Gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi

15/06/2021
- Nam Định: Bà Vũ Thị Mận- hội viên phụ nữ cao tuổi hăng say làm kinh tế
- Hà Giang: Chị Trương Thị Ngần làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt
Bà Vũ Thị Mận cùng chị em phụ nữ đan giỏ nhựa tăng thu nhập

- Nam Định: Hội viên phụ nữ cao tuổi hăng say làm kinh tế

Với tâm niệm “Còn sức khỏe là còn lao động”, bà Vũ Thị Mận - hội viên chi hội phụ nữ xóm 25, thôn Lạc Chính, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định luôn đi đầu trong mọi phong trào và hoạt động tại địa phương. Ở tuổi 68, bà không chỉ giỏi việc đồng áng mà còn là người đưa nghề đan giỏ nhựa về làng tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trên địa bàn.

Bà chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi, khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, bà luôn suy nghĩ làm thế nào để tìm ra việc làm phù hợp ở độ tuổi của mình mà có thêm thu nhập. Sau đó, bà Mận quyết định học đan giỏ nhựa bởi ưu điểm vượt trội của nghề này là không cần vốn và có người chuyển nguyên liệu đến tận nhà, không gò bó về thời gian rất phù hợp với phụ nữ tuổi cao mắt kém. Từ đó, bà quyết tâm học nghề tại cơ sở sản xuất giỏ nhựa ở xã bên về dạy cho chị em trong xóm.

Sau một thời gian, sản phẩm giỏ nhựa của chị em làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất và có nhiều đơn đặt hàng giúp tăng thêm thu nhập ổn định, do đó ngày càng có nhiều chị em tham gia vào công việc đan giỏ nhựa. Dần dần, uy tín của bà Mận ngày một tăng lên và được cơ sở sản xuất giao nhiều đơn hàng mới, khó hơn với hàng ngàn mẫu mã sản phẩm khác nhau.

Bà Mận cho biết, từ công việc đan giỏ nhựa, bà thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng và tạo việc làm cho 20 chị em phụ nữ cao tuổi với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

- Hà Giang: Chị Trương Thị Ngần làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt

Đó là mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt của gia đình chị Trương Thị Ngần, hội viên chi hội phụ nữ tổ 14, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Khi mới xây dựng gia đình vào năm 2015, gia đình chị Ngần thuộc diện hộ nghèo của thị trấn, gia đình chỉ trông chờ vào cấy lúa và trồng ngô nên thu nhập bị hạn chế, nhiều năm gia đình còn bị thiếu ăn khi giáp vụ… Không cam chịu cảnh đói nghèo, thiếu thốn, chị đã bàn với chồng là anh Hoàng Văn Thương tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để tăng thu nhập và lấy nguồn phân bón phục vụ cho trồng trọt.

Gia đình chị Ngần nuôi hàng trăm con vịt

Đầu năm 2017, chị mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 60 triệu đồng. Từ số tiền vay được, chị đầu tư mua 2 con bê con, 1 con lợn nái và mua thêm gà, vịt giống về nuôi. Vừa phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình chị Ngần đã đón nhận những thành công bước đầu từ mô hình kinh tế hộ “chăn nuôi kết hợp với trồng trọt”. Chị cho biết, gia đình chị bán 2 con bò được 70 triệu đồng, số tiền thu được đem trả nợ ngân hàng, số tiền còn lại, chị tiếp tục đầu tư phát triển đàn lợn nái sinh sản và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà, vịt để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Chị chia sẻ thêm, để phát triển chăn nuôi thành công thì phải không ngừng học hỏi các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm qua sách, báo và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, chị cũng luôn tìm đến các mô hình phát triển chăn nuôi thành công trên địa bàn xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm nhất là công tác vệ sinh và phun khử trùng chuồng trại, giữ cho chuồng ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè… Từ năm 2019 đến nay, tổng thu nhập của chị từ chăn nuôi đạt khoảng 350 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn, thuốc tiêm phòng… còn lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Ngần còn là một hội viên xuất sắc của chị hội phụ nữ tổ 14, thị trấn Việt Lâm. Trong những năm qua, hội phụ nữ thị trấn đã lấy gương làm kinh tế giỏi của chị Trương Thị Ngần để tuyên truyền cho chị em phụ nữ thị trấn Việt Lâm noi gương và làm theo.

                                                             

HPN Nam Định, Phạm Văn Phú

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video