Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Hành trình tham gia xây dựng nông thôn mới

07/01/2020
Những năm qua, bằng những công trình, phần việc, mô hình sáng tạo, thiết thực, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động trong tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới
Chị em phụ nữ thôn Tôm, xã Ban Công (bá Thước) tham gia dọn VSMT

Phong trào thi đua “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được các cấp Hội cụ thể hóa bằng nội dung: “Xây dựng gia đình không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; gia đình không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ và thực hiện mô hình Nhà sạch - vườn mẫu”, góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, Hội luôn xác định lấy tiêu chí “Không đói nghèo” là tiêu chí mũi nhọn, là nền tảng để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. 

Nhằm giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân dồn điền đổi thửa, ứng dụng KHKT, thay đổi phương thức sản xuất, manh mún nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang hình thức liên kết, liên doanh, phát triển doanh nghiệp thông qua việc xây dựng thành công 280 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ (64 HTX; 62 THT, 154 TLK) gắn với tổ chức tấp huấn kinh doanh và khởi nghiệp. Vận động, hỗ trợ gần 1.500 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, trong đó thành lập trên 200 doanh nghiệp nữ. Đặc biệt, nhằm giúp chị em phụ nữ tiêu thụ sản phẩm, Hội đã xây dựng chuỗi cửa hàng, tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo, kết nối với Ngân hàng, siêu thị, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ sản xuất, chế biến. Tiếp tục ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổ chức Tài chính vi mô, Quỹ TYM với tổng dư nợ trên 8.300 tỷ đồng cho hơn 213 ngàn phụ nữ vay phát triển kinh tế vươn lên giảm nghèo bền vững; tổ chức đào tạo nghề cho 116 ngàn lao động nữ, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn. Cùng với đó, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ xây/sửa 1.335 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá trên 32 tỷ đồng; vận động hàng trăm ngàn hội viên, phụ nữ tham gia mua BHYT, BHXH tự nguyện... Với hướng đi đúng đắn, luôn hướng về cơ sở, đến từng hộ gia đình, từng hội viên, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trong 10 năm qua, các cấp Hội đã giúp trên 34.700 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần không nhỏ trong thực hiện tiêu các tiêu chí về: Nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội tăng cường giúp phụ nữ thực hiện các nội dung không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; gia đình không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học thông qua việc triển khai thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong tình hình mới”; dự án 3 Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 với Công an về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, chương trình phối hợp với trại giam trên địa bàn tỉnh về “Giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ tái hòa nhập cộng đồng”; phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ nữ tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, xây dựng nếp sống văn minh, tình làng, nghĩa xóm. Vận động trên 10 tỷ đồng để tặng học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ bỏ học. Phối hợp với ngành Giáo dục, Bộ đội biên phòng vận động 3.183 phụ nữ vùng cao, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lớp học xóa tái mù chữ. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: 1.300 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 1.263 CLB “Gia đình 5 không 3 sạch”; 1.200 CLB “Gia đình hạnh phúc”; 307 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”; 125 CLB “Dinh dưỡng”; 571 “Chi hội kiểu mẫu 5 không 3 sạch xây dựng NTM”... Các cấp Hội tham gia giải quyết kịp thời hơn 4.500 vụ mâu thuẫn tại gia đình, 1.258 đơn thư tại cơ sở không để phát sinh tội phạm và đơn thư vượt cấp kéo dài; bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở... Qua đó, góp phần thực hiện các tiêu chí: Giáo dục, Y tế, Văn hóa, an ninh quốc phòng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trong thực hiện tiêu chí 3 sạch “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, Hội đã tập trung triển khai các hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả đề án “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã ven biển tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020”, dự án CHOBA và Quỹ vệ sinh quay vòng, đến nay Hội đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 25.870 nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, góp phần thực hiện tiêu chí 17.6 trong xây dựng nông thôn mới. Tại mỗi địa phương, phụ nữ cũng đã lựa chọn phần việc phù hợp như: xây dựng đoạn đường, tuyến đường phụ nữ tự quản; định kỳ hàng tuần vận động phụ nữ và nhân dân dọn vệ sinh môi trường; hướng dẫn phụ nữ thu gom, phân loại rác thải tại nhà; sử dụng chế phẩm EM thay thế thuốc trừ sâu; xây dựng mô hình sinh kế gắn với bảo vệ môi trường như mô hình làm nấm, sử dụng phế phẩm, phế liệu, lốp xe cũ, ống nhựa, rác thải để làm dép, làm bình hoa, cây cảnh, làn nhựa, đèn trang trí; xử lý rơm, rạ làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất; hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ; tập trung chỉ đạo thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải, hỗ trợ mua xe thu gom, dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động cho phụ nữ thu gom rác; vận động mỗi gia đình hội viên, phụ nữ có một vườn rau sạch”, "Nhà sạch, vườn đẹp", “không chăn nuôi gia súc duới gầm sàn”; xây dựng các tuyến “đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “hàng rào xanh”, “bờ rào đẹp”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 km đường hoa, tạo cảnh quan môi trường tươi mới, giàu sức sống ở các làng quê. Cùng với đó, các cấp Hội đã vận động hội viên phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo hướng thành lập 480 “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm” tại cộng đồng để giám sát lẫn nhau và đặt hòm thư góp ý về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; thành lập 47 chuỗi giá trị sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng 27 gian hàng giới thiệu các sản phẩm sạch và gian hàng giới thiệu sản phẩm sau học nghề của phụ nữ tỉnh, giới thiệu trên 800 mặt hàng thực phẩm sạch do phụ nữ sản xuất đến người tiêu.

Đặc biệt, để góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hội LHPN đã triển khai thực hiện mô hình điểm “Nhà sạch - Vườn mẫu” tại 5 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Hà Trung. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện báo cáo chủ trương với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức khảo sát, lựa chọn 10 hộ có vườn liền kề nhau trong 1 thôn/xã để triển khai thực hiện mô hình; tổ chức cho đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Hội phụ nữ huyện, xã, thôn và các hộ tham gia mô hình thăm quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh; phối hợp với Hội làm vườn và trang trại tỉnh trực tiếp khảo sát thực tế tại các hộ, định hướng, thiết kế, quy hoạch vườn mẫu theo đúng tiêu chuẩn, quy trình; tập huấn, tư vấn lựa chọn con giống, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan vùng nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đến nay, các hộ tham gia mô hình được tập huấn các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, phân loại, xử lý rác thải đầu nguồn; gần 10km đường hoa/hàng rào xanh đã được hình thành; các hộ dân đã quy hoạch lại vườn tạp, đầu tư hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, làm cổng vòm trồng cây leo vừa tăng thu nhập, vừa tạo cảnh quan trong sân, vườn; chỉnh trang nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, bố trí vật dụng khoa học... Kết quả bước đầu cho thấy, đây là mô hình hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, duy trì hồn cốt nông thôn Việt Nam gắn với tạo dựng một cảnh quan nông thôn ngày càng khởi sắc.

Có thể khẳng định rằng, với sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Hội, cán bộ hội viên phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đã thực sự đi vào cuộc sống, động viên chị em phát huy nội lực, khẳng định vai trò, vị trí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chị em phụ nữ đã tích cực vận động gia đình hiến đất, làm đường, ủng hộ ngày công, tiền mặt để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Sự tham gia tích cực của phụ nữ đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông thôn, xóm, kênh mương nội đồng, hình thành nên những con đường hoa trải dài ngút ngàn tầm mắt, cảnh quan nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng nên những miền quê sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 539.496 hộ đạt 8 tiêu chí cuộc vận động, góp phần đưa 06 huyện, 322 xã và 799 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

Ngô Thị Hồng Hảo (CT)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video