Hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù

28/02/2022
Ngày 28/2/2022, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù với chủ đề “Nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số: Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ” tại tỉnh Quảng Ngãi.
Các đại biểu tham gia hội thảo

Chủ trì hội thảo có TS. Bùi Thị Hòa - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài; PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cùng sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan, sở, ngành, một số tổ chức và chuyên gia nghiên cứu tỉnh Quảng Ngãi.

Hội thảo nhằm cung cấp, thảo luận kết quả khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ đề tài nghiên cứu; xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về thực trạng và viêc thực thi chính sách, các mô hình bảo vệ và hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, di cư và người cao tuổi trên cơ sở thảo luận những kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài tại các địa bàn nghiên cứu.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Bùi Thị Hòa nhận định, mặc dù các chính sách hiện hành đã tương đối đầy đủ, phần nào giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay đối với các nhóm dân số nhất định. Tuy nhiên, mức độ bao trùm của chính sách cũng như mức độ tiếp cận và thụ hưởng chính sách của các nhóm dân số còn có sự cách biệt. Chẳng hạn, trong nhóm những người di cư, phụ nữ di cư làm ở khu vực phi chính thức gặp nhiều khó khăn hơn trong việc có được chỗ ở tối thiểu, họ phải sống trong những điều kiện khó khăn, chỗ ở tạm thời, thiếu an toàn và thiếu các dịch vụ cơ bản. Hoặc các vấn đề đặt ra hiện nay với nhóm phụ nữ cao tuổi trong xu hướng “nữ hóa” dân số cao tuổi tại Việt Nam. Tình trạng phụ nữ cao tuổi neo đơn, nghèo đói, bị bạo lực, sức khỏe yếu kém đang là những vấn đề đặt ra hiện nay. Chính vì vậy, đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia "Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù" là 1 đề tài có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tổ chức Hội mà còn đối với các nhóm phụ nữ nói chung. Kết quả của đề tài sẽ cung cấp những căn cứ, luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm giúp Hội LHPN Việt Nam đề xuất giải pháp, chính sách đặc thù trong bối cảnh tình hình hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mới cần quan tâm hỗ trợ, bảo vệ cho các nhóm phụ nữ. Khuyến nghị của đề tài nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; đồng thời, cụ thể hóa những vấn đề được xác định tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới và cung cấp căn cứ khoa học, thực tiễn xây dựng Văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Báo cáo tham luận và các ý kiến trao đổi, phát biểu, phản biện tại hội thảo đã cung cấp và làm rõ thêm thông tin thực tiễn đối với kết quả nghiên cứu của đề tài, trong đó, tập trung thảo luận về thực trạng lao động, việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của các nhóm phụ nữ đặc thù; tìm hiểu mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của các nhóm phụ nữ và các vấn đề cần quan tâm trong bảo vệ và hỗ trợ các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, di cư và cao tuổi trên địa bàn tỉnh.

Kết quả của hội thảo sẽ được tổng hợp, bổ sung và làm sâu sắc hơn thông tin cho các phân tích kết quả nghiên cứu của đề tài.

Hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Lào Cai trong tháng 3/2022.

Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video