Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá chú trọng nâng cao năng lực cho hội viên, phụ nữ gắn với sinh kế bền vững

02/08/2022
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho hội viên, phụ nữ gắn với sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập
Các học viên lập ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp

- Tập huấn khởi nghiệp gắn liền với bảo vệ rừng

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn khởi nghiệp và lập kế hoạch kinh doanh cho 60 phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, có dự định khởi nghiệp kinh doanh gắn liền với bảo vệ và phát triển rừng tại 5 xã nằm trong vùng có nguy cơ suy thoái rừng trên địa bàn hai huyện Thường Xuân và Bá Thước.

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng đã tác động tiêu cực đến sinh kế và môi trường sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ trong đó đa số là người dân tộc thiểu số ở nhiều xã miền núi có diện tích rừng bị ảnh hưởng. Nhiều chị em gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập, chưa thực sự mạnh dạn làm chủ, cũng như hạn chế kiến thức trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay trong sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, chương trình tập huấn đã giúp chị em được trang bị các kiến thức, kỹ năng về khảo sát thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng, lập kế hoạch về quản lý, phát triển kinh doanh, dịch vụ kết nối thị trường cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của các chuỗi giá trị…

Đây là hoạt động triển khai thỏa thuận hợp tác liên quan đến thực hiện "Thúc đẩy các sáng kiến trao quyền cho phụ nữ về kinh tế và môi trường" giữa Hội LHPN tỉnh và Hợp phần Quản lý rừng bền vững được tổ chức nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ miền núi, vùng dân tộc thiểu số xây dựng nền tảng vững chắc cho sinh kế bền vững và tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần tăng cường khả năng của phụ nữ trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng.

- Khai giảng lớp sơ cấp dạy nghề thổ cẩm

Lớp sơ cấp nghề dệt thổ cẩm được tổ chức cho hội viên phụ nữ xã Xuân Khang, huyện Như Thanh.

Toàn cảnh lớp sơ cấp nghề dệt thổ cẩm tại huyện Như Thanh

Trang phục truyền thống dân tộc Thái đã tồn tại rất lâu đời với nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo và đẹp mắt. Tuy nhiên, hiện nay số người biết thêu đã giảm và có nguy cơ mai một. Lớp dạy nghề thêu thổ cẩm truyền thống được mở ra góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong thời gian gần 3 tháng, các học viên tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm sẽ được các nghệ nhân truyền, dạy những kiến thức, kỹ năng dệt thổ cẩm của người đồng bào dân tộc ở địa phương để học viên tạo ra sản phẩm sau khi kết thúc khóa học; từ đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tự tạo thu nhập và tăng thu nhập chính đáng phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình. Đây là hoạt động nhằm góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái tại xã Xuân Khang, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

- Bế giảng lớp xoá tái mù chữ cho hội viên, phụ nữ

Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương’’, qua khảo sát cho thấy tại Bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn còn nhiều chị em phụ nữ mù chữ, tái mù chữ ở các độ tuổi khác nhau. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã đã phối hợp với Đồn BP Trung Lý mở lớp xoá mù chữ và tái mù chữ cho hội viên, phụ nữ của bản; đồng thời tuyên truyền, vận động chị em và người dân trong bản tham gia lớp học vào các buổi tối trong tuần.

Bế giảng lớp xoá mù chữ

Sau 3 tháng, các học viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã đọc được, viết được tiếng Việt và làm được các phép tính thông thường. Ngoài việc dạy chữ xóa mù, cán bộ Hội, các thầy giáo mang quân hàm xanh còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và học cách ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Kết thúc lớp học, 30 học viên đã được trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp xoá mù chữ.

Minh Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video