Khám phá làng nghề giấy Saa truyền thống độc nhất vô nhị ở Lào

22/08/2022
Với khoảng 700 trăm năm hình thành và phát triển, từ việc các nhà sư Lào dùng để ghi chép kinh Phật, giấy Saa ngày nay đã phổ biến rộng rãi, được chế tác thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn (tranh, đèn lồng, sổ ghi chép, túi xách du lịch, ô dù...). Hiện nay, làng nghề giấy Saa tại Luông Pha Băng đã trở thành một phần của Di sản văn hóa thế giới.
Các sản phẩm giấy Saa được bày bán tại phố cố Luông Pha Băng.

Như mối lương duyên không báo trước, trong một lần đến Lào thăm bạn học, tôi tình cờ lưu trú ở Luông Pha Băng. Trong không gian phố cổ, chợ đêm Luông Pha Băng chìm trong ánh đèn vàng, tôi ấn tượng mạnh bởi những bức tranh về các đức Phật, sinh hoạt Phật giáo trên vùng đất này hàng trăm năm trước. Người bán hàng chia sẻ rằng tranh được làm từ giấy Saa, ở một bản làng cách đó không xa, phía bên kia dòng sông.

Theo lời chỉ dẫn của chị bán hàng, ngay sáng hôm sau, chúng tôi đi về phía Bắc khoảng 5 cây số, khi nhìn thấy những giá phơi giấy được sắp xếp ngay ngắn trên con đường làng trải nhựa, chúng tôi biết rằng mình đã đến đúng địa chỉ – làng nghề làm giấy Saa truyền thống bản Xangkhong, một trong hai làng nghề làm loại giấy này ở Luông Pha Băng.

Bà Tanh Manipoun, nghệ nhân làm giấy Saa và tác giả tại xưởng làm giấy Saa của gia đình tại bản Xangkhong (Luông Pha Băng).

Bà Tanh Manipoun, một trong những nghệ nhân làm giấy Saa giỏi nhất làng và một trong những nghệ nhân nổi tiếng của Lào tiếp đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền hậu, cởi mở. Cùng với nhiều người khác, bà đã đưa giấy Saa trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Lào. Ngoài những bức tượng Phật, bất kỳ một du khách nào đến với Luông Pha Băng trước khi ra về trên tay cũng sẽ cầm thêm một sản phẩm giấy Saa, thường đó là những bức tranh Phật.

Bà Tanh Manipoun cho biết, giấy Saa được làm thủ công bằng vỏ cây Saa hoặc cây dâu tằm cách nay khoảng 700 năm. Dựa trên nguồn nguyên liệu phong phú, cây dâu tằm làm giấy được người dân trồng phổ biến ở những khu rừng nhiệt đới ẩm.

Những cành cây Saa, cây dâu tằm là chất liệu làm giấy Saa

Những cành cây Saa, cây dâu tằm làm giấy được chặt về, cắt thành từng đoạn dài từ 60 đến 100cm. Sau đó đem đun khoảng 3 giờ để vỏ cây tách rời khỏi cành cây.

Vỏ cây được ngâm trong nước qua đêm hoặc lâu hơn đến khi mềm. Vỏ cây có 3 lớp: lớp màu đen ở ngoài cùng, lớp màu xanh ở giữa và lớp trong cùng màu trắng. Tất cả ba lớp vỏ này đều được sử dụng làm giấy nhưng loại giấy tốt nhất được làm từ lớp vỏ màu trắng.

Những mảnh vỏ được nấu vài giờ trong hỗn hợp nước và Natri Cacbonat, sau đó được đem rửa vài lần qua nước để rũ sạch hóa chất.

Giấy sau khi được làm mang ra phơi

Người ta đem giã những miếng vỏ đó thành bột, hòa với nước và Politen Oxit. Hỗn hợp này được lọc qua một lớp lưới, khi nước chảy xuống để lại lớp hỗn hợp bột mỏng, tạo ra một tờ giấy và đem phơi dưới nắng mặt trời. Tổng các công đoạn này mất từ 3 đến 6 ngày.

Với đôi tay khéo léo, họ sử dụng các loại hoa, lá tự nhiên vào giấy như một cách trang trí cho sản phẩm vừa đẹp vừa thân thiện với môi trường. Ngoài ra họ còn có thể trang trí giấy bằng cách thêm thuốc nhuộm vào bột giấy, in hoặc in hoa theo kiểu Batik.

Sử dụng các loại hoa, lá tự nhiên vào giấy như một cách trang trí cho sản phẩm vừa đẹp vừa thân thiện với môi trường

Sau khi giấy được phơi khô, các họa sĩ không chuyên sử dụng để vẽ tranh về nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó, tập trung chủ yếu về tranh Phật, sinh hoạt tôn giáo và đời sống của các tầng lớp nhân dân Lào. Điểm đặc biệt ở mỗi bức tranh là đều độc nhất vô nhị, không bức tranh nào giống bức tranh nào, và đều ẩn chứa một sự sáng tạo bền bỉ của từng nghệ nhân.

Không chỉ đơn thuần là tranh, từ những mảnh giấy thô ráp, họ còn tạo nên những sản phẩm handmade đầy khéo léo. Các sản phẩm giấy Saa sau khi đã hoàn thiện, có giá dao động khoảng vài trăm nghìn kíp.

Những sản phẩm độc đáo làm từ giấy Saa.

Nhận thức rõ về thế mạnh du lịch của địa phương, những năm qua tỉnh Luông Pha Băng không chỉ chú trọng tuyên truyền, quảng bá nghề làm giấy Saa truyền thống, mà còn hỗ trợ các hộ sản xuất tìm hướng đa dạng hóa sản phẩm để làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Thông qua chính sách bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống, chính quyền địa phương đã tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người dân, đồng thời cải thiện thu nhập cho họ.

"Một ngày chúng tôi đi theo một con đường mòn, băng qua một cây cầu tre trên sông và tình cờ bắt gặp một ngôi làng nhỏ gọi là Ban Xangkhong. Tại đây chúng tôi đã tận mắt được nhìn thấy cách thức người dân địa phương sản xuất loại giấy đặc biệt mà chúng tôi đã được thấy tại chợ đêm", chị Julia, một khách nước ngoài chia sẻ.

Theo chị Julia "Những khuôn giấy tươi hình vuông dựa vào hàng rào để phơi khô bằng ánh nắng mặt trời. Tôi đã được xem một người phụ nữ đang khuấy tay mình trong một chiếc khay lớn bên trong có một loại hồ sánh trộn lẫn với nước, bằng một cách nào đó, chỉ vài phút sau chất này đã trở thành giấy".

Ngoài Luông Pha Băng, giấy Saa còn được làm và buôn bán tại Viêng Chăn, Luông Nậm Thà. Gần đây, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Lào thông qua Dự án trồng cây và gây rừng (FORCAP), đã dạy người dân Viêng Chăn kỹ thuật phối hợp với nghề dệt và nghề giấy của Lào và Nhật Bản.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video