Dự án GREAT nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

11/07/2022
Đào tạo, hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp địa phương, giúp phụ nữ làm chủ kinh tế, nâng cao vị thế, tạo sự tự tin, khẳng định bản thân và thay đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng giới- Đó là những chuyển biến tích cực từ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La” (gọi tắt là dự án GREAT).
Mô hình trồng rau giống nhà màng của hộ chị Đinh Thị Hường, bản Hang Trùng 1, huyện Vân Hồ.

Dự án GREAT do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Sơn La hơn 283 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 13,5 tỷ đồng. Trong 3 năm thực hiện dự án, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 33 tiểu dự án do 27 đối tác thực hiện. Hiện có 4 dự án dừng hoạt động trước thời hạn; 25 dự án đã kết thúc và 4 dự án đang thực hiện. Dự án đã thu hút gần 24.000 phụ nữ tham gia các hoạt động trực tiếp; 14.159 phụ nữ được hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng trong nông nghiệp và du lịch; gần 36.500 lượt phụ nữ được tập huấn về kỹ năng sản xuất, chế biến, du lịch hoặc kinh doanh; gần 13.500 lượt phụ nữ được tạm ứng giống, vật tư đầu vào cho sản xuất. Đến nay, dự án đã giúp hơn 6.600 phụ nữ tham gia tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh; trong đó, trên 1.000 phụ nữ là lãnh đạo tổ, nhóm; 8.559 phụ nữ được cải thiện thu nhập… xây dựng thành công một số chuỗi ngành hàng, như: Chuỗi măng sạch xuất khẩu tại các huyện: Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã; chuỗi rau an toàn, giá trị kinh tế cao tại xã Vân Hồ…

Điển hình ở huyện Vân Hồ đã thành lập được 3 HTX, 9 tổ hợp tác, với gần 700 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ hợp tác cung ứng măng an toàn do Dự án xây dựng tại các xã: Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân; các thành viên tham gia Dự án được đào tạo, hướng dẫn thu hái và chế biến măng rừng tự nhiên, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ các dụng cụ phục vụ chế biến, nhà xưởng, nhà sấy năng lượng mặt trời; liên kết sản xuất tiêu thụ với các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, Dự án còn tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Thành lập tháng 9/2020, HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đã liên kết tiêu thụ, thu mua măng khai thác từ rừng tự nhiên của 4 tổ hợp tác, với gần 300 hộ dân địa phương; đã sơ chế và bán cho Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bái) được 7 tấn sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Bà Lò Thị Hà, thành viên Tổ hợp tác bản Tưn, xã Xuân Nha, chia sẻ: Chúng tôi được HTX cam kết bao tiêu 100% sản lượng măng khai thác từ rừng tự nhiên. Có việc làm và thu nhập, phụ nữ chúng tôi rất phấn khởi. Để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, HTX đã tuyên truyền, vận động các thành viên trong tổ hợp tác đăng ký trồng mới gần 40 ha măng bát độ, dự kiến cho thu tới 50 triệu đồng/ha, mà không tốn chí phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch lên tới vài chục năm và không bị mất mùa.

Còn Dự án “Ươm mầm tương lai tươi sáng cho phát triển kinh tế và trao quyền cho phụ nữ ở Sơn La thông qua cây giống và rau nhà màng chất lượng cao”, thuộc Dự án GREAT đã hỗ trợ mô hình nhà ươm và nhà màng sản xuất rau chất lượng cao tại các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu và Mai Sơn, tổng đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng, các hộ tham gia dự án đối ứng 50%. Chị Đinh Thị Hường, bản Hang Trùng 1, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Tháng 9/2020, gia đình tôi được dự án hỗ trợ làm nhà ươm rộng 350m², cung cấp khay và giá thể để thực hiện ươm rau giống, với trị giá 256 triệu đồng để tham gia vào chuỗi liên kết trồng rau an toàn tại địa phương, đem lại thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm, hiện gia đình đã hoàn trả 128 triệu đồng vốn đối ứng 50% theo yêu cầu dự án.

Mô hình sấy măng trong nhà sấy năng lượng mặt trời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha, huyện Vân Hồ.           

Sau 3 năm thực hiện, Dự án GREAT đã kết thúc giai đoạn 1 và hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn phù hợp với năng lực, phong tục tập quán của phụ nữ dân tộc thiểu số, tạo sinh kế, thu nhập, thay đổi tư duy, nhận thức về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng khó khăn tự tin, làm chủ cuộc sống và vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, giai đoạn II của Dự án đang được chuẩn bị và khởi động, dự kiến ngân sách tài trợ khoảng 2,2 triệu AUD (đô la Úc), tương đương gần 35,8 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra cơ hội mới cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế gia đình thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

baosonla

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video