Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn: Vận hành hiệu quả 282 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng

04/08/2022
Phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội là mục tiêu được xác định tại hội thảo bàn giải pháp thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 938) do Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của Hội LHPN tỉnh và đại diện các ban ngành Sở Y tế, Sở GDĐT, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các huyện thành phố; đại diện Hội LHPN các xã/phường/thị trấn tiêu biểu trong thực hiện Đề án 938 giai đoạn 2017- 2022.

Với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn xác định triển khai Đề án 938 theo hướng cung cấp thông tin, kiến thức, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ về tích cực giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 938, có thể đánh giá, nhận thức, kiến thức, kỹ năng của hội viên, phụ nữ, cán bộ các cấp, ngành tham gia triển khai Đề án được nâng lên rõ rệt; giúp nhiều phụ nữ chủ động hơn trong việc chuyển đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; chủ động áp dụng kiến thức trong cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả như: mô hình Lên tiếng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em,“Thực hiện an toàn thực phẩm”, Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phát triển”, “Cha mẹ hiểu con”, “Chi hội phụ nữ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Phụ nữ phòng, chống rác thải nhựa”, “Đồng hành cùng phụ nữ nghèo, khuyết tật đưa trẻ đến trường”… Bên cạnh đó, các cấp Hội duy trì hoạt động hiệu quả hoạt động của 282 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, những vấn đề liên quan đến phụ nữ - trẻ em trên địa bàn và có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ kịp thời.

Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của Đề án giai đoạn 2017-2022, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng bàn thảo, đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án giai đoạn tới như: phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành trong thực hiện Đề án; lựa chọn nội dung trọng tâm tuyên truyền vận động ưu tiên để tập trung nguồn lực tạo sự thay đổi; đổi mới công tác tuyên truyền vận động, ứng dụng công nghệ thông tin và tận dụng lợi thế của các kênh truyền thông và mạng xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, lên tiếng mạnh mẽ trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em và tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình điển hình, hiệu quả trong thực hiện Đề án 938.

Ngọc Lan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video