Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: Hàng trăm cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với hội viên, phụ nữ được tổ chức

19/08/2021
Đó là một trong những kết quả nổi bật đạt được của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk trong công tác đối thoại, tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền 5 năm qua.
Toàn cảnh buổi Đối thoại giữa Thường trực tỉnh ủy với cán bộ nữ

Những năm qua, công tác đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn được Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk xác định là nhiệm vụ quan trọng, giúp tổ chức Hội thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội, phát huy dân chủ ở địa bàn dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người và góp phần ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” nhiệm kỳ 2017 - 2022, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu từng hoạt động và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đến các cấp Hội.

Kết quả, 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức được 100 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và 81 buổi tư vấn pháp luật giữa lãnh đạo Hội, lãnh đạo các sở, ban ngành với hội viên phụ nữ, thu hút gần 18 nghìn lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Qua các buổi đối thoại, hội viên phụ nữ đã đề xuất, kiến nghị gần 5 nghìn vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của hội viên phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề cho lao động nữ, chính sách cho cán bộ Hội cơ sở, các chế độ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, trẻ em khuyết tật, mồ côi, bạo lực gia đình, tảo hôn, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tình trạng ô nhiễm môi trường… Hầu hết các ý kiến, vấn đề hội viên phụ nữ đặt ra đều được trả lời, giải thích, tiếp thu thỏa đáng, dứt điểm, góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Đồng thời thông qua các buổi đối thoại cũng đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn phụ nữ nâng cao hiểu biết, ý thức thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  

Đối với hoạt động giám sát, trong 5 năm Hội LHPN các cấp thành lập 179 đoàn chủ trì giám sát việc triển khai, thực hiện luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh, như: Giám sát việc thực hiện Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ trong tình hình mới, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số”, Pháp lệnh 34 về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Quyết định số 1956 về đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, việc cấp thẻ BHYT, cấp gạo cứu đói giáp hạt, cấp tiền tết, chi trả tiền điện cho hộ nghèo, việc bình xét hộ nghèo, việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của UBND các xã... Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN đã cử cán bộ tham gia 657 đoàn giám sát do UBMTTQ Việt Nam, HĐND, UBND, Ban Dân vận, Ban Kinh tế, Ban Dân tộc, các đoàn thể, các ngành liên quan cùng cấp tổ chức.

Qua các cuộc giám sát, Hội LHPN các cấp đã phát hiện 2.669 phụ nữ chưa được hưởng chế độ hỗ trợ theo NĐ số 39/NĐ-CP, 36 trường hợp phụ nữ đơn thân thuộc hộ nghèo chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định, 117 trường hợp thuộc diện được hưởng chính sách cho người khuyết tật nhưng chưa được xét, 152 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, 4.139 thẻ bảo hiểm cấp sai thông tin, cấp trùng tên… Hội đã có văn bản kiến nghị cấp ủy, UBND cùng cấp chỉ đạo, trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành 84 văn bản chỉ đạo cấp ủy, UBND và các ngành chức năng triển khai thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế và đã có 2.740 phụ nữ được hưởng chế độ theo quy định NĐ số 39/NĐ- CP; một số sai sót trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử Đại biểu HĐND cấp xã đã được chỉ đạo thực hiện đúng quy trình; công tác quy hoạch nhân sự cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 được quan tâm; được cấp kinh phí đảm bảo cho hoạt động của các đề án 343, 704, 939, 938. Qua đó, Hội Phụ nữ xã được hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức hoạt động, trang bị máy vi tính, tủ đựng tài liệu; phó chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở được cấp thẻ BHYT, số thẻ bảo hiểm y tế cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi làm sai đã được bổ sung, sửa đổi làm lại kịp thời…

Lễ ra mắt Tổ tư vấn cộng đồng xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo

Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng trang “Tư vấn pháp luật miễn phí của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk”, qua hình thức tư vấn trên facebook, luật sư đã hướng dẫn và trả lời 72 câu hỏi, giúp hội viên có những quyết định đúng để giải quyết vấn đề bản thân liên quan đến pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thành lập 78 tổ tư vấn cộng đồng, đã tư vấn cho 691 lượt hội viên, phụ nữ; tiếp nhận và phối hợp với các ngành liên quan xử lý 1.045 đơn thư, vụ việc về đất đai, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình…

Với những hoạt động và kết quả đạt được trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đánh giá cao, góp phần từng bước mang lại hiệu quả rõ nét trong việc thực thi pháp luật và lòng tin của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong việc thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ ở địa phương.

 

Phạm Thị Len

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video