Cựu nữ pháo thủ lặng lẽ cống hiến giữa đời thường

29/05/2020
Bà Trần Thị Hồng Thái, thương binh hạng 4/4, từng là Khẩu đội trưởng cối 82 ly của Đội Nữ pháo binh Thị đội Tuy Hòa thời kháng chiến chống Mỹ. Với tấm lòng nhân ái, khi đất nước đã yên bình, bà tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, tích cực tham gia công tác cựu chiến binh (CCB), được nhiều người quý mến.
Bà Trần Thị Hồng Thái năm 1974.

Ở tuổi 69, tóc đã điểm bạc nhưng trông bà Thái vẫn còn khỏe mạnh. Sống giản dị, đơn thân trong ngôi nhà cấp 4 của cha mẹ để lại ở khu phố Phước Hậu 2 (phường 9, TP Tuy Hòa), nhiều lúc những ký ức một thời bom đạn chợt hiện về trong tâm trí bà.

Hy sinh tuổi xuân để cứu nước

Là con thứ bảy trong một gia đình có truyền thống cách mạng (cha là liệt sĩ Trần Tân, anh và chị đều thoát ly tham gia cách mạng), ngay từ nhỏ, cô gái Trần Thị Hồng Thái đã nung nấu ý chí đi theo con đường cha anh đã chọn. Năm 1967, vừa tròn 16 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, được tổ chức phân công làm nhiệm vụ liên lạc, mang gạo, thuốc men cất giấu trong nhà dân để chuyển lên vùng căn cứ. Đến năm 19 tuổi, Hồng Thái xung phong gia nhập lực lượng vũ trang của Thị đội Tuy Hòa đóng quân tại thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến. Khi mới vào đơn vị, Hồng Thái giúp việc cho chị nuôi, đơn vị giao nhiệm vụ gì cũng đều hoàn thành tốt. Nhờ sự nhanh nhẹn, khéo léo nên ít lâu sau, bà được cấp trên chuyển sang phụ trách giao liên.

Khi đội nữ pháo binh của Thị đội Tuy Hòa được thành lập, Hồng Thái được cử đi học lớp Pháo binh (cùng với bà Hồ Thị Nhân, Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ số 1 của Khẩu đội 1 cối 82 ly thuộc Đại đội Nữ pháo binh 167 tỉnh Phú Yên), sau đó được điều qua phụ trách Khẩu đội cối 82 ly, gồm 4 người (3 nữ và 1 nam). “Những ngày Đội Nữ pháo binh mới thành lập, chị em gặp muôn vàn khó khăn trong huấn luyện và sinh hoạt”, bà Thái nhớ lại. Bấy giờ điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, chị em trong đội vừa đánh giặc vừa huấn luyện. Pháo thì rất nặng, đòi hỏi chị em phải có sức khỏe dẻo dai để mang vác, cơ động nhanh trong chiến đấu. Tuy vậy, chị em không quản ngày đêm huấn luyện từ động tác, kỹ thuật cơ bản đến hiệp đồng các số trong khẩu đội và kết hợp hành quân rèn luyện để tăng độ bền. “Những lúc hành quân mà bị lên cơn sốt rét rừng thì phải nhờ anh em Đội Quyết thắng mang vác hộ. Có khi chỉ ăn cơm vắt, uống nước suối, ngủ chiến hào, 2 ngày mặc một bộ đồ hết ướt rồi lại khô, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn”, bà Thái cho biết.

Năm 1973, bà Thái cùng đồng đội tham gia trận pháo kích vào nhà lao, sân bay dã chiến Tuy Hòa nằm cạnh quốc lộ 1. Bà nhớ lại: “Buổi tối, chúng tôi hành quân xuống núi Chóp Chài để khảo sát địa hình, nhắm hướng rồi chỉnh cự ly phóng pháo vào trung tâm đầu não của địch. Chúng phản pháo dữ dội. Tôi bị trúng mảnh đạn ở tay, phổi… Sau đó, tôi được đồng đội băng bó vết thương rồi đưa về Bệnh xá F 108 điều trị. Sau khi lành bệnh, tôi trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Bây giờ có mảnh đạn vẫn còn nằm trong người”.

Bà Thái (phải) cùng đồng đội tại suối Đá Bàn thuộc thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến năm 1974. Ảnh nhân vật cung cấp

Khi nào nhận lệnh của cấp trên, khẩu đội pháo binh của bà Thái mới hành quân làm nhiệm vụ, chủ yếu là đánh áp lực nhằm gây hoang mang và hạn chế những trận càn của địch từ thị xã ra những vùng giải phóng lân cận. Mỗi lần mở chiến dịch, lực lượng bộ đội, trinh sát, Đội Quyết thắng đi trước để hỗ trợ khẩu đội pháo của bà làm nhiệm vụ. Còn những ngày rảnh rang, khẩu đội cùng anh em trong đơn vị trồng rau, tăng gia sản xuất.

Đã 46 năm trôi qua nhưng bà Thái vẫn nhớ như in lần khẩu đội pháo của bà nhận nhiệm vụ pháo kích vào Trung đoàn bộ Trung đoàn 47 của ngụy (nay là địa điểm Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đứng chân). Bà kể: “Năm 1974, khẩu đội chúng tôi hành quân có Đội Quyết thắng cùng lực lượng quân dân chính đảng hỗ trợ. Tối đó, chúng tôi lội men theo bờ ruộng, gặp chỗ bùn lầy lún đến quá đầu gối (vì khu vực này ngày xưa sâu và lầy lội rất khó đi) để băng qua đồng lúa, ngang qua cây sộp đến bãi cát khu vực Ninh Tịnh để đặt pháo. Xác định tọa độ xong là chúng tôi thả liền mấy quả vào đồn địch rồi tất cả rút về đơn vị an toàn. Đêm đó có lẽ bọn chúng không thể nào chợp mắt được”.

Từ năm 1974 đến đầu xuân 1975 là những tháng ngày bộ đội ta chiến đấu ác liệt nhất gắn với củng cố lực lượng, chuẩn bị binh lực mở chiến dịch giải phóng Phú Yên. Đầu năm 1975, khẩu đội pháo của bà tháp tùng cùng đơn vị phục vụ chiến trường. Sau đó, vì là người địa phương và có thời gian hoạt động ở nội thị nên bà Thái được cử dẫn đường cho bộ đội truy bắt tàn quân của ngụy và tiếp quản thị xã ở khu vực phường 1 (đoạn đường Phan Đình Phùng), rồi tiếp quản Ty Cảnh sát của ngụy (khu vực vườn hoa Diên Hồng, đường Lê Trung Kiên ngày nay). Sau ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, đơn vị của bà chuyển về đóng quân ở Phước Hậu…

Tiếp tục cống hiến lúc về già

Chiến tranh kết thúc, Khẩu đội Nữ pháo binh cối 82 hoàn thành nhiệm vụ, bà Thái chuyển sang công tác ở Phòng Hành chính của Thị đội Tuy Hòa. Đến năm 1976, chuyển qua Phòng Hành chính Trường Ngân hàng 2 Phú Yên (nay là Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên). Năm 1981, bà được điều sang công tác tại Công ty Đá thuộc Sở Xây dựng Phú Khánh. Đến khi tái lập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, bà chuyển về công tác tại Công ty Vật liệu xây dựng Phú Yên. Sau này thành lập Công ty Tư vấn xây dựng Phú Yên, bà làm công tác tổ chức cho đến năm 2004 nghỉ hưu.

Giờ đây, tuy đã 69 tuổi nhưng bà Thái vẫn hăng hái cống hiến cho việc xây dựng phát triển của địa phương. Hiện tại, bà được các CCB tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 2 (nhiệm kỳ 2017-2022) và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB phường 9, TP Tuy Hòa.

Hàng ngày, bà Thái dành phần lớn thời gian tham gia hội họp ở khu phố, phường. Bà luôn quan tâm, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, thăm hỏi, động viên những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng đội cùng tham gia chiến đấu với mình. Trong cuộc sống hiện tại, người khẩu đội trưởng khẩu đội nữ pháo binh (cấp bậc thượng sĩ) của Thị đội Tuy Hòa năm xưa luôn lấy niềm hạnh phúc, an yên của mọi người xung quanh làm niềm vui cho bản thân mình.

“Hồi ở chiến trường, tôi có mối tình sâu đậm với một y tá cùng đơn vị (quê ở Sông Cầu). Năm 1972, anh ấy đã anh dũng hy sinh và bị địch lấy mất xác. Sau này, tôi cũng tìm hiểu vài người nhưng không hợp nên quyết định ở vậy cho đến bây giờ”, cựu nữ pháo thủ trải lòng…

baophuyen.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video