Hạnh phúc là được sống hết mình với niềm đam mê

11/03/2020
Thạc sỹ Trần Thị Hải Bình - Chi Cục nông, lâm sản và thủy sản- Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định là một người sống hết mình cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn khát khao vượt qua khó khăn, biến thử thách thành cơ hội để phát triển.
Chị Trần Thị Hải Bình nhận Giấy khen của Sở KH&CN tỉnh Nam Định

Không ngừng theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học đã theo chị từ những ngày đầu tại trường Đại học thủy sản Nha Trang. Qua sách vở, kiến thức thầy cô trang bị, và cả bằng sự trải nghiệm của bản thân, chị Bình thấu hiểu và cảm nhận được sự vất vả của những người lao động tạo ra những thành quả khai thác thủy sản.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị trở về quê hương Nam Định công tác tại Sở Thủy sản. Được công tác đúng chuyên ngành đào tạo, cộng thêm sức trẻ và trên hết là niềm đam mê yêu ngành, yêu nghề, chị Bình đã luôn nỗ lực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu tài liệu, sáng tạo trong công việc.  

Chị Bình cho biết, chị thường xuyên dành thời gian tới các khu vực nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu về đặc thù thổ nhưỡng từng vùng, về phương thức canh tác của bà con đồng thời hiểu được cả những vất vả của người nuôi trồng thủy sản. Trong nuôi trồng thủy sản, chỉ cần một tác động nhỏ của môi trường hay các tác nhân khác như nước nhiễm độc, ô nhiễm… thì thủy hải sản đều có nguy cơ bị bệnh cao, lây lan nhanh khiến người dân có nguy cơ mất trắng. Bên cạnh đó, lâu nay người nuôi phần lớn chưa biết cách phòng bệnh cho thủy hải sản, chỉ đến khi phát hiện bệnh mới xử lý cộng với việc lạm dụng hóa chất để xử lý nước, dùng các loại thuốc, chế phẩm sinh học để xử lý dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Với suy nghĩ: “Khoa học là phải gắn liền với thực tiễn, các nghiên cứu đều phải xuất phát từ những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, hướng đến tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường”, chị Bình đã vận dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm trong quá trình công tác, tập trung tìm tòi, nghiên cứu đưa ra sáng kiến “Sử dụng thảo dược thay thế hóa chất và thuốc kháng sinh chữa bệnh cho đàn cá trắm cỏ trong ao hồ nước tĩnh” (sáng kiến cấp tỉnh năm 2008). Đây là sáng kiến đầu tiên của chị và đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng Lao động sáng tạo. Theo đó, thực tế cho thấy, để ngăn ngừa bệnh do vi khuẩn gây ra trên đàn cá trắm nước ngọt và điều trị khi cá đã bị bệnh, người dân thường sử dụng thuốc kháng sinh để xử lý nước, hoặc trộn vào thức ăn, gây ra dư lượng thuốc kháng sinh tồn đọng trong cá không có lợi cho sức khoẻ con người. Hơn nữa nó còn là nguyên nhân làm tăng khả năng kháng thuốc của một số chủng vi khuẩn và làm nó mạnh thêm. Vì thế các đợt điều trị sau không còn phát huy tác dụng. Chị Bình đã nghiên cứu đưa vào ứng dụng dùng lá trầu không, lá sắn thuyền trị bệnh cho cá trắm cỏ theo kinh nghiệm dân gian. Kết quả thu được rất khả quan, cá khỏi bệnh, nhanh lớn, không để lại tồn dư kháng sinh, cũng không bị tác dụng phụ, quan trọng nhất là chi phí thấp, nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trong tự nhiên. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng thảo dược thấp hơn nhiều so với sử dụng thuốc và hóa chất. Kết quả nghiên cứu của chị đã được ứng dụng rộng rãi.

Đến nay, sau 19 năm công tác, mỗi năm chị đều có một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được các cơ quan chuyên môn của tỉnh đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của tỉnh. Có thể kể đến một số sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học khác như: sáng kiến “Tận dụng nguồn rơm rạ dư thừa trong nông thôn để sản xuất giá thể trồng rau mầm chất lượng cao bằng công nghệ sinh học”  (sáng kiến đạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ 2);  sáng kiến Nghiên cứu hiệu quả giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng tầng mặt” tại Giao Phong – Giao Thủy – Nam Định ( sáng kiến cấp cơ sở); sáng kiến  “Sáng tạo hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi trồng thủy sản” (đạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ 4); Sáng kiến Sử dụng lá sắn thuyền chữa bệnh đốm đỏ cho cá trong giai đoạn chuyển mùa” và 02 sáng kiến này đã được trao giải thưởng KOVA  lần thứ 12 về Khoa học công nghệ ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế ” năm 2014; sáng kiến “Sử dụng muối nhạt tách natri và chế phẩm sinh học EM thay thế hóa chất trong bảo quản chế biến thủy sản” (sáng kiến đạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ 6) và gần đây nhất là: sáng kiến “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm hàng ngày bằng dụng cụ siphong đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại Giao Long – Giao Thủy (đạt Giải Nhất hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ 7, năm 2019)

Từ những ứng dụng sáng kiến nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, những năm gần đây, nhiều địa phương của tỉnh Nam Định đã áp dụng xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cho năng suất cao và giá trị kinh tế lớn đồng thời cũng khắc phục được vấn đề môi trường, không làm tầng nước ngầm bị ảnh hưởng và sinh thái tự nhiên cửa biển được bảo toàn.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua

Không chỉ đam mê khoa học mà với trách nhiệm được giao là trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp của đơn vị, chị Bình tham gia hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho các địa phương và các đơn vị sự nghiệp trong ngành, tuyên truyền vận động ngư dân làm tốt công tác chuẩn bị ao đầm và toàn bộ quá trình sản xuất đảm bảo ATTP, từ khâu đầu tiên cho tới khi ra sản phẩm cuối cùng. Thường xuyên thực hiện các khâu kiểm tra đôn đốc, giải quyết các khâu vướng mắc về giống, về kỹ thuật nuôi trồng và phòng trừ dịch bệnh. Qua đó xây dựng được phong trào nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh mẽ mà trọng tâm là phong trào nuôi tôm sú, nuôi ngao vạng, nuôi cua biển, đặc biệt là nôi cá bống bớp và quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa, đất làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để phát huy tiềm năng, tư duy sáng tạo của phụ nữ trên các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học góp phần xây dựng quê hương, chị Bình mong muốn: “Ngành KH và CN cùng các ngành liên quan tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân có điều kiện về thời gian, vật chất để tư duy sáng tạo; Khích lệ bằng cách thu hút đầu tư để phát triển, thương mại hóa các ý tưởng, trao thưởng cho các nhà khoa học và đảm bảo rằng những tri thức mới của họ sẽ được bảo vệ, phổ biến cho cộng đồng; Hỗ trợ việc đăng ký bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, phòng ngừa tranh chấp; Chủ động đề xuất, “đặt hàng” nghiên cứu để khuyến khích, động viên chị em mạnh dạn sáng tạo”.                                             

Lê Thi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video