Bộ trưởng có một không hai

25/11/2019
Trước Jackie Doyle-Price, nước Anh chưa từng có chức danh đó, trong suốt chiều dài lịch sử. Và thực ra, bà cũng là người đứng đầu một cơ quan chuyên trách chưa từng có trên thế giới: Bộ trưởng Ngăn ngừa Tự tử.

Hoàn toàn không phải chuyện đùa

Trong ba năm làm Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã phải cân nhắc tới lui những hệ lụy từ việc nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU). Ðó là nguyên nhân khiến nội các nước này có thêm hai cơ quan cấp bộ với tên gọi khá lạ lùng kể từ năm 2018: Bộ Hỗ trợ Người cô đơn và Bộ Ngăn ngừa tự tử.

Hành động đó đã phải hứng chịu không ít sự chế nhạo, châm chọc từ giới truyền thông cũng như người dân châu Âu lục địa. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc ở góc độ xã hội học, người Anh có lý. Lối sống công nghiệp khiến con người cảm thấy ngày càng cô đơn giữa xã hội hiện đại.

Các nghiên cứu tại Anh cho thấy quốc gia này có khoảng chín triệu người cô đơn. Một bộ phận trong số họ dần chuyển sang trầm cảm, cuối cùng là tự sát. Trong năm 2017, Anh ghi nhận trung bình 16 vụ tự sát diễn ra mỗi ngày trên toàn đất nước. Số người chết vì tự tử ở đảo quốc sương mù nhiều chẳng kém gì các căn bệnh nan y.

Trước vấn đề ngày càng nghiêm trọng theo thời gian đó, nước Anh đã đi tiên phong trong công cuộc chống lại nạn tự tử. Vào đúng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10-2018, họ chính thức thành lập Bộ Giải quyết Sức khỏe tâm lý, bất bình đẳng và ngăn ngừa tự tử. Người được tin tưởng trao chức vụ Bộ trưởng là một phụ nữ mang tên Jackie Doyle-Price.

Giải quyết trực diện

Trên cương vị mới, bà Doyle-Price nhanh chóng bắt tay vào giải quyết những vấn đề trước mắt nhằm hạn chế tỷ lệ tự tử. Hệ thống an sinh xã hội không chỉ tăng cường chăm lo sức khỏe thể chất của công dân, mà còn quan tâm hơn đến tâm lý của họ. Chính phủ hỗ trợ thêm cho những tổ chức xã hội giúp ngăn ngừa những người có ý định tự kết liễu đời mình. Một trang web cũng được thành lập, để giúp mọi người nhận biết những dấu hiệu thường gặp ở một người có ý định quyên sinh.

"Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người quyết định tự tử. Suy thoái kinh tế, nợ nần, cô đơn đều có thể khiến họ nghĩ quẩn", Doyle-Price nhận định. Tuy nhiên để tìm hiểu chính xác nguyên nhân ở mỗi người, hồ sơ bệnh án hay hóa đơn chi tiêu của họ không thể phản ánh hết. Vì thế theo bà Doyle-Price, cách tốt nhất là tìm hiểu xem họ nói gì trên mạng xã hội, rồi sử dụng chính mạng xã hội để cải thiện tâm lý họ. Trong bối cảnh phần lớn mọi người bây giờ đều dùng mạng xã hội, biện pháp này tỏ ra vừa thuận tiện, lại tiết kiệm kinh phí.

 Bộ trưởng có một không hai

 Trên cương vị mới, bà Doyle-Price nhanh chóng bắt tay vào giải quyết những vấn đề trước mắt nhằm hạn chế tỷ lệ tự tử


Những biện pháp trực tiếp đó đã lập tức ảnh hưởng tích cực đến việc ngăn ngừa tự tử tại Anh. Tỷ lệ người tìm đến cái chết, nhất là ở nam giới đã giảm xuống rõ rệt. Không ít người trở lại với cuộc sống thường nhật, dù từng nuôi ý định kết liễu đời mình nhiều lần. Ðó là một thành công nằm ngoài dự đoán, dù tất cả được triển khai trong thời gian rất ngắn.

Công việc còn khiến Doyle-Price phát hiện: Ngay cả những quan chức hàng đầu tại Anh cũng gặp vấn đề về mặt tâm lý trong thời gian tại vị. Bà May thường xuyên bị căng thẳng đến mức phải tiến hành trị liệu định kỳ. Những giọt nước mắt trong ngày bà tuyên bố từ chức phản ánh phần nào áp lực khổng lồ đè nặng trên vai bà vài năm qua. Nếu không có sự vào cuộc của những cơ quan chuyên trách, hẳn tình hình có thể tệ hơn rất nhiều.

"Tại sao cứ bàn chuyện chi tiền mãi?"

Có rất nhiều lý do khiến Thủ tướng May bổ nhiệm Doyle-Price vào chính phủ trước đây. Người phụ nữ 50 tuổi này thuộc đảng Bảo thủ, nhưng mang trong mình tinh thần vì người lao động chẳng khác nào những thành viên Công đảng. Bản thân bà cũng nói lẽ ra bà phải gia nhập Công đảng, nếu không có một biến cố lớn trong cuộc đời ở thập niên 80 của thế kỷ trước khiến bà phải nghiêm túc suy nghĩ trước khi bước chân vào chính trường.

Doyle-Price lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở vùng Yorkshire. Cha bà làm thợ xây, còn mẹ là công nhân xí nghiệp. Họ lao động cật lực mỗi ngày, nhưng mơ ước sở hữu một căn nhà cứ ngày một xa vời. Hồi đó nước Anh có nhà ở xã hội, nhưng thuộc sở hữu của chính phủ và cho người dân thuê dài hạn. Nhà ở thương mại thì quá đắt đỏ tới mức dân lao động chẳng bao giờ dám nghĩ tới.

Chỉ đến khi bà Margaret Thatcher, một người thuộc đảng Bảo thủ lên làm Thủ tướng và ban hành chính sách trao quyền mua nhà cho các công nhân, họ mới có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ. Ở chiều ngược lại, Công đảng thời điểm ấy lại ra sức ngăn cản chính sách nói trên. Chính điều đó khiến Doyle-Price quyết định ủng hộ đảng Bảo thủ sau này.

Gần 20 năm hoạt động ở chính trường Anh giúp Doyle-Price có một góc nhìn rất riêng về đất nước. Không ít người lao động làm quần quật mà vẫn không đủ ăn, trong khi nhiều kẻ khác không chịu đi làm, ăn bám xã hội mà vẫn có thể sống tốt. Một vấn đề khác là mọi người bàn chuyện chi tiêu ngân sách quá nhiều, trong khi chưa bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho những người đóng góp.

"Tại sao trong các buổi tranh luận, ai cũng bàn xem nên chi bao nhiêu cho y tế, giáo dục, quốc phòng?", Doyle-Price hỏi "Tất cả chỉ nghĩ chi tiền bao nhiêu, chi tiền vào đâu mà không nhận thức được toàn bộ ngân sách đều đến từ người nộp thuế. Ðó là công việc của chúng tôi, bao gồm cả việc ngăn ngừa tự tử. Người lao động cần được chăm sóc tốt để tiếp tục làm việc và cống hiến cho đất nước".

Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng, lịch làm việc hằng ngày của bà Doyle-Price đều được cập nhật. Mọi tài liệu có liên quan đến công việc cũng được đăng tải công khai để bất cứ ai cũng có thể tham khảo, nghiên cứu. Bà còn sẵn sàng tiếp nhận góp ý từ người dân thông qua email. Giữa thời điểm nước Anh căng thẳng vì Brexit, bà vẫn làm đúng nhiệm vụ của mình mỗi ngày: Cải thiện tinh thần của người lao động và ngăn chặn những vụ tự tử diễn ra.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là vị Bộ trưởng Ngăn ngừa tự tử không quan tâm đến việc nước Anh ở lại hay rời EU. Bà luôn là một trong số ít những thành viên chính phủ công khai ủng hộ Thủ tướng May trì hoãn điều này trong thời gian lâu nhất có thể. Ngày bà May từ chức, Doyle-Price cũng rời vị trí trong thế ngẩng cao đầu. Bà vui, vì trong thời gian phụng sự đất nước, bà đã để lại một di sản đáng tự hào cho người kế nhiệm.

nhandan.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video