Giữ nghề bện chổi giữa lòng đô thị

13/01/2021
24 năm gắn bó với nghề bện chổi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh đã có được một cơ ngơi ổn định và đang hướng tới mục tiêu phát triển nghề truyền thống này giữa lòng đô thị.
Với nghề bện chổi, vợ chồng chị Thanh đã cất được nhà, lo cho bốn người con ăn học

Những ngày đầu năm mới, vợ chồng chị Thanh tất bật hơn thường lệ. Trong khi chồng mải miết bện, tra cán, ngược xuôi giao hàng thì vợ cắm cúi cắt tỉa những cây chổi đót cho đều và đẹp nhằm chuẩn bị cho đợt xuất hàng sang Singapore.

Hai năm nay, chị Thanh bị gai cột sống, ngồi lâu bị đau, thành ra một tay anh Nguyễn Thanh Mạnh, 54 tuổi, chồng chị lo khâu bện chổi. “Chổi dừa tụi tôi mua nguyên liệu từ Bến Tre, Trà Vinh, anh Mạnh bện. Còn chổi đót thì có cơ sở của chị chồng trên Lâm Đồng bện thô gửi xuống để tôi hoàn tất những khâu cuối như tra cán nhựa, quấn cước, kẽm, tỉa đầu cho bằng. Hai vợ chồng làm miệt mài, mỗi ngày được 300-400 cây chổi các loại, cao điểm cũng lên tới 700 cây”, chị Thanh cho biết.

Chị Thanh năm nay 50 tuổi, sinh trưởng tại P.Linh Đông, TP.Thủ Đức. Năm 20 tuổi, chị gặp anh Mạnh. Gia đình anh Mạnh có nghề làm chổi, nhưng khi đó chỉ làm bán lẻ. Chị Thanh cười hạnh phúc: “Bà con cứ trêu tôi may mắn mới gặp được chồng. Ảnh không rượu bia, thuốc lá, cả ngày chỉ nghĩ đến việc làm chổi thôi. Cưới nhau năm 1990, tụi tôi thuê nhà trọ, tôi vẫn làm công nhân, còn anh Mạnh bện chổi chở đi bán dạo. Sau mấy năm, tụi tôi đánh liều vay mượn tiền mua miếng đất bên khu phố 1, P.Linh Đông, cất căn chòi lá. Năm 1997, tôi sinh con gái đầu lòng, ảnh bảo tôi ở nhà vợ chồng cùng làm chổi, bữa nào mệt thì nghỉ. Vậy chứ suốt 24 năm nay, năm nào tụi tôi cũng chỉ nghỉ có hai ngày mùng Một và mùng Hai tết”.

Cơ sở bện chổi của vợ chồng chị Thanh hiện ở khu phố 2, P.Linh Đông, TP. Thủ Đức. Ngoài cung cấp chổi dừa, chổi đót cho thị trường xuất khẩu và thị trường quanh khu vực Thủ Đức - Bình Dương - Đồng Nai, anh chị còn thu mua chổi tàu cau, bện thêm chổi quét bếp, quét đường. Giá thành bán ra mỗi cây chổi dao động từ 10.000-50.000 đồng tùy loại. Thời gian đầu, có 5-6 công nhân túc trực làm việc cùng vợ chồng chị, nhưng bây giờ họ chuyển lên Lâm Đồng bện thô rồi gửi xuống.

Hỏi về nghề làm chổi, chị Thanh tình thiệt: “Trầy trật dữ lắm, nghề này đâu có máy móc gì, làm bằng tay hết, lấy công làm lời thôi. Hồi đầu, tôi vụng, bện đâu hư đó, mà nguyên liệu thì đắt, tiếc đứt ruột. Đã có nhiều bạn trẻ tới học nghề, nhưng chỉ dăm ba tháng là chạy hết, than cực. Cái khổ nữa là bông đót cắt vào tay chân, ngứa ngáy, đau rát. Khâu bện chổi đã lắm nhọc nhằn, đến khi đi chào hàng cũng chẳng dễ dàng, chưa quen biết người ta lắc đầu xua đuổi. Chồng tôi động viên, cứ hình dung ra cái nhà thật tinh tươm mình sẽ cất được mai này đặng có động lực”.

Hội LHPN P.Linh Đông, TP.Thủ Đức thăm cơ sở sản xuất chổi của vợ chồng chị Thanh

Xốc bó chổi dừa lên vai chuẩn bị chạy đi sau cú điện thoại của tiểu thương ngoài chợ Thủ Đức, anh Mạnh góp chuyện: “Rồi cũng cất được nhà thiệt. Những năm đầu, tụi tôi làm quên ăn quên ngủ, bện chổi liên tục từ 4g sáng tới 11g đêm, tích cóp tới năm 2001 thì trả hết nợ, xây được nhà. Bây giờ thảnh thơi hơn, có thời gian nghỉ ngơi buổi tối”.

Vợ chồng chị Thanh có bốn người con, hai cô con gái đầu người dạy mầm mon, người là cô giáo tiếng Anh. Sau giờ lên lớp, các con đều quay về phụ giúp ba mẹ. Qua rồi cái cảnh “chai mặt” đi chào hàng, giờ đây sản phẩm của anh chị đã được biết tới rộng rãi, luôn có mối lấy hàng mỗi ngày.

Có đợt hụt tiền thu mua nguyên liệu, Hội Phụ nữ địa phương đã giới thiệu chị vay 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thuộc Hội LHPN TP.HCM, nhờ đó cái khó về vốn cũng được tháo gỡ phần nào. Chị Thanh bày tỏ, thời gian tới muốn mở rộng mặt bằng, thu mua bông đót, tàu cau, cọng dừa về để truyền nghề bện chổi cho lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Anh Thy - Chủ tịch Hội LHPN P.Linh Đông, TP.Thủ Đức - khẳng định: “Nếu khó khăn về vốn thì chị Thanh cứ mạnh dạn trao đổi, Hội luôn đồng hành”.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video