Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long chung tay hỗ trợ phụ nữ hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng bền vững

21/08/2018
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đã phát huy vai trò của tổ chức Hội chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, gắn với tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến phụ nữ và trẻ em, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”,…

Qua đó, đã có gần 36.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền; 958 loại hình, mô hình, câu lạc bộ phụ nữ có liên quan đến công tác phòng chống tội phạm với 26.459 thành viên tham gia được thành lập, duy trì hoạt động có hiệu quả; 388 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó 103 phụ nữ được các cấp Hội giáo dục, cảm hóa (trong đó, hỗ trợ cho 02 chị chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương và 45 chị hoàn lươngđược vay vốn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tái hoà nhập cộng đồng).

Nổi bật trong năm 2015, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng mô hình điểm “Giúp đỡ phụ nữ hoàn lương hòa nhập cộng đồng” tại 02 xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn) và xã Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm). Kết quả, đến nay đã thành lập được 13 câu lạc bộ với226 thành viên tham gia. Mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực trong tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng nữ tù tha, hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế công tác tiếp nhận, cảm hóa, giáo dục đối tượng tù tha và nữ lầm lỗi, vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều chị em sau khi chấp hành xong án phạt tù không trở về địa phương hoặc sau một thời gian trở về lại bỏ đi nơi khác; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trong việc không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đã chấp hành xong án phạt tù, phụ nữ hoàn lương chưa đi được vào chiều sâu nên chưa tạo được chuyển biến về nhận thức và hành động; công tác giúp đỡ, giải quyết việc làm cũng như xây dựng các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù còn chưa phát huy được hiệu quả.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tiếp tục
đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện để tạo ra được những mô hình thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp đỡ chị em hoàn lương vượt qua mặc cảm, tự ti, nâng cao ý thức cộng đồng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm hòa nhập cộng đồng bền vững. Cùng với đó, các cấp Hội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham gia quản lý, giáo dục, hỗ trợ hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù khi họ trở về; chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong tổ chức dạy nghề; kết nối với Ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù, phụ nữ hoàn lương vào làm việc để ổn định cuộc sống.

Nhã Trúc, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video