hội đều có Trung tâm tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực/ bị mua bán trở về.

Đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm trong cộng đồng dân cư

Công tác nắm bắt và phản ảnh tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, giải quyết điểm nóng được các cấp Hội thường xuyên quan tâm, đặc biệt là trước các vụ việc có diễn biến phức tạp, đột xuất; trước các sự kiện lớn của đất nước, của Đảng và của Hội.

Đặc biệt, nhận định mảng tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức cho phụ nữ trong trại giam, trẻ em trong các trường giáo dưỡng vẫn còn khoảng trống, hai ngành đã tổ chức 829 hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối với đối tượng nữ trong trường giáo dưỡng và trại giam; hỗ trợ, giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, tặng quà cho 632 nữ phạm nhân; 55662 hội viên phụ nữ ký cam kết gia đình không phạm tội và TNXH; TW Hội tổ chức 04 cuộc Truyền thông cho nữ phạm nhân về khởi nghiệp.

Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần thiết thực giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm xung đột trong gia đình, tránh nguy cơ sa vào TNXH, trở thành nạn nhân bị mua bán... Với nhiều cách làm sáng tạo, mang tính lan tỏa, chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo gắn với thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết tại địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn. Hoạt động hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo được chuyển hướng từ “cho không” sang “hỗ trợ có điều kiện”, các hội viên được nhận hỗ trợ có cam kết thoát nghèo và hoàn lại mức hỗ trợ được nhận ban đầu khi kinh tế phát triển để hỗ trợ cho thành viên khác. Với cách làm này, từ năm 2018 - 2020, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng được 74 mô hình, thu hút hàng nghìn lao động nữ tham gia; trong đó có gần 1.000 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đã giúp được gần 100 hộ phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo.

Tiểu phẩm trình diễn tại chương trình truyền thông phòng, chống ma túy tại Đắk Lắk 

Chương trình phối hợp giữa hai ngành trong thời gian tới:

Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn qua, thời gian tới, hai ngành tập trung triển khai các hoạt động với những nội dung đáng chú ý như:

Tăng cường, đa dạng hóa hình thức công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; chú trọng ứng dụng truyền thông trên nền tảng số, sử dụng các kênh truyền thông chính thống, các mạng xã hội để tuyên truyền, giúp chị em và nhân dân cảnh giác với những âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá, kích động của các thế lực thù địch, phản động; phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm và TNXH, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh, không bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật; tuyên truyền về đạo đức lối sống, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, giáo dục người phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hình thành mạng lưới những người có ảnh hưởng, uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNXH.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia phòng, chống tội phạm và TNXH hiệu quả tại cơ sở phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương, chú trọng các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, vùng có nhiều đối tượng nguy cơ phạm tội, nhiều phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị mua bán...; động viên cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có các biện pháp phát hiện, phản ánh, lên tiếng kịp thời với chính quyền, các cơ quan chức năng về các vụ việc ngược đãi, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái ngay tại cộng đồng, khi mới xảy ra vụ việc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thí điểm trung tâm hỗ trợ liên ngành “Một điểm dừng” để phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại có thể được hỗ trợ, bảo vệ về thể chất và tinh thần trong quá trình tố tụng; Triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nạn nhân ở các cơ sở tạm lánh; hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ hoàn lương, hết hạn chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho họ.

Giám sát, đề xuất các chính sách và vận động nguồn lực xã hội để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khu vực biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế gắn kết với các hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phối hợp.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video